Thủ tướng: Tiếp tục kiềm lạm phát xuống 6% vào 2013

(Dân trí) - Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, năm 2012, lạm phát dự kiến khoảng 7% trước khi được kiểm soát tốt hơn ở mức 6% vào năm tới; trong khi tăng trưởng đạt 5,2% và sẽ tăng lên 5,5%. Dự trữ ngoại hối cả năm ước bằng 12 tuần nhập khẩu.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg ngày 28/12/2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong năm 2012, lạm phát Việt Nam dự kiến khoảng 7% trước khi được kiểm soát tốt hơn ở mức 6% vào năm tới.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng lạc quan rằng, đầu tư nước ngoài sẽ tăng mạnh trong vòng 2 năm tới do hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Thủ tướng: Tiếp tục kiềm lạm phát xuống 6% vào 2013
Thủ tướng: Việt Nam hoan nghênh các công ty nước ngoài đầu tư và tham gia vào tiến trình tái cơ cấu DNNN, bao gồm cả ngân hàng.

Theo ghi nhận của Bloomberg, trong năm ngoái, chi phí chỉ tăng dưới mức 6% so với năm 2003. Dưới sự điều hành của Chính phủ Việt Nam, lạm phát đã được điều chỉnh giảm nhanh chóng, xuống còn 7,1% vào tháng 11 so cùng kỳ, từ mức 18% thiết lập hồi tháng 12/2011. Tại thời điểm năm ngoái, Việt Nam được xem là nền kinh tế có tốc độ gia tăng lạm phát vào hàng cao nhất châu Á.

Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng chậm lại được cho là sẽ tạo động lực giúp Việt Nam có thể thực hiện được mục tiêu trở thành công xưởng thế giới, thay cho Trung Quốc. Tuy nhiên, mối quan ngại về tăng trưởng đã đạt đỉnh sau 1/4 thế kỷ kể từ khi mở cửa thị trường, và các nhà hoạch định chính sách đang gặp khó khăn để xử lý nợ xấu - hệ lụy của thời gian tăng trưởng trước đó để lại, đã góp phần khiến cam kết đầu tư từ nước ngoài trượt dốc 21% trong năm nay.

Về triển vọng tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, năm tới, GDP cả nước sẽ tăng khoảng 5,5%, cao hơn so mức dự kiến của năm 2012 là 5,2%, mức thấp nhất trong 13 năm.

Tăng trưởng đã chậm lại từ mức trung bình 7% do trong năm vừa rồi, Chính phủ áp dụng chính sách thắt chặt nhằm kiềm lạm phát và giảm bớt gia tăng các khoản nợ xấu.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trước nghị trường Quốc hội ngày 13/11 vừa rồi cho biết, tỉ lệ nợ xấu tại thời điểm 30/9 đang ở mức 8,82%. Mục tiêu của cơ quan điều hành tiền tệ quốc gia là giảm được tỉ lệ này xuống còn 3% vào 2015. Đồng thời, lãnh đạo NHNN cũng tuyên bố sẽ xử lý nghiêm hành vi thao túng trong lĩnh vực ngân hàng của các nhóm lợi ích.

Trong khi đó, tại văn bản hồi đáp của Thủ tướng tới Bloomberg sau cuộc phỏng vấn, người đứng đầu Chính phủ cũng cho hay, "Việt Nam kiên định thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng với chi phí thấp nhất có thể, trong khi vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến an toàn hệ thống".

Xuất khẩu khu vực FDI chiếm 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu

Ngoài ra, Thủ tướng cũng thông tin, "Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa nên niêm yết trên thị trường chứng khoán trong và ngoài nước".

"Chúng tôi hoan nghênh các công ty nước ngoài đầu tư và tham gia vào tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả ngân hàng của chúng tôi" - Hãng tin Mỹ trích lời Thủ tướng.

Hiện Chính phủ đang có kế hoạch áp dụng những chính sách thuế mới và các quy định mới về đất đai nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần ổn định kinh tế. Song, Thủ tướng nhấn mạnh, đó phải là những công ty có dự án mang lại giá trị gia tăng và công nghệ cao.

Intel, Samsung Electroníc và Jabil Circuit là những công ty đã thiết lập hoặc đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam, góp vào việc thúc đẩy xuất khẩu, ngay cả giữa bối cảnh cam kết đầu tư nước ngoài đã giảm trong năm nay. Mặt hàng điện thoại di động và các thiết bị điện tử đã tăng 91% song trong 10 tháng đầu năm, đạt 16 tỷ USD, đóng vai trò là nguồn lực lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu.

Đề cập đến mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là gạo, Thủ tướng cho biết, kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước có thể sẽ đạt 7,5 triệu tấn trong năm nay. Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo, khẳng định vị trí quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới sau Thái Lan.

Thủ tướng ghi nhận, các doanh nghiệp nước ngoài đang góp phần tích cực vào sự phát triển của Việt Nam, với mức gia tăng xuất khẩu khu vực này đạt 30% trong 11 tháng qua, chiếm khoảng 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nguồn lợi xuất khẩu góp phần vào gia tăng dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Và theo Thủ tướng, dự trữ ngoại tệ cả nước sẽ đạt tương đương khoảng 12 tuần nhập khẩu vào cuối năm nay, tăng từ mức 11 tuần nhập khẩu đã được Thủ tướng đưa ra ngày 22/10 trước Quốc hội.

Bích Diệp