1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thuế thu nhập cá nhân sẽ tính cả lãi suất tiết kiệm

Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân từ tiền lãi gửi ngân hàng, gửi tiết kiệm và đánh thuế từ thu nhập chuyển quyền sử dụng nhà, đất. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, mặc dù thu nhập bình quân đầu người ở VN tăng mạnh nhưng tỉ trọng số thu thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao trên tổng thu ngân sách Nhà nước không tăng.

Điều này ảnh hưởng rất lớn tới nguồn thu của ngân sách trong tình hình số thu từ thuế nhập khẩu và từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm dần theo quá trình hội nhập. Bài toán để cân bằng tình trạng này là chính sách thuế thu nhập cá nhân mà Tổng cục Thuế và các bộ, ngành có liên quan đang gấp rút soạn thảo, lấy ý kiến để trình Quốc hội vào năm 2006: Dự án Luật Thuế thu nhập.

Thu nhập bình quân của người VN còn thấp

So sánh với các nước đang phát triển, tỉ lệ số thu thuế từ thu nhập đối với người có thu nhập cao so với GDP ở VN là rất thấp, chỉ chiếm 0,4%- 0,5%. Trong khi tỉ lệ thuế thu nhập cá nhân so với GDP ở các nước đang phát triển trên thế giới là khoảng 2,5%; với các nước đang phát triển ở châu Á là 2,9% (giai đoạn 1996- 1998); con số tương ứng ở các nước đang phát triển khu vực châu Phi là 4%... tỉ lệ này ở tất cả các nước đều có xu hướng tăng lên nhưng ở VN thì ngược lại, xu hướng giảm dần.

Trong tổng số thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, số thu từ người nước ngoài luôn chiếm tỉ trọng lớn và có xu hướng tăng lên mặc dù số lượng người nước ngoài phải nộp thuế thấp hơn nhiều so với người VN.

Số thu từ thuế đối với thu nhập thường xuyên của người nước ngoài trong tổng số thuế thu nhập cá nhân năm 2000 là 48,2% thì tới năm 2003 tăng lên 62,4%, ngược lại, với người VN giảm từ 42,2% xuống 30% tiếp tục giảm đáng kể từ khi nâng mức khởi điểm chịu thuế từ 3 triệu đồng lên 5 triệu đồng.

Điều này phản ánh rất rõ một thực tế đáng buồn là thu nhập bình quân của người nước ngoài làm việc và sinh sống tại VN cao hơn nhiều so với người VN.

Gửi tiết kiệm... cũng đánh thuế?

Điểm mới đang gây tranh cãi hiện nay trong Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân là việc khấu trừ thu nhập từ tiền lãi bao gồm lãi gửi ngân hàng, lãi gửi tiết kiệm, tiền gửi ngân hàng, trái phiếu, kỳ phiếu với thuế suất 10%. Trước đây, các hình thức này không bị đánh thuế để khuyến khích người dân tiết kiệm.

Tuy nhiên, quan điểm hiện nay cho rằng những người có tiền gửi ngân hàng, những người mua trái phiếu, kỳ phiếu là những đối tượng có thu nhập khá trở lên và cần thiết phải đánh thuế để bổ sung thêm nguồn thu cho ngân sách.

Ngược lại, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực này, việc đánh thuế như trên sẽ hạn chế việc huy động vốn mà các ngân hàng đang nỗ lực thu hút hiện nay. Bên cạnh đó, sẽ gây “thiệt thòi” cho một số đối tượng không khá giả nhưng gửi tiết kiệm để giữ tiền như cán bộ hưu trí, viên chức Nhà nước.

Theo ông Thái Sơn, Trưởng Phòng Thuế thu nhập cá nhân Cục Thuế TPHCM, các đối tượng hưu trí hay viên chức chỉ chiếm 10% trong các đối tượng gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng.

Phần lớn còn lại là những đối tượng có thu nhập, chưa kể tới những đối tượng gửi ký danh, vô danh... với số lượng tiền gửi lớn, nếu không đánh thuế sẽ mất nguồn thu. Một điểm mới có ảnh hưởng lớn tới hầu hết mọi người và gây tranh cãi là việc đánh thuế từ thu nhập chuyển quyền sử dụng nhà, đất.

Theo dự án luật, khấu trừ chi phí mua ban đầu, tiền lãi các khoản nợ liên quan, các khoản chi cải tạo đất, nâng cấp nhà ở và các khoản chi phí cần thiết khác... còn lại sẽ bị đánh thuế.

Thực tế, giá đất không cố định, lúc cao, lúc thấp nhưng chi phí phải nộp lại là cố định thì “vô lý” và sẽ khó điều tiết. Ông Sơn cho rằng về khoản này nên thu như hiện nay, mỗi lần chuyển nhượng là 4%. Các nước trong khu vực và trên thế giới thường thu hết các khoản nhưng mức thu rất thấp, chỉ để quản lý mà thôi.

Thực thu thuế TNCN chỉ đạt 46%

Theo Phòng Thuế thu nhập cá nhân (Cục Thuế TPHCM), thực thu thuế thu nhập cá nhân 6 tháng đầu năm 2005 trên địa bàn TP là 234 tỉ đồng, đạt 46% kế hoạch trong đó thu từ người nước ngoài là 201 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 85%.

Nguyên nhân số thu không đạt 50% theo dự toán là do chưa khai thác hết các lãnh vực, như: các đơn vị tổ chức biểu diễn; các nhà thầu dự án ODA; chương trình của các tổ chức phi chính phủ; các trường quốc tế dạy ngoại ngữ, các đơn vị sự nghiệp có thu hoạt động trong lĩnh vực y tế, thể thao...

Đây là những lĩnh vực đã được Tổng cục Thuế chỉ đạo tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế nhưng các đơn vị trên lại thuộc các phòng quản lý doanh nghiệp của các chi cục thuế nên Phòng Thuế thu nhập cá nhân không thể khai thác được.

Theo Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm