Thuê “Tây” làm giám đốc

Tại Việt Nam, mức lương 60-100 triệu đồng, thậm chí gần 200 triệu đồng mỗi tháng là hiếm hoi, song đây lại là mức do chính những "ông chủ" người Việt trả cho nhân viên nước ngoài mà họ thuê làm giám đốc hoặc các chức vụ chủ chốt trong công ty.

Bà Tâm Thanh Thiên Trang, Phó giám đốc Công ty phát triển nguồn nhân lực NetViet cho biết, từ đầu năm đến nay, đặc biệt trong các tháng 8-9, nhu cầu tuyển dụng người nước ngoài làm việc cho các công ty Việt Nam tăng đột biến.

Ông Nhan Quốc Vinh, Giám đốc Bộ phận tìm kiếm và tuyển chọn của Công ty L&A cũng cho hay: "Khoảng 10% trong tổng số các vị trí mà công ty chúng tôi được đặt hàng dành riêng cho người có quốc tịch nước ngoài.

Trung bình mỗi tháng, công ty này "săn" 60 vị trí dành riêng cho các đối tượng người ngoại quốc và Việt kiều, đa số các vị trí này là giám đốc điều hành và giám đốc tài chính.

Những vị trí nóng thường được các doanh nghiệp Việt Nam săn đón là các giám đốc điều hành (CEO), tài chính (CFO), dự án, lĩnh vực bất động sản... Đây là những doanh nghiệp có tham vọng "bành trướng" để hội nhập sân chơi quốc tế với những sự trạnh tranh gay gắt. Do vậy, họ cần đội ngũ quản trị có chiến lược tốt, tầm nhìn rộng.

Ông Lý Quý Trung, thành viên sáng lập và là Tổng giám đốc Tập đoàn Phở 24 chia sẻ, 5 năm tới, doanh nghiệp này sẽ nâng con số từ khoảng 60 lên đến 100 cửa hàng trong nước và từ 8 lên thành hàng trăm cửa hàng phở ở nước ngoài.

Đó là lý do khiến Phở 24 tuyển dụng ông Alan Ainsworth (quốc tịch Anh), người có kinh nghiệm điều hành mấy trăm cửa hàng, vào làm ở vị trí Quản lý điều hành (COO) từ 3 tháng nay.

Theo Phó giám đốc Công ty NetViet Thiên Trang, mức lương bình quân cho vị trí giám đốc của người nước ngoài được những công ty Việt Nam đưa ra là 4.000-6.000 USD mỗi tháng. Đối với một số chức danh như giám đốc điều hành, lương có khi được trả đến 12.000 USD. Ngoài ra, có những chủ doanh nghiệp chấp nhận trả thêm chi phí thuê xe, thuê nhà, học hành cho con cái của người lao động nước ngoài.

Tuy nhiên, nguồn lao động người nước ngoài vẫn khá khan hiếm tại Việt Nam. Đại diện một công ty tuyển dụng lao động tại TPHCM cho hay, công ty này cung ứng chưa tới 20% nhu cầu tuyển dụng người nước ngoài của các công ty trong nước.

Một số nhà tuyển dụng khác còn đưa ra thông tin khá "sốc", nhiều người nước ngoài làm việc cho các công ty Việt Nam thường chỉ 3-6 tháng, hoặc cao nhất là hơn một năm rồi "dứt áo ra đi".

Điều này được lý giải là do "độ chênh" về văn hóa, môi trường, giao tiếp, phong cách làm việc. Cũng có trường hợp doanh nghiệp rao mức lương ngất ngưởng nhưng khi ứng viên nhận việc lại hạ lương xuống.

Trong một thái cực khác, một số giám đốc người nước ngoài bị áp lực cao vì được chủ doanh nghiệp kỳ vọng quá nhiều, xem họ như là một "thần y" có thể giải quyết mọi vấn đề trong công ty, kể cả cải tổ cả một bộ máy lạc hậu thành chuyên nghiệp trong một thời gian ngắn.

Một điều thú vị là người Việt quốc tịch nước ngoài lại "có giá" hơn "Tây" chính cống. Bởi lẽ, Việt kiều vừa thông thạo tiếng Việt lẫn tiếng Anh (hay ngoại ngữ khác thông dụng), vừa am hiểu văn hóa bản địa và lại có năng lực chuyên môn tốt.

Bên cạnh tuyển dụng người nước ngoài, xu hướng tuyển dụng Việt kiều, cựu du học sinh lẫn người Việt trong nước có chuyên môn cao... cũng cao không kém trong dòng chảy của thị trường lao động.

Cách đây 4 năm, trường Doanh nhân & Giám đốc PACE có 3 người nước ngoài làm việc trong những vị trí quản lý chủ chốt, như giám đốc điều hành, quan hệ quốc tế, phụ trách chuyên môn...

Thế nhưng, hiện PACE chỉ còn một nữ giám đốc điều hành là người nước ngoài. Theo kế hoạch, cuối năm nay, ngoài các giảng viên người nước ngoài thì đội ngũ quản lý của PACE sẽ là 100% nguồn nhân lực Việt theo chuẩn quốc tế hóa.

Ông Giản Tư Trung, người sáng lập PACE nhận định, hiện có hai xu hướng trong tuyển dụng là bản địa hóa những người quản lý theo chuẩn thế giới và quốc tế hóa trình độ nhân lực trong công ty Việt Nam bằng việc mời người nước ngoài vào làm việc hoặc nâng cao trình độ nhân viên người Việt bằng cách đào tạo liên tục, tuyển dụng Việt kiều, du học sinh.

Tuy nhiên, theo ông Trung, điều mà cả các tập đoàn nước ngoài lẫn các công ty trong nước cùng hướng tới là quốc tế hóa trình độ của người Việt. Bởi những lợi thế cạnh tranh của người Việt đạt trình độ quốc tế so với người nước ngoài là rất lớn, như chi phí thấp hơn gấp nhiều lần, am hiểu thị trường Việt, văn hóa Việt.

Theo Thanh niên