Thủ tướng: "Tay không bắt giặc làm sao vay được vốn!"

(Dân trí) - Khẳng định tinh thần của Chính phủ là hết sức nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, việc khó tiếp cận vốn phải nhìn cả từ hai phía, trong đó có nguyên nhân đến từ bản thân doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận Hội nghị (ảnh: BD).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận Hội nghị (ảnh: BD).

Sau nhiều lần thực hiện giảm lãi suất, tưởng như vấn đề này đã không còn là trở ngại của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra sáng 28/4, câu chuyện lãi suất lại một lần nữa được đặt lên bàn đối thoại giữa giới kinh doanh và các nhà hoạch định, điều hành chính sách.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Đại diện cho tiếng nói của cộng đồng các doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) phản ánh, lãi suất sau nhiều lần giảm đã xuống tương đối thấp trong tương quan với mức lạm phát kỳ vọng (đặc biệt là các chương trình cho vay ưu đãi). Tuy nhiên, do chưa xử lý được vấn đề nợ xấu và điều kiện cho vay còn ngặt nghèo, nên nhiều doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận được vốn ngân hàng và nhất là không thể tiếp cận được vốn ngân hàng và nhất là không thể tiếp cận được với mức lãi suất quy định vì phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức.

VCCI kiến nghị tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay, thực hiện những hình thức cho vay mới như cho vay theo các chuỗi sản xuất và cung ứng, mở rộng bảo lãnh tín dụng qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và mạng lưới Quỹ bảo lãnh tín dụng cần được tổ chức ở tất cả các địa phương, mở rộng hình thức cho vay tín chấp thông qua hệ thống đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp, cho vay theo kế hoạch sản xuất kinh doanh chứ không chỉ dựa vào tài sản thế chấp. Khẩn trương đưa vào Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ vào hoạt động, phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư tư nhân, quỹ tiên phong...

Về phía các doanh nghiệp vừa nhỏ (SME), Tổng Thư ký Hiệp hội này, ông Tô Hoài Nam cũng thừa nhận, vốn đang là vấn đề khó khăn. Ông Nam cho biết, việc tiếp cận thị trường vốn của các doanh nghiệp SME bị hạn hạn chế do không đủ điều kiện, kể cả điều kiện để các SME tham gia thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ... vốn dài hạn thiếu nhiều. 48% số doanh nghiệp khảo sát cho biết, chỉ có 30% tiếp cận được vốn, 29% không tiếp cận được.

Mặt bằng lãi suất đã giảm dần từ năm 2011 là 18-21%/năm xuống còn 10-12% trong năm 2012 và đến năm 2013 là 9-11%/năm. Tuy nhiên, theo ông Nam, vấn đề lãi suất nợ cũ giảm chưa tương xứng.

Góp tham luận tại Hội nghị sáng nay, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Nghệ An, bà Phạm Thị Hồng Thái cũng đã đưa ra những bức xúc của doanh nghiệp SME trên địa bàn. Bà Thái đặt câu hỏi cho Thống đốc Nguyễn Văn Bình, "liệu trong năm nay lãi suất còn giảm tiếp?" khi mà mức lãi suất hiện tại dù đã giảm nhưng vẫn còn cao hơn mặt bằng lãi suất của thế giới. Bà Thái quan ngại, nếu như không hạ thêm lãi suất thì doanh nghiệp nội sẽ không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại và thậm chí sẽ bị thua trên chính sân nhà.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (ảnh: BD).
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (ảnh: BD).

Nếu có cơ hội giảm tiếp lãi suất sẽ tiến hành ngay

Đáp lại vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khẳng định, việc giảm lãi suất cũng là mục tiêu mà cơ quan này đặt ra trong suốt hai năm vừa qua. Chính vì vậy, NHNN đã kiên định và kiên trì đưa mặt bằng lãi suất thấp hơn rất nhiều so với cách đây 1,5-2 năm. 

Thống đốc cho biết, việc điều chỉnh giảm lãi suất hơn nữa là điều được doanh nghiệp mong muốn nhưng phải phụ thuộc vào diễn biến của nền kinh tế vĩ mô. "Ngay vừa rồi, việc giảm lãi suất huy động xuống 6% và giảm lãi suất cho vay thêm 1-2% cũng đã là một quyết định đầy khó khăn và nhiều rủi ro với những người làm công tác quản lý" - Thống đốc chia sẻ.

Do vốn của hệ thống ngân hàng là vốn vay từ nền kinh tế, vay của dân nên nếu hạ lãi suất xuống thấp nữa thì phải giải quyết được vấn đề "Dân còn gửi tiền vào ngân hàng nữa hay không?". Nếu dân không gửi tiền vào ngân hàng nữa thì sẽ xảy ra rất nhiều vấn đề: Dân sẽ đầu tư vào các lĩnh vực khác mà Chính phủ không khuyến khích như USD, ngoại tệ, vàng... Do vậy, phải cân đối, làm sao đảm bảo được giá trị tiền đồng, đảm bảo được nguồn vốn của nền kinh tế vận hành, đảm bảo thanh khoản của nền kinh tế nói chung và của hệ thống ngân hàng nói riêng.

Người đứng đầu NHNN hứa hẹn, "sẽ theo dõi sát sao, phân tích kỹ lưỡng, thậm chí 10-15 ngày phải xem xét lại một lần để nếu có bất kỳ cơ hội nào mà có thể giảm được lãi suất thì sẽ tiến hành ngay". Thế nhưng, ông cũng lưu ý, việc giảm lãi suất phải bền vững, tránh việc chính sách "giật cục", "nay xuống mai lên". Chỉ khi chính sách ổn định thì mới nâng cao được niềm tin của người dân, của doanh nghiệp vào chính sách; và bản thân các doanh nghiệp mới có thể yên tâm sản xuất với những phương án kế hoạch đã lập ra.

Phát biểu kết luận Hội nghị, sau khi nghe các kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận rằng, vốn vay rất quan trọng với các doanh nghiệp SME. Lãi suất đã hạ xuống thấp, một mặt doanh nghiệp phải vươn lên và ngân hàng cũng phải tạo điều kiện hết sức cho doanh nghiệp. 

Phân tích mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp và ngân hàng, Thủ tướng nói, việc doanh nghiệp không trả được nợ không chỉ khó cho doanh nghiệp mà còn khó cho cả các ngân hàng. Doanh nghiệp không trả được nợ thì nợ xấu ngân hàng tăng, phải trích lập dự phòng rủi ro qua đó ảnh hưởng tới kết quả lợi nhuận các ngân hàng.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lật lại vấn đề: "Vì đây là vốn vay nên phải đảm bảo chất lượng tín dụng chứ tay không bắt giặc làm sao mà tiếp cận được! Nói đo thì phải nói lại, doanh nghiệp không có vốn liếng gì cả, bây giờ yêu cầu ngân hàng cho vay hàng tỷ đồng thì làm sao có được, phải không?  Phương án sản xuất kinh doanh mà chưa thấy triển vọng gì thì làm sao tiếp cận thuận lợi được?" 

Do vậy, việc tiếp cận vốn phải nhìn từ hai phía. Tinh thần của Chính phủ là hết sức nỗ lực, tìm mọi cách để các ngân hàng thương mại cơ cấu lại số nợ cũ lãi suất cao. Với những doanh nghiệp đang còn hoạt động, có triển vọng thì phải tìm cách hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trả nợ cho ngân hàng.

Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh xem xét lại Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ bảo lãnh cho đối tượng này tiếp cận được vốn. Trong khi đó, Chính phủ sẽ chăm lo phát triển thị trường vốn thông qua phát triển thị trường chứng khoán để các doanh nghiệp không chỉ tìm kiếm nguồn vốn ngắn hạn ở ngân hàng mà còn vay được nguồn vốn trung và dài hạn.

Bích Diệp
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước