Thủ tướng: "Tìm người tài chứ không tìm người nhà"

(Dân trí) - Chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo, cán bộ công nhân viên VNPT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý tới công tác quản lý đầu tư, tài chính, công khai minh bạch, chống xin – cho, ban phát, chống lợi ích nhóm; quan tâm trọng dụng cán bộ trẻ, có năng lực, phẩm chất tốt, “tìm người tài chứ không tìm người nhà”, tránh được một “căn bệnh” mà tập đoàn Nhà nước hay mắc phải.

Sáng nay (4/8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm và làm việc với lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), tập trung đánh giá việc thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn.

Thủ tướng làm việc với Tập đoàn VNPT ngày 4/8 (ảnh: VGP)
Thủ tướng làm việc với Tập đoàn VNPT ngày 4/8 (ảnh: VGP)

Theo đánh giá của Thủ tướng, Tập đoàn VNPT đã quyết tâm tái cơ cấu. “Làm cái gì mà không quyết tâm thì khó thành công, nhất là các việc khó”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, ngoài ý chí, quyết tâm thì VNPT coi trọng áp dụng khoa học công nghệ trong quá trình tái cơ cấu, nhờ đó giá trị gia tăng cao hơn, năng suất lao động tăng.

Cho rằng việc cải thiện thu nhập cho người lao động là một mục tiêu quan trọng trong công tác tái cơ cấu, Thủ tướng đánh giá cao lãnh đạo Tập đoàn đã đoàn kết nội bộ, đặt lợi ích của Nhà nước, Tập đoàn, người lao động lên trên bởi kinh nghiệm một số nơi thực hiện tái cơ cấu đã xảy ra va chạm, mâu thuẫn nội bộ, nhất là trong bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng bày tỏ ấn tượng về công tác quản lý đầu tư, tài chính, công khai minh bạch, chống xin – cho, ban phát, chống lợi ích nhóm; quan tâm trọng dụng cán bộ trẻ, có năng lực, phẩm chất tốt, “tìm người tài chứ không tìm người nhà”, tránh được một “căn bệnh” mà tập đoàn Nhà nước hay mắc phải.

Bên cạnh đó, VNPT đã tái cơ cấu hoạt động theo đúng mô hình chuỗi giá trị doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin hiện đại, giảm đầu mối. “Điều quan trọng là không những vốn Nhà nước bảo toàn mà còn có bước phát triển. Chứ tái cơ cấu mà làm mất vốn nhà nước thì không ổn”, Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra các mặt tồn tại, bất cập của VNPT như chưa hoàn thành một cách cơ bản, toàn diện tái cơ cấu theo Quyết định 888/QĐ-TTg năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Quá trình tổ chức sắp xếp còn một số vấn đề, nhất là với khối trường học, bệnh viện thuộc Tập đoàn. Số lượng thuê bao di động không thấp nhưng doanh thu chưa cao.

Nhấn mạnh tinh thần viễn thông tiếp tục là ngành mũi nhọn, thúc đẩy liên kết trong chuỗi giá trị gia tăng, tạo điều kiện, động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực khác cũng như toàn bộ nền kinh tế, Thủ tướng đề nghị VNPT có các giải pháp cụ thể để lợi nhuận cao hơn, thực hiện tốt hơn một số nhiệm vụ mà Chính phủ giao.

“Các đồng chí làm kinh doanh thì không thể giao nhiệm vụ chính trị mà không tính hạch toán. Không thể để nhập nhằng giữa nhiệm vụ chính trị, phúc lợi xã hội với kinh doanh”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cũng yêu cầu, VNPT cần tối đa hóa giá trị, mang lại lợi nhuận cao nhất cho Nhà nước. Đây là tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động, điều hành của Tập đoàn.

Về đề xuất của VNPT cho phép sở hữu 20% vốn điều lệ của Mobifone và sử dụng một phần số tiền thu được từ việc bán cổ phần của Mobifone khi thực hiện cổ phần hóa để hỗ trợ về nguồn vốn cho VNPT trong quá trình tái cơ cấu, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) xây dựng, đề xuất phương án cổ phần hóa MobiFone theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng cho biết, Tập đoàn tiến hành đã triển khai tái cơ cấu qua 3 giai đoạn, theo đó, cơ bản hoàn thành công tác tái cấu trúc toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định.

Bộ máy quản lý của Công ty mẹ đã được tổ chức lại từ 15 đầu mối với hơn 500 lao động giảm còn 11 đầu mối với 300 lao động. Bộ máy tổ chức được sắp xếp tinh gọn hơn. “Cơ bản khắc phục tình trạng ngồi nhầm chỗ, hưởng nhầm lương”, ông Trần Mạnh Hùng nói.

VNPT đã thực hiện thoái vốn toàn bộ được 15 danh mục; giá trị vốn đầu tư trên sổ sách đã thoái xấp xỉ 31% tổng giá trị vốn đầu tư trên sổ sách phải thoái vốn (602 tỷ đồng/2.002 tỷ đồng). Tổng giá trị thu về hơn 1.000 tỷ đồng.

Bích Diệp