1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thủ tướng: Kinh tế trong nước đang trên đà phục hồi

(Dân trí) - Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong năm 2013, Việt Nam đã ổn định được tình hình kinh tế vĩ mô thông qua việc kiểm soát lạm phát và trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay nếu lạm phát năm 2013 ở mức 7% thì vẫn chấp nhận được.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi gặp mặt các tham tán thương mại

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi gặp mặt các tham tán thương mại

Chiều ngày 23/12/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp mặt các tham tán, đại diện thương mại, trưởng chi nhánh thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhân dịp tham dự Hội nghị Tham tán thương mại Việt Nam 2013.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu bật đóng góp quan trọng của hoạt động xuất khẩu vào thành tựu kinh tế xã hội của đất nước, nhất là góp phần tháo gỡ đầu ra cho sản xuất trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Giá trị xuất khẩu năm nay đạt 132 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2012. Thủ tướng cho biết: “Xuất khẩu tăng mạnh là nhờ khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nếu không có các doanh nghiệp FDI thì không có xuất khẩu tăng mạnh như vậy.”

Thủ tướng cũng cho hay, kinh tế trong nước đang trên đà phục hồi. Trong năm 2013, Việt Nam đã ổn định được kinh tế vĩ mô; kiểm soát được lạm phát. Lạm phát năm 2013 ở mức 6,04%, thấp hơn so với 6,81% của năm 2012. Đây có thể được coi là “điểm sáng trong điều hành và phát triển kinh tế đất nước trong 3 năm qua, đặc biệt là năm 2013.”

“Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, nếu lạm phát năm 2013 là 7% cũng vẫn chấp nhận được”, Thủ tướng nhận định.

Bên cạnh đó, tỷ giá ổn định, giá trị đồng Việt Nam được tăng lên, quản lý nợ công trong giới hạn an toàn, thu ngân sách đến nay đạt hơn 97% (dự kiến đạt kế hoạch trong năm) và cán cân thanh toán thặng dư hơn 2 tỷ USD.

Thủ tướng cho biết thêm, nhờ tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, khó khăn trong sản xuất kinh doanh từng bước được tháo gỡ, cả ba khu vực: công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều tăng trưởng, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế đạt 5,42%, xấp xỉ mục tiêu 5,5% đề ra.

Tổng đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng 30% GDP. Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút vốn đăng ký mới là 22 tỷ, giải ngân hơn 11 tỷ. Trong khi đó, giải ngân ODA ước tính đạt 4 tỷ, cao hơn năm trước.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Năng lực sản xuất của chúng ta còn có thể tăng nhưng nếu không tiêu thụ được thì không tăng được. Để đạt được tăng trưởng kinh tế 5,8% năm 2014 và 6% năm 2015, thì mở rộng thị trường xuất khẩu có ý nghĩa rất lớn. Nếu năm 2014 không đạt được tăng trưởng xuất khẩu 2 con số, tức là 10%, và năm sau cũng vậy thì không đạt được tốc độ tăng trưởng. Như vậy sản xuất công nông nghiệp, dịch vụ cũng sẽ chậm lại, trong khi mỗi năm chúng ta phải tạo được 1,6 triệu việc làm mới,” Thủ tưởng chỉ rõ.

Trung Quốc, kim ngạch thương mại tăng mạnh nhưng thâm hụt lớn

Tuy tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng mạnh, hy vọng đạt 50 tỷ USD trong năm 2013 và 60 tỷ USD vào năm 2015 nhưng trên thực tế nhập siêu đối với thị trường này còn lớn, vào khoảng 23 tỷ USD trong năm nay. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu thiết bị đồng bộ và các nguyên nhiên liệu từ thị trường Trung Quốc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh lưu niệm với các tham tán thương mại tại buổi gặp mặt

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh lưu niệm với các tham tán thương mại tại buổi gặp mặt

Bên cạnh Trung Quốc, Việt Nam còn nhập siêu từ các nước ASEAN. Tuy nhiên, Việt Nam xuất siêu đối với một số thị trường lớn như Mỹ và EU và cũng cân bằng thương mại với Nhật Bản.

“Nhiệm vụ hội nhập kinh tế có ý nghĩa quan trọng cho việc phát triển đất nước, tăng trưởng cao. Tôi đề nghị các đồng chí thương vụ tìm kiếm và mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại để đưa hàng hóa Việt Nam vào các thị trường thế giới để đẩy mạnh xuất khẩu, lĩnh vực còn nhiều tiềm năng,” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng nêu rõ các tham tán thương mại cần tích cực tham gia đàm phán các hiệp định thương mại song phương, đa phương và khu vực cũng như tư vấn đối với từng chính sách cụ thể, mặt hàng cụ thể trong điều kiện nước sở tại để thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam.

Tại buổi gặp mặt, các tham tán, đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề về biên chế các thương vụ tại một số địa bàn chiến lược; kiến nghị, cùng với thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực triển khai các thỏa thuận đã được ký kết giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và các nước, qua đó tăng cường hiệu quả công tác xúc tiến thương mại với nước ngoài.


Nam Hằng

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước