Thủ tướng: Phải đưa Việt Nam thành "con hổ mới" kinh tế châu Á

(Dân trí) - "Phải cố gắng biến Việt Nam từ "một cô gái đẹp" trở thành "con hổ mới" của nền kinh tế châu Á, có làm được không và tại sao lại không?" Đây là câu hỏi rất trừu tượng cần lời giải đáp mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra cho lãnh đạo Bộ và người đứng đầu 63 Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cả nước tại Hội nghị Tổng kết của bộ này vừa diễn ra chiều nay 15/1 ở Hà Nội.

Thủ tướng giải nghĩa: "Chúng ta được mệnh danh là rừng vàng, biển bạc nhưng tại sao chúng ta còn nghèo như vậy? Câu hỏi này cần phải trả lời và Việt Nam có trở thành con hổ được hay không và làm thế nào để làm được con hổ mới của Châu Á?"

Thủ tướng Chính phủ nêu ra nhiều nhiệm vụ, yêu cầu đối với ngành Kế hoạch và đầu tư - ngành quan trọng cho chiến lược phát triển đất nước
Thủ tướng Chính phủ nêu ra nhiều nhiệm vụ, yêu cầu đối với ngành Kế hoạch và đầu tư - ngành quan trọng cho chiến lược phát triển đất nước

Rừng vàng, biển bạc sao đất nước vẫn nghèo?

"Thủ tướng để câu hỏi này để cho Bộ KH&ĐT cùng các Sở KH&ĐT trả lời, đưa ra chính sách tham mưu cho Đảng và Nhà nước đường hướng phát triển. Chúng ta phải có khát vọng đưa dân tộc tiến lên chứ không phải cứ chầm chậm, đều đều thì không bao giờ thoát ra khỏi, đưa đất nước phát triển được", Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ phân tích rõ: Phát triển thành con hổ mới của kinh tế châu Á không phải chúng ta phá vỡ các yếu tố tự nhiên, tiềm năng và lợi thế cạnh tranh, mà phải phát triển bền vững.

Thủ tướng yêu cầu: Trong chiến lược phát triển, ngành KH&ĐT không để lạm phát phá vỡ nền kinh tế vĩ mô, đây là nhiệm vụ xuyên suốt.

Phát triển kinh tế phải thực hiện mục tiêu hài hoà, bền vững, cân bằng trong tam giác phát triển "kinh tế", "xã hội", "môi trường". "Phát triển kinh tế nhưng không để ai bị tụt lại phía sau, không để ai chịu cùng cực ở đất nước này. Làm sao chúng ta là đất nước hạnh phúc, dân tộc phồn vinh, chứ không chỉ là dân chủ - phồn vinh", Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT phải tham mưu chính sách vĩ mô, vừa qua bộ đã có những cố gắng nhưng chưa hoàn tốt. Nhiều nhiệm vụ điều phối chưa hợp lý, còn bị động, lúng túng.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ: Bộ Kế hoạch chưa có nhiều báo cáo xuất sắc, sắc sảo, nêu tình hình đúng nhưng chưa có giải pháp thiết thực. Bộ có nhiều cục, vụ nhưng số báo cáo, nghiên cứu chất lượng còn ít. Các thông điệp, đề xuất của Bộ KH&ĐT với tư các là Tổ trưởng Tổ kinh tế vĩ mô lên Thủ tướng và Chính phủ còn thiếu. Thời gian tới, Bộ KH&ĐT phải là cỗ máy tinh vi, sáng suốt tham mưu cho Chính phủ.

Bộ Kế hoạch không được để: Gõ cửa mới được giải quyết

Thủ tướng nhấn mạnh: Bộ KH&ĐT phải gương mẫu không để tiêu cực, mang tiếng là "nơi chạy vạy" để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải gõ cửa, đến gặp mới xử lý được là không xứng đáng.

"Anh là Bộ Phát triển mà phải để người ta đến mới giải quyết thì làm sao nghe được?", người đứng đầu Chính phủ lưu ý.

Thủ tướng một lần nữa nhắc lại thông điệp: "Bộ KH&ĐT không phải Bộ chia tiền; Giám đốc các Sở KH&ĐT trên toàn quốc phải xóa bỏ ngay tư tưởng là nơi chia vốn, ai cũng bu vào mấy đồng bạc thì sao phát triển được?"

"Cần từ bỏ "quyền lực" để phát triển đất nước. Các ông, bà Giám đốc Sở KH&ĐT có dám từ bỏ "quyền lực" hay không lúc đó mới có thể phát triển được", Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu: Lãnh đạo, cán bộ Bộ KH&ĐT phải nắm chắc pháp luật, xu hướng vận động của thế giới, xu hướng là phải bỏ bớt quản lý một số thứ đi. "Nhiều văn bản pháp luật ban hành dưới tay nhưng nếu cán bộ công chức còn chưa hiểu được thì sao hướng dẫn cho DN, người dân hiểu. Từ đó lại gây nhũng nhiễu, tiêu cực cho doanh nghiệp, người dân. Đây là yêu cầu lớn và mới mà tôi đặt ra cho ngành KH&ĐT".

Về tổ chức bộ máy, người đứng đầu Chính phủ nghiêm khắc nhắc nhở: "Các bộ, ngành không được đưa người nhà, cán bộ vào "công trình", alo cho cấp dưới để nhờ vả. Thủ tướng biết hết chứ không phải không, cần nghiêm túc loại bỏ vấn đề này".

"Người ta nói trình độ Việt Nam hiện nay chỉ trên Lào và Campuchia, chúng ta cần phải có trách nhiệm và xấu hổ về điều này", Thủ tướng nói.

Nguyễn Tuyền

Thủ tướng: Phải đưa Việt Nam thành "con hổ mới" kinh tế châu Á - 2