Thủ tướng chính thức phê duyệt tái cơ cấu VNPT
(Dân trí) - Bên cạnh tách Mobifone ra khỏi VNPT thì Tập đoàn sẽ phải thoái hết vốn đang nắm giữ tại 63 doanh nghiệp, trong số này có Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank); Tổng công ty CP Bảo Minh; CTCP Viễn thông VTC...
Mobifone chính thức "chia tay" VNPT để về với Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Ngày 10/6, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký Quyết định 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2014-2015.
Mục tiêu của quyết định này nhằm tiếp tục phát triển VNPT, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao; giữ vai trò chủ lực trong ngành viễn thông Việt Nam. Việc "làm mới" VNPT cũng để giúp hình thành thị trường viễn thông bền vững, cạnh tranh lành mạnh.
Theo Quyết định này, Thủ tướng đã đồng ý việc điều chuyển nguyên trạng Công ty TNHH MTV Thông tin di động VMS (Mobifone); Bưu điện Trung ương; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.
Các bệnh viên đa khoa, bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng tại Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, các trường trung học bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin tại Hà Nam, Tiền Giang, Thái Nguyên vốn trực thuộc VNPT thì nay cũng sẽ được điều chuyển về ác địa phương quản lý. Bộ TT&TT làm việc thống nhất với các địa phương, trình Thủ tướng quyết định. Trong khi chưa chuyển về địa phương thì các bệnh viện, trường học này vẫn tiếp tục duy trì hoạt động trong cơ cấu tổ chức của VNPT.
Với những đơn vị được giữ lại, VNPT sẽ phải tổ chức lại các công ty, đơn vị, bộ phận đang quản lý hoạt dộng kinh doanh dịch vụ viễn thông hiện nay thành Công ty TNHH MTV Dịch vụ Viễn thông (VNPT - VinaPhone) để quản lý, điều hành kinh doanh dịch vụ viễn thông.
Các công ty, đơn vị, bộ phận đang quản lý hoạt động kinh doanh sản phẩm phần mềm, dịch vụ giá trị gia tăng, truyền thông hiện nay của VNPT sẽ được tổ chức lại thành Công ty TNHH MTV Truyền thông (VNPT - Media) để kinh doanh, cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện và các dịch vụ ứng dụng viễn thông.
Các công ty, đơn vị, bộ phần đang quản lý hạ tầng mạng lưới viễn thông thì được tổ chức lại thành Công ty Hạ tầng mạng (VNPT-Net). Đồng thời, tổ chức lại Công ty TNHH MTV Cáp quang FOCAL và CTCP Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông thành một công ty con của VNPT để thực hiện chức năng nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh sản phẩm, thiết bị bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.
Đáng chú ý, Tập đoàn sẽ phải thoái hết vốn VNPT đang nắm giữ tại 63 doanh nghiệp, trong số này có Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank); Tổng công ty CP Bảo Minh; CTCP Viễn thông VTC; CTCP Đầu tư và phát triển SACOM; CTCP Bất động sản Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT Land)... Tuy nhiên, VNPT vẫn được nắm giữ dưới 50% tại 18 công ty khác.
Theo quyết định nay, trong quý III năm nay, Bộ TT&TT sẽ phải trình Chính phủ dự thảo Nghị định về Điều lệ VNPT. Cũng trong năm, Bộ trình Thủ tướng phê duyệt Phương án cổ phần hóa Mobifone để tổ chức triển khai.
Bích Diệp