1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thuế quan ăn vào lợi nhuận, hàng loạt các công ty theo nhau rút khỏi Trung Quốc

(Dân trí) - Các công ty của Mỹ và Đài Loan chiếm hơn một nửa số công ty đang có kế hoạch di dời sản xuất khỏi Trung Quốc

Thuế quan ăn vào lợi nhuận, hàng loạt các công ty theo nhau rút khỏi Trung Quốc - 1
Những công nhân đang làm việc tại một nhà máy may tại Việt Nam

Với mức thuế quan leo thang, ăn mòn vào lợi nhuận, một số công ty Châu Á đang hoạt động tại Trung Quốc, điển hình là các công ty trong lĩnh vực máy móc và thiết biệt điện tử của Đài Loan, Nhật Bản đang có xu hướng bán lại công ty của mình hoặc chuyển sản xuất về nước để tránh thuế nhập khẩu hàng hóa.

Cuộc chiến thương mại khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc đã kéo dài hơn một năm nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Cả hai bên đều áp đặt nhiều đợt thuế quan đối với hàng tỷ USD giá trị của các mặt hàng để trừng phạt đối phương. Vào Chủ Nhật vừa qua, Trung Quốc và Mỹ lại vừa mới áp dụng thêm một vòng thuế quan khác lên hàng nhập khẩu còn lại của hai bên.

Theo báo cáo của Nomura cho biết, hậu quả của cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung đã khiến cho Đài Loan được hưởng lợi nhiều nhất do các công ty tại Trung Quốc đang có xu hướng dịch chuyển sang Đài Loan.

Xu hướng di dời việc sản xuất về quê nhà

Nomura đã trích dẫn báo cáo của Bộ Kinh tế Đài Loan rằng: “khoảng 40 công ty Đài Loan hoạt động tại Trung Quốc đang tìm cách di dời việc sản xuất trở lại quê hương của mình.”

Các nhà chức trách Đài Loan đã và đang thúc đẩy sáng kiến “Đầu tư Đài Loan” nhằm mục đích thu hút các công ty trờ về nước. Theo chương trình này, các công ty có thể được vay vốn với chi phí thấp để trang trải chi phí cho việc di dời công ty.

Ví dụ như nhà sản xuất bảng mạch máy tính của Đài Loan – Flexium và Quanta đang di chuyển công ty của mình về quê nhà, SK Hynix – nhà sản xuất chip lớn thứ hai thế giới cũng đang tìm cách di dời việc sản xuất một số bộ phận nhất định về Hàn Quốc.

Theo thông tin của Nomuara, đối với các công ty Nhật Bản, Mitsubishi Electric đang di chuyển sản xuất các thiết bị phục vụ cho thị trường Mỹ ở Đại Liên, Trung Quốc sang tỉnh Nagoya, Nhật Bản. Nhà sản xuất máy Toshima Machine và Komatsu cũng đang lên kế hoạch cho các động thái tương tự.

Nomura đã lưu ý rằng, các công ty của Mỹ và Đài Loan chiếm hơn một nửa số công ty đang có kế hoạch di dời sản xuất khỏi Trung Quốc.

Theo thông báo của Tổng thống Mỹ - Donald Trump, ông đã yêu cầu các công ty của Mỹ phải chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Vào ngày 23 tháng 8, ông Trump đã thông báo trên Twitter rằng, các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc ngay lập tức phải tìm kiếm một nơi sản xuất khác thay thế cho Trung Quốc hoặc có thể quay về nước mình để sản xuất.

Ba lĩnh vực đang di dời khỏi Trung Quốc nhiều nhất là điện tử, tiếp theo là may mặc, giày dép, túi xách và sau đó là thiết bị điện.

Nomura cho biết “Đây không chỉ là sự chuyển hướng thương mại ngắn hạn, mà việc chuyển hướng thương mại mang tính chất trung hạn cũng đã bắt đầu”.

“Tuy nhiên, thuế quan không phải là lý do duy nhất dẫn đến những động thái này. Một số công ty hoạt động tại Trung Quốc còn nói rằng rủi ro về an ninh mạng cũng chính là một lý do để khiến họ di dời việc sản xuất của mình.”, những nhà kinh tế học Nomura đã cho biết thêm.

Người hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Các nền kinh tế được hưởng lợi lớn nhất từ cuộc chiến này chủ yếu là những nước Châu Á mà nổi bật nhất là Việt Nam, Đài Loan và Thái Lan. Ngoài ra, Mexico cũng là một quốc gia ngoài Châu Á được hưởng lợi khá lớn từ cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung này.

Theo phân tích của Nomura, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất thu hút được các công ty từ cả hai lĩnh vực. Thứ nhất là lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp như hàng may mặc và hàng tiêu dùng. Thứ hai là lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như điện tử.

Còn Mexico phần lớn được hưởng lợi ích từ các lĩnh vực điện tử và thiết bị điện.

Thùy Dung

Theo CNBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm