Thủ tướng lệnh cách chức lãnh đạo DNNN chây ỳ cổ phần hóa!
(Dân trí) - Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Tập đoàn kinh tế phải chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng về kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN thuộc phạm vi phụ trách.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, "sếp" DNNN nếu có thái độ chây ỳ tái cơ cấu, cổ phần hóa sẽ chắc chắn mất chức.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
"Kiên quyết thay thế, điều chuyển lãnh đạo doanh nghiệp chần chừ, không nghiêm túc thực hiện, thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và nhiệm vụ chủ sở hữu giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp" - đó là kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Thông báo 85/TB-VPCP về việc triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu (DNNN) 2014-2015.
Theo đó, để thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp theo phương án đã phê duyệt, Thủ tướng yêu cầu quyết định chuyển thành công ty cổ phần tất cả DN thuộc diện cổ phần hóa. Những DN có điều kiện thì thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) theo quy định hiện hành. Còn những DN chưa có điều kiện IPO ngay thì chuyển thành công ty cổ phần với các cổ đông là Nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), tổ chức công đoàn, người lao động, cổ đông chiến lược (nếu có) hoặc các cổ đông tự nguyện khác nhằm thay đổi hình thức pháp lý DN, đa dạng hóa sở hữu, góp phần dân chủ hóa kinh doanh, tạo hàng hóa sẵn sàng cho thị trường.
Trong nhiệm vụ này, Thủ tướng lưu ý, phải "xác định và đề cao trách nhiệm người đứng đầu". Cụ thể, Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng về kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN thuộc phạm vi phụ trách.
Cùng với quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cũng được giao tập trung nâng cao quản trị doanh nghiệp, thực hiện công khai, minh bạch kết quả hoạt động của các doanh nghiệp theo quy đinh.
Dự kiến, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về thoái vốn đã đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính và vốn nhà nước ở những DN đã cổ phần hóa mà Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối hoặc không giữ cổ phần. Tuy nhiên, sẽ phải xác định cụ thể loại vốn nào cần thoái ngay, loại vốn nào cần thoái theo lộ trình để có hiệu quả.
Nhiệm vụ của các Bộ quản lý ngành là chỉ đạo việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, có thể chuyển SCIC thông qua việc mua hoặc chuyển giao nguyên trạng.
Đối với việc thoái vốn tại các công ty đầu tư tài chính, các ngân hàng thương mại của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Thủ tướng cho rằng, có thể giao các ngân hàng thương mại nhà nước mua lại hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện chủ sở hữu.
Đánh giá về khối DNNN với nhiều doanh nghiệp có mức vốn, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách tăng, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu giảm, số doanh nghiệp thua lỗ giảm, nhưng Thủ tướng cho rằng, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nguồn lực và mong muốn, yêu cầu của đất nước.
Số DNNN có sai phạm, vi phạm phát luật tuy nhỏ nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực đến vai trò và vị trí của DNNN. Hoạt động tái cơ cấu, sắp xếp lại DNNN còn chậm. Theo Thủ tướng, ngoài nguyên nhân khách quan do thị trường, một số thể chế, cơ chế ban hành chậm, nhưng cơ bản vẫn là sự quan tâm chưa đúng mức, trách nhiệm chưa cao, chỉ đạo chưa quyết liệt, tinh thần chấp hành Nghị quyết của Đảng, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Bên cạnh đó, thoái vốn, rút vốn chưa đạt yêu cầu đề ra, đó là nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp còn hạn chế - Thủ tướng phê.