1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thực phẩm ngoại lên ngôi

Hầu hết các siêu thị trên cả nước đang bày bán tràn ngập thực phẩm ngoại nhập. Một xu hướng tiêu dùng mới tại Việt Nam cho những người lắm tiền nhiều của hay chỉ đơn giản là vấn đề chất lượng hàng trong nước thiếu sức cạnh tranh?!.

Hà Nội: Thực phẩm ngoại được ưa chuộng

Khoảng 7- 8 tháng nay, công ty TNHH Nguyễn Hoàng Dương (Cầu Giấy, Hà Nội) đã trở thành đầu mối duy nhất nhập khẩu gà Mỹ trên thị trường Hà Nội.

Theo Giám đốc Nguyễn Trọng Thái khi giá gà lên cao, đoán  tâm lý sợ ăn “nhầm” phải gà dịch của người tiêu dùng, công ty đã nghĩ ngay đến việc lấy hàng từ Mỹ, một nước có ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến gia cầm có tiếng trên thế giới.

Sau một thời gian thăm dò, Nguyễn Hoàng Dương đã được Thương vụ Mỹ về Nông nghiệp tại Việt Nam giới thiệu làm việc với Gold Kitchen - công ty có doanh thu về gia cầm lớn thứ hai nước Mỹ (doanh thu năm 2004 là 4,2 tỷ USD).

Thời điểm “sốt” gà sạch, ngoại trừ Big C và Metro Caring (do có đầu mối nhập khẩu riêng), còn hầu hết các siêu thị tại Hà Nội đều nhập gà của công ty TNHH Nguyễn Hoàng Dương với tổng lượng tiêu thụ khoảng vài chục tấn.

Một gói thịt đùi gà sạch của Mỹ có trọng lượng từ 0,7-0,8 kg (với 2 đùi gà); đi kèm điều kiện luôn bảo quản đông lạnh ở nhiệt đột âm 18 độ C; giá bán khá mềm: 32.000 đồng/túi.

Sau gần nửa năm nhập thăm dò, ông Thái khẳng định: Người tiêu dùng đã bắt đầu chấp nhận. Thời gian tới, thuế giảm khi hội nhập WTO, giá gà Mỹ tại thị trường VN sẽ  có cơ hội hạ từ 15-20%, chắc chắn công ty của ông sẽ tính đến việc tăng lượng hàng nhập về.

Phụ trách bán hàng tại siêu thị Intimex (26 Lý Thái Tổ), chị Thu Hà cho biết: Gà Mỹ là mặt hàng được đa phần khách người nước ngoài ưa chuộng vì nguồn gốc về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) chắc chắn được đảm bảo.

Thời gian tới ngoài đùi gà Mỹ, gà quay Lebel (Pháp), siêu thị có thể nhập thêm thịt bò Nauy (dù giá sẽ khá cao từ 20-25 USD/kg). Theo chị Hà, sở thích tiêu dùng của nhiều người giờ đã thay đổi. “Vào cuối tuần, mỗi dịp đi nghỉ mát, picnic, người dân mua đồ ăn sẵn rất nhiều.

Nếu vào WTO, với lợi thế giảm thuế, chắc chắn sẽ có rất nhiều mặt hàng khác như hoa quả tuơi, bơ sữa, nước uống đóng lon, nước ép trái cây... từ các nước EU và Mỹ được người tiêu dùng hưởng ứng”. - Chị Hà nhận định.

TPHCM: Gà nội thua gà ngoại

Ông Châu Nhựt Trung - Thành viên HĐQT công ty chế biến gia cầm Huỳnh Gia Huynh Đệ cho biết, kể từ tháng 5 vừa qua, thịt gà ngoại nhập tràn về Việt Nam với số lượng lớn và hiện tại chiếm khoảng 30-40% thị phần thịt gà tại TPHCM.

Gà nhập ngoại có khá thấp so với gà trong nước, chẳng hạn loại cánh gà ngoại chỉ khoảng 28.000 đồng, trong khi sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước tối thiểu cũng 48.000 đến 50.000 đồng/kg.

Theo ông Phạm Văn Minh - Giám đốc công ty chế biến thực phẩm Phú An Sinh, nguồn gà nhập về Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Úc, Mỹ và một số nước Nam Mỹ.

Ông Châu Nhựt Trung cho biết, vì không cạnh tranh nổi với gà ngoại nhập về giá nên thời gian qua sản lượng gà thịt của công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ bị giảm sút mạnh, chỉ còn khoảng 40% đối với gà nguyên con và 50% đối với gà (chia theo từng loại đầu, cổ cánh, đùi…).

Ông Trung cũng cho rằng, sở dĩ gà ngoại nhập  có giá rất rẻ so với gà sản xuất trong nước có thể do đó là hàng tồn kho. Ông Trung cho biết, vừa đi khảo sát thị trường một số nước châu Âu và thấy giá bán tại xưởng của họ chỉ khoảng 7,5 euro/kg thịt gà, tương đương gần 200.000 đồng VN. “Nếu không là hàng tồn kho, làm sao rẻ như vậy?”- Ông Trung tự vấn.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Minh, sở dĩ gà làm sẵn tại Việt Nam rẻ là do người dân ở các nước chuộng ăn phần ức gà nên những phần còn lại giá rất rẻ. Ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam lại chuộng đùi và cánh gà nên giá của các loại thịt này cao hơn rất nhiều.

Vì vậy, cùng một loại sản phẩm nhưng khoảng cách chênh lệch giá giữa Việt Nam và các nước rất cao. Nắm bắt tâm lý này, một số doanh nghiệp Việt Nam đã phân loại sản phẩm, xuất khẩu loại thịt philê và ức gà sang các nước Âu, Mỹ và bán đùi, cánh gà tại thị trường Việt Nam.

Thực phẩm Việt - Làm gì để đứng được trên sân nhà?

Theo chị Đinh Thị Nga, phụ trách các mối hàng nhập khẩu của Cty thương mại Intimex (đơn vị có chuỗi siêu thị Intimex), giá gà Mỹ tuy có rẻ (so với gà ta hiện có giá 50-60 ngàn đồng/kg) nhưng thịt chắc chắn không thể ngon bằng. Vậy điểm vượt trội của gà Mỹ ở đâu?

Chị Nga nhận định: “Ưu điểm của hàng ngoại, không chỉ riêng gà mà tất cả các hàng nhập khẩu khác về đồ ăn, thức uống là bao giờ cũng có nguồn gốc được đảm bảo rõ ràng. Điều này, người tiêu dùng rất quan tâm và nhiều khi họ sẵn sàng bỏ tiền mua vì thế”.

Ông Phạm Đình Đoàn, Giám đốc công ty TNHH Phú Thái, doanh nghiệp phân phối hàng hóa lớn tại thị trường miền Bắc cho hay: Phú Thái cũng đang chuẩn bị xây dựng một hệ thống kho lạnh để có đủ điều kiện bảo quản hàng nhập khẩu về.

Theo ông Đoàn, trong tương lai những hàng ngoại sẽ có cơ hấp dẫn đoạt ngôi ngay tại thị trường nội nếu doanh nghiệp, nhất là các nhà sản xuất và cung ứng sản phẩm Việt Nam không chú trọng nhiều đến vấn đề an toàn chất lượng.

Ông Đoàn đơn cử: “Trường hợp một doanh nghiệp mà công ty của tôi nhập hàng. Có lần nhập 500 con gà thì phải trả lại họ đến 200 con với lý do không đảm bảo chất lượng giết mổ”.

Còn vì sao gà trong nước đắt hơn gà ngoại? - “Thì do tư tưởng chăn nuôi không đồng nhất, chất lượng không đồng đều của nhà sản xuất (chủ yếu là hộ cá thể nuôi nhỏ lẻ); trong khi đó Nhà nước lại chưa có hỗ trợ gì nhiều về khâu kiểm định.

Ông Đoàn dự đoán: Thời gian tới  ngoài thịt gà, thịt bò, hoa quả (Mỹ rất mạnh về sản phẩm này), trứng gia cầm, đường kính (châu Âu) sẽ là những mặt hàng có cơ “tiếm ngôi” hàng trong nước.

Theo K. Huyền - Đại Dương
Báo Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm