Thủ tướng: Nghệ An phải trở thành nơi giao thương quan trọng với các nước Lào, Thái Lan và Myanma
(Dân trí) - Đó là phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư vào tỉnh Nghệ An sáng nay (10/3).
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của chính quyền tỉnh Nghệ An với việc thu hút đầu tư trong suốt nhiều năm qua. Đồng thời, Thủ tướng cũng những ghi nhận những hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Phát triển cao tốc Viêng Chăn - Nghệ An - Hà Nội
Thủ tướng cũng khẳng định: Năm 2018 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Đây là cơ hội tốt để Nghệ An tạo bước đột phá trong phát triển nếu tận dụng tốt các cơ hội trên cơ sở một chiến lược phát triển tốt, bài bản, tầm nhìn dài hạn. Để tăng cường thu hút đầu tư, tỉnh phải có tư duy mới, cách làm mới, tập trung bàn bạc, thảo luận những vấn đề tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp làm ăn phát triển ở Nghệ An.
Thủ tướng yêu cầu Nghệ An phải có một chính sách nhất quán, cơ chế hành chính thông thoáng và minh bạch, các nhà đầu tư cần phải có chiến lược kinh doanh dài hạn và bài bản, giữ cam kết đầu tư và triển khai dự án đầu tư đúng tiến độ giữ cam kết đúng tiến độ, tức là phải “làm thật”, phải thể hiện rõ quan điểm "hai bên cùng thắng" trong hoạt động kinh doanh. Đồng thời, phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, có chiến lược phát triển bền vững cho chính doanh nghiệp và người dân, nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Thủ tướng nói: “Nghệ An chú ý phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy (huyện Thanh Chương) tương xứng với tiềm năng và cơ hội giao thương. Trước mắt cần nâng cấp cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy thành cửa khẩu quốc tế sớm trong thời gian tới. Đặt mục tiêu trở thành điểm giao thương quan trọng với các nước Lào, Thái Lan, Myanma trong thời gian tới. Hiện nay cùng với Nhật Bản tiền khả thi đã và đang thi công đường Viêng Chăn - Pacxan (Lào) đi qua Thanh Thủy (Nghệ An) - Hà Nội thành cao tốc lớn. Đây chính là một thế mạnh rất lớn để Nghệ An có đường xuyên Á. Từ đó, cần phân bổ lại các khu vực hành chính, các khu đô thị, các khu dịch vụ…để tận dụng thế mạnh của tuyến đường quan trọng xuyên Á này”.
Nghệ An hội tụ đầy đủ các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa; là cầu nối hai miền Bắc - Nam; nằm trên tuyến đường cao tốc từ Trung tâm Pacxan (Lào) đi qua Cửa Khẩu Thanh Thủy (dự án chuẩn bị triển khai) và là cửa ngõ thông ra biển đông của miền Trung Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan qua cửa khẩu Thanh Thủy ra cụm Cảng biển Cửa Lò.
Thủ tướng cũng đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của chính quyền tỉnh Nghệ An trong suốt nhiều năm qua.
"Tỉnh đã kiên trì, tích cực và chủ động tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển ngày càng hoàn thiện hơn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ; thu hút nhiều dự án đầu tư trong nước và nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ có nhiều khởi sắc, góp phần mạnh mẽ xây dựng tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ, là một trong những trọng điểm phát triển của đất nước”, Thủ tướng chia sẻ.
Không để phát triển kinh tế ảnh hưởng xấu đến môi trường
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Nghệ An: Một là, phải có chiến lược kinh doanh dài hạn và bài bản, giữ cam kết đầu tư và triển khai dự án đầu tư đúng tiến độ tức là phải “làm thật”, phải thể hiện rõ quan điểm "hai bên cùng thắng" trong hoạt động kinh doanh. Đối với các dự án chậm triển khai so với tiến độ đã cam kết, đề nghị chính quyền tỉnh Nghệ An quyết liệt rà soát và có các biện pháp xử lý kịp thời.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã trao Giấy chứng nhận Đăng ký đầu tư cho 9 dự án và ký kết 16 thỏa thuận ghi nhớ, hợp tác đầu tư vào Nghệ An với tổng số vốn đăng ký 13.152 là tỷ đồng.
Hai là, phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, có trách nhiệm xã hội bảo đảm cho phát triển bền vững cho chính doanh nghiệp và người dân. Chúng ta không để phát triển kinh tế ảnh hưởng xấu đến môi trường và cuộc sống của người dân.
Ba là, thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động; quan tâm xây dựng môi trường làm việc tốt hơn nhằm giúp tăng năng suất và tái sản xuất sức lao động.
Thứ tư là, đề nghị doanh nghiệp, nhà đầu tư hưởng ứng tinh thần "Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp". Nói là làm, đã ký kết thì thực hiện, không tạo ra chi phí không chính thức.
Với tinh thần hợp tác cùng phát triển, đôi bên đều có lợi. Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư, doanh nhân... đồng hành cùng với Chính phủ, tỉnh Nghệ An trong quá trình phát triển của quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh; Chung sức, chung lòng sẽ phát huy tốt nhất những tiềm năng, thế mạnh của mình và vùng để sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Nghệ An trở thành “Điểm đến của Việt Nam trong tương lai”.
Một số dự án được trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:
1. Dự án Nhà máy Bia, nước giải khát Masan Nghệ An do Công ty CP Tập đoàn Masan đầu tư tại Nghệ An, tổng mức đầu tư 1.661 tỷ đồng, triển khai tại Khu B, KCN Nam Cấm.
2. Dự án Nông nghiệp công nghệ cao FLC do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, tại huyện Tân Kỳ, Nghệ An. Đơn vị thực hiện dự án là Công ty TNHH Nông Nghiệp FLC Biscom - công ty thành viên thuộc Tập đoàn FLC hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy trình hiện đại với quy mô lớn cung ứng các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn thị trường trong và ngoài nước.
3. Dự án Khu liên hợp sản xuất vật liệu xây dựng Trung Đô do Công ty Cổ phần Trung Đô làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 1.025 tỷ đồng, triển khai tại xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc.
4. Dự án Nhà máy xử lý chất thải Thái Hòa do Công ty cổ phần Năng lượng và Môi trường Việt Nam là chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, triển khai tại xã Nghĩa Hòa, thị xã Thái Hòa.
5. Dự án Nhà máy in thêu Dong A do Công ty TNHH MTV Dong A – Vinh làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng, triển khai tại Phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai.
6. Dự án Trung tâm tổ chức sự kiện, khách sạn và dịch vụ thương mại tổng hợp Tân Kỳ do Hợp tác xã đầu tư xây dựng quản lý và khai thác chợ Hải An làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 86,2 tỷ đồng...
Một số dự án được trao ký kết thỏa thuận đầu tư:
1. Dự án Khu vui chơi giải trí Vinpearl Cửa Hội tại thị xã Cửa Lò, do Công ty CP thuộc Tập đoàn Vingroup đề xuất, với tổng mức đầu tư dự kiến 4.365 tỷ đồng.
2. Hai đồ án: Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2.000 Phân khu, quy hoạch chi tiết Khu đô thị phía Tây Nam thành phố Vinh thuộc các xã: Hưng Thịnh, Hưng Mỹ - huyện Hưng Nguyên, Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu tổ hợp dịch vụ du lịch đô thị Bến Thủy tại phường Bến Thủy, thành phố Vinh do Công ty cổ phần Tập đoàn T&T đề xuất lập quy hoạch.
3. Dự án Đầu tư khu tâm linh đền Cuông, tại xã Diễn An, huyện Diễn Châu và dự án Khơi dòng sông Sào từ thị xã Thái Hòa về đến sông Mả Tổ tại Khu sinh thái Mường Thanh do Công ty Cổ phần Tập đoàn Mường Thanh đề xuất, với tổng mức đầu tư dự kiến 673 tỷ đồng.
4. Dự án Nhà máy may Nghi Lộc tại huyện Nghi Lộc do Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hà Nội đề xuất, với tổng mức đầu tư dự kiến 250 tỷ đồng.
5. Dự án Nhà máy sản xuất điện mặt trời và nông nghiệp sạch do Công ty cổ phần Jadoonamoo Vina đề xuất với tổng mức đầu tư dự kiến 2.245 tỷ đồng.
6. Dự án Ứng dụng công nghệ sinh học để xây dựng hệ thống giống sạch bệnh và phát triển cam Xã Đoài bền vững, chất lượng cao ở Nghệ An do Tổng công ty CP VTNN Nghệ An đề xuất, với tổng mức đầu tư dự kiến 170 tỷ đồng.
7. Dự án Trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ kết hợp du lịch hồ Vệ Vừng tại huyện Yên Thành do Công ty TNHH Phát triển chăn nuôi giống gia súc đề xuất với tổng mức đầu tư dự kiến 506 tỷ đồng.
8. Dự án Liên kết sản xuất lúa gạo sạch và lạc sen thắt, đầu tư xây dựng cơ sở chế biến nông sản chất lượng cao tại huyện Yên Thành và huyện Diễn Châu do Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Ứng dụng công nghiệp Quốc tế đề xuất, với tổng mức đầu tư dự kiến 119 tỷ đồng;
9. Dự án Nhà máy gạch Tuynel đất đồi Trung Đô Khánh Sơn tại huyện Nam Đàn do Công ty CP Trung Đô đề xuất với tổng mức đầu tư dự kiến 157 tỷ đồng.
10. Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ tại thành phố Vinh do Công ty TNHH Thiên Phú đề xuất, với tổng mức đầu tư dự kiến 65 tỷ đồng.
11. Dự án Khu liên hợp chăn nuôi chế biến công nghệ cao Việt Đức tại huyện Đô Lương do Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức đề xuất, với tổng mức đầu tư dự kiến 210 tỷ đồng.
12. Dự án Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất phát triển và bảo quản chế biến cam Xã Đoài tại huyện Nghi Lộc và huyện Con Cuông do Công ty CP Sao Mai Việt Nam đề xuất, với tổng mức đầu tư dự kiến 100 tỷ đồng.
13. Dự án Đầu tư xây dựng Cơ sở ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong chăn nuôi bò 3B và trồng trọt tại huyện Hưng Nguyên do Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát đề xuất, với tổng mức đầu tư dự kiến 100 tỷ đồng.
14. Dự án Đầu tư xây dựng khu sản xuất tôm Thẻ chân trắng (P.vannamei) Công nghệ cao Nam Miền Trung do Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung đề xuất, với tổng mức đầu tư dự kiến 50 tỷ đồng.
....
4 Dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Thỏa thuận hợp tác đầu tư cho các dự án trong khu Công nghiệp VSIP Nghệ An:
1. Dự án “Nhà máy sản xuất viên nén sinh khối Biomass Fuel Việt Nam“ do Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng.
2. Dự án Nhà máy sản xuất sơn do Công ty TNHH Becker Industrial Coatings Việt Nam, làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 31 tỷ đồng.
3. Dự án Nhà máy may mặc Sangwoo Việt Nam do Công ty TNHH Sangwoo ( Hàn Quốc) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 112,5 tỷ đồng.
4. Dự án Xưởng sản xuất hàng nội thất và chế biến gỗ do Công ty cổ phần thiết kế Kiến Mộc làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng.
Nguyễn Duy