Thủ tướng: Đường đến nền kinh tế thịnh vượng không hề bằng phẳng

(Dân trí) - "Chúng tôi có khát vọng trở thành nền kinh tế thịnh vượng, nhưng nhận thức rõ rằng con đường đi đến không bằng phẳng, sẽ có nhiều thách thức. Đó là những thách thức đến từ nội tại nền kinh tế và tác động lớn từ những biến động của kinh tế quốc tế".

Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2018 với chủ đề "Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới" được tổ chức tại Hà Nội sáng nay (5/12).

Trước đông đảo đối tác phát triển và tài trợ cho Việt Nam, Thủ tướng cho biết dù Việt Nam đã chuyển đổi từ nền kinh tế kém phát triển sang nước có thu nhập trung bình, song để tiến đến nước có thu nhập trung bình cao, thịnh vượng bên cạnh nội lực của nền kinh tế, rất cần sự tham mưu, hỗ trợ của các đối tác quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo quốc tế tham dự Diễn đàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo quốc tế tham dự Diễn đàn.

"Việt Nam mong muốn các nhà tài trợ, đối tác phát triển tiếp tục gửi gắm niềm tin và chia sẻ động lực tăng trưởng để giúp Việt Nam thoát khỏi "bẫy" thu nhập trung bình, trở thành nước có thu nhập trung bình cao", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: Việt Nam đang đứng trước nhiều nguy cơ trong đó vấn đề phát triển và bị bỏ lại phía sau; bẫy thu nhập trung bình. Ở góc độ quốc tế hóa, kinh tế thế giới người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận rõ thế giới đang chứng kiến sự đổi thay và thách thức ghê gớm.

"Thương mại quốc tế tăng trưởng mạnh mẽ, Cách mạng công nghệ 4.0 đang là động lực cho nhiều quốc gia, nguy cơ gia tăng bảo hộ mậu dịch, chiến tranh thương mại đan xen xung đột chính trị, diễn biến khó lường của thị trường dầu mỏ... Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao nên những vấn đề quốc tế tác động sâu sắc đến chính sách phát triển quốc gia" Thủ tướng nhắc nhở.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhắc đến Cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang thay đổi và là động lực giúp các nước thay đổi vị thế của mình nếu biết tận dụng và chủ động tạo cơ hội.

Thủ tướng nói: "Việt Nam có khát vọng đến năm 2045 sẽ trở thành nước thịnh vượng nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày lập nước và chúng tôi có khát vọng lọt vào nhóm nước có thu nhập cao trên thế giới".

"Chúng tôi có khát vọng trở thành nền kinh tế thịnh vượng, nhưng nhận thức rõ rằng con đường đi đến không bằng phẳng, sẽ có nhiều thách thức. Đó là những thách thức đến từ nội tại nền kinh tế và tác động lớn từ những biến động của kinh tế quốc tế", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ: Diễn đàn kinh tế Thế giới vừa qua xếp hạng thể chế kinh tế Việt Nam đứng ở 94/140 quốc gia. Như vậy, Việt Nam vẫn là nền kinh tế bất lợi trong cạnh tranh toàn cầu. Nhận thức rõ điều này nên thời gian tới, Chính phủ hứa sẽ tăng tốc cải thiện thủ tục hành chính, xây dựng thể chế kinh tế sao cho các chủ thể kinh tế đều có quyền tham gia vào hoạch định kế hoạch phát triển và chính sách.

Thủ tướng lưu ý, thời gian tới Việt Nam sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng mềm, số hóa để chuyển đổi nền kinh tế sang số hóa, đổi mới cơ chế tuyển dụng, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, người tài để đưa Cách mạng Công nghệ 4.0 làm động lực tăng trưởng đất nước.

"Việt Nam mới chỉ có 40% lao động trong tổng số lao động đã qua đào tạo, Cách mạng 4.0 chưa khả thi nếu chúng ta không thay đổi điều này. Cần tìm cơ chế khơi thông nguồn lực để gia tăng năng lực hạ tầng, trong đó thời gian tới là hạ tầng cảng biển, hạ tầng thông minh và kết nối số", Thủ tướng Chính phủ nói trước các nhà tài trợ quốc tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Chính phủ sẽ tiếp tục chỉnh sửa môi trường kinh doanh theo các tiêu chuẩn của OECD - (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) theo hướng nâng cấp hơn. Năm 2019, Chính phủ sẽ thực hiện các chính sách cải cách mạng mẽ, chính sách cải cách sẽ mới hơn để mở đường cho các chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2020, 2025 và đặt nền móng cho năm 2045...".

Nguyễn Tuyền

Thủ tướng: Đường đến nền kinh tế thịnh vượng không hề bằng phẳng - 2