Thuê nước ngoài làm quản lý một số lĩnh vực kinh tế ở Vân Đồn
(Dân trí) - Trong hàng loạt giải pháp đưa ra thực hiện nhằm thu hút số vốn khổng lồ, đưa Vân Đồn trở thành trung tâm kinh tế năng động, “thành phố đáng sống”, UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh đến việc tạo cơ chế thu hút nhân tài, cả trong và ngoài nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh) đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050.
Một trong những mục tiêu trọng tâm là xây dựng khu kinh tế Vân Đồn trở thành vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam; nằm trong nhóm các thành phố đáng sống nhất châu Á - Thái Bình Dương.
Vân Đồn cũng sẽ là trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ; trung tâm kinh doanh thương mại quốc tế của khu vực... Nơi đây sẽ có trung tâm công nghiệp giải trí, trong đó có casino.
Để thực hiện quy hoạch nêu trên, UBND tỉnh Quảng Ninh mới đây đã ban hành kế hoạch thực hiện chi tiết liên quan đến các vấn đề đầu tư phát triển khu kinh tế Vân Đồn.
Để hút được nguồn vốn này, kế hoạch đã đưa ra chi tiết các nhiệm vụ trọng tâm nhằm thu hút nguồn lực đầu tư. Trong đó có việc đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ hiện đại, phát triển công nghiệp công nghệ cao…
Tổng nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để thực hiện giai đoạn 2019 – 2030 theo nội dung Quy hoạch là 8.350 tỷ đồng.
Kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Ninh cũng nêu rõ, tổng nhu cầu vốn cần huy động để đầu tư vào khu kinh tế Vân Đồn giai đoạn 2019 – 2030 theo quy hoạch là 171.550 tỷ đồng.
Trong đó, vốn đầu tư trong nước 75.150 tỷ đồng, vốn đầu tư nước ngoài khoảng 96.400 tỷ đồng.
Trong hàng loạt giải pháp đưa ra thực hiện nhằm thu hút số vốn khổng lồ, đưa Vân Đồn trở thành trung tâm kinh tế năng động, “thành phố đáng sống”, UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh đến việc tạo cơ chế thu hút nhân tài, cả trong và ngoài nước.
Cụ thể, kế hoạch nêu ra nhiệm vụ xây dựng các chính sách để thu hút nhân tài, nhất là thu hút các nhà khoa học từ nước ngoài có trình độ, kinh nghiệm đến làm việc, đào tạo nguồn nhân lực bền vững cho khu kinh tế, hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ để thúc đẩy sáng tạo khởi nghiệp; Xây dựng đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho khu kinh tế Vân Đồn.
Đáng lưu ý, kế hoạch này cũng đưa ra việc sẽ áp dụng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo nghề nghiệp đối với các cơ sở đào tạo nghề nghiệp, thuê nước ngoài làm tư vấn và quản lý một số lĩnh vực kinh tế.
Việc thuê nước ngoài làm quản lý là cách làm khá phổ biến ở nhiều đặc khu, khu kinh tế trên thế giới. Ở Vân Đồn, UBND tỉnh Quảng Ninh nêu rõ việc “thuê nước ngoài làm tư vấn và quản lý một số lĩnh vực kinh tế”. Trong khi đó, ở một số nước họ thuê người nước ngoài nắm quyền quản lý ở vị trí trưởng đặc khu hoặc thị trưởng…
Trong một cuộc trao đổi với Dân trí, TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới cho biết khi ông sang đặc khu Incheon của Hàn Quốc, điều ông bất ngờ nhất về trưởng đặc khu ở nơi đây. Đó là một phụ nữ người Mỹ, gốc Hàn. Vị này là một chuyên gia tài chính cao cấp có tiếng ở Mỹ. Điều dễ hiểu là vì mục tiêu của họ là thu hút tập đoàn Mỹ, họ cần một người đứng đầu là chuyên gia tài chính, hiểu biết về luật cũng như đặc điểm nền kinh tế Mỹ.
Quốc vương Dubai cũng thuê một người Anh về làm thị trưởng đô thị tài chính quốc tế. “Khi tôi hỏi Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này rằng: “Tại sao bà lại đi thuê một người nước ngoài về quản lý và nắm toàn bộ quyền lực kiểm soát trung tâm tài chính. Nước bà không lo sợ việc mất chủ quyền quốc gia sao?”. Bà này trả lời: “Tôi thuê họ bằng hợp đồng quyền lợi rõ ràng. Phía tôi là ông chủ thì có điều gì mà chúng tôi sợ. Hợp đồng kinh tế quy định chặt chẽ về quyền lợi và nghĩa vụ, nếu ông ta vi phạm hợp đồng sẽ bị cắt quyền ngay lập tức”, ông Lược kể.
Việc thu hút, trọng dụng nhân tài được cho là điểm cốt lõi, yếu tố tạo nên thành công bên cạnh các yếu tố về cơ chế, hạ tầng... khi xây dựng các khu hành chính - kinh tế đặc biệt...
Nguyễn Mạnh