Thuê bao "lạc" vào thế giới... người lớn: Vô tình hay hữu ý?

(Dân trí) - Theo chuyên gia về an ninh mạng, việc các thuê bao 3G của VinaPhone "lạc" vào website kinh doanh dịch vụ download ảnh và clip "nóng" mà Dân trí phản ánh là do can thiệp kỹ thuật từ chính nhà cung cấp dịch vụ.

Do nhà cung cấp chủ động cấu hình hệ thống?

Ngày 28/11 Dân trí có đăng tải bài viết VinaPhone dẫn thuê bao "đi lạc" vào thế giới... người lớn? phản ánh việc Vinaphone dẫn khách hàng 3G khi truy cập vào một tên miền không tồn tại (chưa đăng ký) tới một website kinh doanh dịch vụ download ảnh và clip khá “nóng”.
 
Thuê bao "lạc" vào thế giới... người lớn: Vô tình hay hữu ý? - 1
 
Thuê bao "lạc" vào thế giới... người lớn: Vô tình hay hữu ý? - 2
Các nội dung "soi cầu", clip "nóng", từ khóa "khiêu khích" đã biến mất trên trang Topteen.
 
Ngay sau bài viết, "sự cố" này đã được xử lý bằng việc những tên miền Việt Nam chưa đăng ký được truy cập qua 3G của VinaPhone đều đã được điều hướng về trang thông báo thường thấy của VNNIC.
 
Cho đến hôm nay, 30/11, phía VinaPhone vẫn chưa có phản hồi chính thức cho khách hàng về “sự cố” này. Việc VinaPhone vô tình hay hữu ý khi dẫn dắt người dùng như nội dung của bài báo đề cập, việc Vinaphone có liên quan gì tới chủ sở hữu của website “nóng” nói trên hay mục đích của việc “nhầm lẫn” này là gì vẫn chưa có lời giải đáp từ phía nhà mạng.

Để bạn đọc có thêm thông tin về việc này, chúng tôi đã hỏi một chuyên gia mạng và bảo mật, ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc an ninh mạng - công ty BKIS. Ông Đức cho biết: “Thông thường trong những trường hợp tương tự như thế này thì đều do cấu hình trên hệ thống DNS Server của nhà cung cấp dịch vụ”.

Ông Đức giải thích thêm: “Khi một người dùng truy cập vào một địa tên miền sai, thông thường thì DNS sẽ báo trang web không tồn tại. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp DNS Server được cấu hình để các địa chỉ không tồn tại được điều hướng sang 1 trang web bất kỳ, cái này là do nhà cung cấp lựa chọn”.

Topteen là đối tác của nhiều nhà mạng?

Ngoài việc những thuê bao 3G không còn bị "dẫn dắt" tới trang Topteen khi nhập nhầm tên domain, trang web này cũng đã "làm sạch" nhiều nội dung mà Dân trí đã phản ánh, như các clip, hình ảnh "người lớn", các nội dung cổ xúy cho nạn lô đề hay các nhóm từ khóa tìm kiếm "khiêu khích" khác.

Đến lúc này, cả bản 3G cho thiết bị di động và bản web dành cho PC của trang này đều đã được "tẩy" nội dung khá kỹ.
 
Thuê bao "lạc" vào thế giới... người lớn: Vô tình hay hữu ý? - 3
Biển Xanh, công ty chủ quản trang web Topteen, là đối tác của nhiều nhà mạng trong đó có VinaPhone?

Mối quan hệ giữa Topteen và VinaPhone vẫn là câu hỏi chưa được giải đáp. Nhưng theo tìm hiểu, trang Topteen này thuộc sở hữu của Công ty Công nghệ và Truyền thông Biển Xanh, có trụ sở tại Hà Nội.

Theo thông tin trên trang web của công ty này, ngoài VinaPhone thì Biển Xanh còn là đối tác của nhiều nhà mạng lớn nhỏ khác ở Việt Nam.

Trang web Topteen có ghi là Website được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp phép hoạt động, nhưng cũng chú thích thêm là đang gia hạn.
 

- DNS là từ viết tắt trong tiếng Anh của Domain Name System, là Hệ thống tên miền được phát minh vào năm 1984 cho Internet, chỉ một hệ thống cho phép thiết lập tương ứng giữa địa chỉ IP và tên miền.

- Mỗi nhà cung cấp dịch vụ vận hành và duy trì DNS server riêng của mình, gồm các máy bên trong phần riêng của mỗi nhà cung cấp dịch vụ đó trong Internet. Tức là, nếu một trình duyệt tìm kiếm địa chỉ của một website thì DNS server phân giải tên website này phải là DNS server của chính tổ chức quản lý website đó chứ không phải là của một tổ chức (nhà cung cấp dịch vụ) nào khác.

- DNS có khả năng tra vấn các DNS server khác để có được 1 cái tên đã được phân giải. DNS server của mỗi tên miền thường có hai việc khác biệt. Thứ nhất, chịu trách nhiệm phân giải tên từ các máy bên trong miền về các địa chỉ Internet, cả bên trong lẫn bên ngoài miền nó quản lí. Thứ hai, chúng trả lời các DNS server bên ngoài đang cố gắng phân giải những cái tên bên trong miền nó quản lí. - DNS server có khả năng ghi nhớ lại những tên vừa phân giải. Để dùng cho những yêu cầu phân giải lần sau. Số lượng những tên phân giải được lưu lại tùy thuộc vào quy mô của từng DNS.

(Theo Wikipedia)

G.K - T.H