Thủ tướng: GDP bình quân đầu người năm 2016 khoảng 2.450 USD
(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, mục tiêu đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.750 USD và năm 2016 khoảng 2.450 USD; ngược lại, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) giảm xuống còn 4,8% GDP, trong khi năm 2016 là 4,95%.
Bội chi ngân sách nhà nước sẽ giảm còn 4,8% GDP
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII diễn ra sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho hay, mục tiêu đặt ra cho 5 năm tới (2016-2020), tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân sẽ đạt khoảng 6,5%-7%/năm, năm 2016 đạt 6,7%. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.750 USD và năm 2016 khoảng 2.450 USD.
Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm và năm 2016 bằng khoảng 31% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) đến năm 2020 giảm xuống còn 4,8% GDP, năm 2016 là 4,95%.
Năng suất lao động xã hội tăng 4-5%/năm, tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1-1,5%/năm, năm 2016 giảm 1,5%. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38-40%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2016 tăng dưới 5%.
Chính phủ cũng phấn đấu đến năm 2020, tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%. Tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Có 9 bác sĩ và 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân, năm 2016 đạt 24,5 giường. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt khoảng 80% dân số, năm 2016 đạt 76%. Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1-1,5%/năm, năm 2016 khoảng 1,3-1,5%; riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%. Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 25m2, năm 2016 là 86%.
Thủ tướng cho biết, mục tiêu tổng quát cho giai đoạn tới là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước, năm 2016 cao hơn năm 2015. Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Theo đó, trong giai đoạn tới, Chính phủ dự kiến sẽ điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát tốt lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đồng thời, tăng cường quản lý và từng bước cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), tăng tỉ trọng thu nội địa và bảo đảm tỉ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên, chi đầu tư, chi trả nợ; phấn đấu giảm dần bội chi. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.
Chính phủ cũng dự kiến tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tập trung cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành; bán hết phần vốn trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường; sử dụng một phần số tiền thu được cho đầu tư phát triển; tăng cường quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu; bố trí đúng cán bộ lãnh đạo, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động. Phân định rõ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường và thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao.
Không ký TPP bằng mọi giá
Liên quan đến Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, TPP là một Hiệp định toàn diện, tiêu chuẩn cao nhưng cân bằng về lợi ích và có tính đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước thành viên; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; phát huy sáng tạo; nâng cao năng suất lao động; tạo nhiều việc làm mới; nâng cao đời sống nhân dân và giảm nghèo.
Đây là hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao với sự tham gia của 12 quốc gia, có quy mô chiếm khoảng 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu. Việt Nam đã chủ động tham gia đàm phán Hiệp định này ngay từ đầu với tư cách là quan sát viên đặc biệt và trở thành thành viên chính thức từ tháng 11 năm 2010.
Thủ tướng khẳng định, trong quá trình xây dựng phương án và đàm phán, Chính phủ đã nhiều lần báo cáo và luôn thực hiện nghiêm túc các chủ trương về hội nhập quốc tế theo Nghị quyết và các chỉ đạo cụ thể của Bộ Chính trị, nhất là: bảo đảm lợi ích quốc gia cao nhất, không ký kết Hiệp định bằng mọi giá; các nước tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam và có đối xử linh hoạt, dành cho Việt Nam lộ trình thực thi phù hợp. Khi kết thúc đàm phán, Việt Nam đạt được kết quả theo đúng chủ trương, chỉ đạo nêu trên và phương án đã được Bộ Chính trị phê duyệt.
Tuy nhiên, việc thực hiện thành công Hiệp định TPP tùy thuộc rất lớn vào sự nỗ lực phấn đấu nâng cao nội lực và sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định theo đúng quy định của pháp luật.
“Với những kinh nghiệm trong quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là sau hơn 8 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và với bản lĩnh, trí tuệ của người Việt Nam, chúng ta tin tưởng rằng sẽ vượt qua được khó khăn thách thức, phát huy tối đa cơ hội, thuận lợi, phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong thực hiện Hiệp định TPP, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước” – người đứng đầu Chính phủ nhận định.
Bích Diệp