Thuế nhập khẩu vào WTO: Sự đánh đổi có lợi

10.600 dòng thuế nhập khẩu được đặt lên bàn đàm phán. Việt Nam buộc phải cắt giảm 22% so với mức hiện hành, theo cam kết với 26 nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có yêu cầu đàm phán.

Đến tháng 6 vừa qua, Việt Nam đã kết thúc đàm phán song phương về mở cửa thị trường trong nước với 26 nước thành viên nói trên. Hàng loạt vấn đề được đặt lên bàn đàm phán, trong đó thuế là một vấn đề căng thẳng và nhạy cảm.

 

Cắt giảm và cắt giảm

 

Theo cam kết, Việt Nam sẽ cắt giảm 22% thuế nhập khẩu so với mức hiện hành, thực hiện chủ yếu trong vòng 5 năm kể từ khi gia nhập WTO3. Trong số 10.600 dòng thuế nhập khẩu sẽ có 36% phải cắt giảm; lộ trình cắt giảm kéo dài bình quân từ 5-7 năm.

 

Mức cắt giảm nói trên tập trung vào thuế đối với ngành công nghiệp (23,9%), nông nghiệp (10,6%). Nếu so với cam kết gia nhập WTO của Trung Quốc, thì mức cắt giảm này ở Việt Nam mạnh hơn ở ngành hàng công nghiệp (Trung Quốc chỉ giảm 9,6%) và nhẹ hơn ở ngành hàng nông nghiệp (Trung Quốc giảm 16,7%).

 

Mức cắt giảm thuế nhập khẩu cụ thể có biên độ khá rộng theo từng ngành khác nhau, từ 2% cho đến 63,2%. Cao nhất là ngành dệt may (cắt tới 63,2% so với MFN); kế đến là cá và các sản phẩm cá (giảm 38,4%); ngành gỗ, giấy (giảm 32,8%); máy móc thiết bị điện (giảm 23,6%); da, cao su (giảm 21,5%) rồi đến nông sản (giảm 10,6%), kim loại, thiết bị vận tải…Thấp nhất là ngành hàng khoáng sản, cắt giảm 2% so với mức thuế hiện hành.

 

Được và mất

 

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, ảnh hưởng từ việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết WTO khá lớn. Nguồn thu ngân sách nhà nước dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng từ lộ trình cắt giảm trên. Nguồn thu từ thuế xuất khẩu, nhập khẩu (chủ yếu) hiện đang chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách (khoảng 13%).

 

Đó là khoản sụt giảm nguồn thu thuế ước tính lên tới 300 triệu USD cho cả giai đoạn 5 năm sau khi gia nhập WTO, tương đương với khoảng 4.800 tỷ đồng, bình quân giảm thu khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm (tương đương khoảng 6-10% số thu thuế nhập khẩu mỗi năm).

 

Đó là những con số dự kiến, quan trọng hơn là việc cắt giảm thuế sẽ thu hẹp bảo hộ quá mức đối với các ngành đang có mức thuế MFN cao. Mà khi hội nhập, biện pháp bảo hộ duy nhất còn lại là thuế nhập khẩu. Việc cắt giảm như trên rõ ràng là một mất mát lớn đối với nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước, và đó cũng là một thách thức lớn.

 

Nhưng, đổi lại, việc cắt giảm thuế như trên sẽ dẫn đến tăng kim ngạch thương mại chung và tăng kim ngạch nhập khẩu của các mặt hàng giảm thuế, dẫn đến tăng thu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng. Với tác động này, thuế nhập khẩu vào WTO sẽ không quá khốc liệt.

 

Ngoài ra, Bộ Tài chính cho rằng việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ góp phần làm giảm chi phí nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất, giúp hạ giá thành sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Việc giảm thuế, giảm bảo hộ cũng sẽ tạo môi trường, áp lực để hàng Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực hơn để mạnh hơn.

 

Xét một cách tổng quan, thuế nhập khẩu vào WTO là một sự đánh đổi, trong đó, được-mất trước mắt cơ bản sẽ được dung hòa; còn về lâu dài, đó là sự đánh đổi có lợi.

 

Theo T.M.Đức

VnEconomy