1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

TPHCM:

Thực phẩm bẩn, hóa chất độc hại... lên bàn nghị sự

(Dân trí) - Mặc dù báo cáo của UBND TPHCM về tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt được những con số ấn tượng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các đại biểu đều bày tỏ sự băn khoăn, lo ngại khi thực tế cuộc sống không tương xứng.

Sáng 11/7, kỳ họp thứ 10, HĐND TPHCM tiếp tục với phần thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2013 và kế hoạch 6 tháng còn lại. Đa phần ý kiến của các đại biểu đều dành sự quan tâm đến tình hình phát triển kinh tế của thành phố. Đồng tình, vui mừng trước sự tăng trưởng qua các con số báo cáo của UBND TPHCM, tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, mức tăng chưa thuyết phục. Tăng trưởng kinh tế nhưng còn nhiều vấn đề an sinh xã hội, đời sống của một bộ phận người dân của thành phố hiện đại còn lắm phần lam lũ.

Đại biểu Từ Minh Thiện cho rằng, số liệu kinh tế 6 tháng đầu năm của TPHCM đạt được đáng trân trọng nhưng nhìn vào kế hoạch 2013 thì con số đó còn rất nặng nề, thậm chí là rất thấp. Trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 23% chỉ tiêu của năm đưa ra. Quy mô thị trường mở rộng, sức mua tăng nhưng hàng tồn kho nhiều.

4 ngành kinh tế mũi nhọn của TPHCM gồm: Chế biến lương thực - Thực phẩm, Cơ khí – chế tạo, công nghệ thông tin – điện tử, hóa chất – cao su – nhựa có sự quan tâm phát triển nhưng chưa tương xứng. Ngành điện tử lại mất hút trên thị trường.
 
Các đại biểu HĐND chưa thực sự yên tâm với các con số toàn màu hồng về kinh tế của TP
Các đại biểu HĐND chưa thực sự yên tâm với các con số "toàn màu hồng" về kinh tế của TP

Tình hình quản lý, sử dụng thuốc trong rau, củ, quả dù đã kiểm tra tốt nhưng thực tế, tâm lý lo ngại, e dè vẫn còn trong người dân. “Cần kiểm soát tốt nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc và quản lý hóa chất độc hại đang bày bán ở chợ Kim Biên để người dân an tâm hơn trong tiêu dùng”, đại biểu Thiện nói.

Đại biểu Trần Ngọc Hưng (Q.Bình Tân) cho rằng, nhìn con số báo cáo của UBND TPHCM khiến ông rất lo ngại khi một thành phố năng động, đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng nông nghiệp tăng mà công nghiệp giảm. Đại biểu Hưng kiến nghị cần đảm bảo lãi suất đầu ra giảm để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Muốn làm được như vậy thì phải tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và các ngân hàng dưới sự chủ trì của ngân hàng nhà nước thành phố để doanh nghiệp và ngân hàng hiểu nhau hơn, tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển kinh doanh, khi đó mới đạt mục tiêu phát triển kinh tế của thành phố.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Quận 4) kể rằng, UBND quận 4 đã nhiều lần tổ chức tiếp xúc, đối thoại, kết nối giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhưng doanh nghiệp không mặn mà. “Khi vay thế chấp tại ngân hàng A, doanh nghiệp trình sổ tiết kiệm ở ngân hàng B thì ngân hàng A buộc muốn vay thì phải đem nguồn tiền về thế chấp ngay tại ngân hàng A thì mới cho vay. Doanh nghiệp không đồng ý thì bị từ chối cho vay. Đó là một trong những khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt khi vay vốn”, đại biểu Châu nói.
 
Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn gây tâm lý e dè, lo ngại trong người dân
Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn gây tâm lý e dè, lo ngại trong người dân

Đại biểu Lâm Thiếu Quân (Quận 5) thì đề nghị cần có thủ tục phá sản một cách nhanh chóng để tạo điều kiện doanh nghiệp hoạt động trở lại. Ông Quân nói: “Quá trình phá sản chậm sẽ không thu hồi được nợ, kéo dài thì thiệt hại cho xã hội càng lớn trong khi các tập đoàn lớn của thế giới phá sản nhanh rồi quay lại hoạt động”.

Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân (Q.Bình Thạnh) thì đề xuất nên có thương hiệu riêng của TPHCM để tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị cộng thêm cho các doanh nghiệp…

Phát biểu tại nghị trường, PGĐ Sở Công Thương - Huỳnh Khánh Hiệp cho rằng, trong 6 tháng đầu năm nay, sức mua đang phục hồi, tăng dần, tình hình giải quyết hàng tồn kho có những chuyển biến. Trong 26 ngành sản xuất của TPHCM, có 23 ngành tăng trưởng nhanh như: ngành đồ uống, chế biến thực phẩm, sản xuất nhựa… Tuy nhiên, trả lời thảo luận của lãnh đạo Sở Công thương còn chung chung, chưa đưa ra những giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế trong 6 tháng còn lại khiến nhiều đại biểu chưa thực sự thỏa mãn.

Công Quang