1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thủ tướng: Không dao động trong mục tiêu kiềm chế lạm phát

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, kiềm chế lạm phát là mục tiêu không thể dao động, đồng thời gắn với đó nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế.

Ngày 20/8 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương đã dành trọn cả ngày để lắng nghe ý kiến phân tích, đề xuất của các chuyên gia đầu ngành kinh tế và khoa học về hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ trước bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp.
 
Thủ tướng: Không dao động trong mục tiêu kiềm chế lạm phát  - 1
Tái cấu trúc nền kinh tế, nhiệm vụ cấp thiết hiện nay (Ảnh minh họa)

 

Bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế nước ta đã được các chuyên gia kinh tế và các nhà khoa học khái quát rõ nét tại buổi làm việc, nhất là những thách thức đối với Chính phủ trước diễn biến khó lường, bất lợi từ sự biến động của kinh tế thế giới cũng như những hạn chế ngay trong nội tại của nền kinh tế.

 

Cùng với nhận diện về nền kinh tế thế giới và các vấn đề mang tính chiến lược như: Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, các chuyên gia cũng trực tiếp phân tích và đưa ra nhiều biện pháp để kiềm chế hiệu quả lạm phát, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước...

 

Các ý kiến cũng phân tích những vấn đề nổi lên cần tập trung khắc phục, nhất là hệ thống thể chế lạc hậu, không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường; phát triển quá nhiều trường đại học dẫn đến nhiều thầy mà thiếu thợ; cần thiết phải công khai minh bạch tài chính của doanh nghiệp Nhà nước và đưa vào thị trường chứng khoán; một số ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ do cho vay theo kiểu “cào cấu”; tình trạng phát triển ngân hàng đô thị còn hệ thống ngân hàng cơ sở ở nông thôn lại không phát triển; nâng cao chất lượng thu hút đầu tư nước ngoài chứ không thu hút đầu tư ồ ạt; xem xét lĩnh vực phân cấp đầu tư nhằm khắc phục tình trạng đầu tư tràn lan…

 

Câu chuyện gắn kết giữa tăng trưởng và lạm phát, lãi suất và sản xuất, kết cấu giữa ngân hàng với thị trường bất động sản... được thảo luận sôi nổi, thẳng thắn với nhiều chiều đánh giá, trong đó nhiều ý kiến cho rằng, không nên bơm tiền cho thị trường bất động sản theo kiểu cào bằng mà cần xem xét, phân khúc thị trường này trên tinh thần xử lý từng dự án cấp bách.

 

GS Trần Phương- Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: Chống lạm phát phải là cuộc đại giải phẫu mới thành công và không có cách nào khác là phải quyết liệt cắt giảm đầu tư công và siết chính sách tiền tệ, tín dụng nhưng có chọn lọc gắn với hỗ trợ lãi suất cho những ngành cấp thiết.

 

Các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư nhiều hơn đến khu vực nông nghiệp, nông thôn, y tế, giáo dục; sớm xây dựng thể chế quản lý hiệu quả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đẩy mạnh tiết giảm bội chi ngân sách Nhà nước...

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, thiết thực đối với nền kinh tế của các chuyên gia, nhà khoa học, nhất là cần tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại liên quan đến lạm phát, lãi suất còn cao, chưa quyết liệt cắt giảm đầu tư công để giảm tổng cầu...

 

Thủ tướng nhất trí cao với các ý kiến là phải tiếp tục thực hiện quyết liệt và hiệu quả hơn kiềm chế lạm phát, coi đây là mục tiêu không thể dao động gắn với vấn đề lâu dài là tái cấu trúc nền kinh tế.

 

Thủ tướng nêu rõ, tái cấu trúc nền kinh tế còn nhiều việc phải làm nhưng cần bắt đầu với những lĩnh vực có thể bắt tay làm ngay như: Tái cấu trúc đầu tư mà trước hết là đầu tư công gắn với kiểm soát nợ công; tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước; cấu trúc lại hệ thống ngân hàng; tái cấu trúc thể chế, trong đó có tài chính công, phân cấp, quy hoạch cũng như tái cấu trúc thị trường trong nước và nước ngoài...

 

Thủ tướng cũng nhất trí với nhiều chuyên gia kinh tế, Chính phủ cần theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới để có hoạch định và ứng phó chính sách kịp thời, nhất là trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ phù hợp hơn và hiệu quả hơn theo hướng ưu tiên trước mắt là kiềm chế lạm phát và duy trì sản xuất hợp lý; tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý dollar, vàng, cắt giảm bộ chi ngân sách Nhà nước và trong quản lý đầu tư; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt ưu tiên cho khu vực nông nghiệp; tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, chăm lo phát triển giáo dục, y tế; chú trọng đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân độc và tính độc lập tự chủ của nền kinh tế trong quá trình hội nhập; cơ cấu đổi mới đầu tư nước ngoài cũng như làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, công khai minh bạch cả thuận lợi và khó khăn, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, phát huy sức mạnh của toàn dân cùng chung sức hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đã đề ra...

 

Theo Thành Chung

VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm