Thủ tướng Chính phủ: Tăng trưởng cần gắn với tái cơ cấu

(Dân trí) - Trong thời gian tới nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó tăng trưởng sẽ gắn liền với tái cơ cấu - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định như vậy trong buổi làm việc ngày 26/7 với các chuyên gia kinh tế hàng đầu.

Thủ tướng Chính phủ: Tăng trưởng cần gắn với tái cơ cấu
Thủ tướng trao đổi với các chuyên gia hàng đầu về thực trạng và định hướng điều hành nền kinh tế (Ảnh: Tuấn Anh)
 
Tại buổi làm việc, các chuyên gia kinh tế đã báo cáo với Thủ tướng tình hình kinh tế 7 tháng đầu năm. Theo đó, về cơ bản lạm phát đã được kiềm chế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm hoặc tăng không đáng kể từ tháng 3/2013 đến nay. Diễn biến CPI trong 7 tháng đầu năm cho thấy lạm phát không còn là mối lo ngại lớn trong năm 2013. Tổng phương tiện thanh toán đến tháng 7/2013 ước tăng 8,25% so với cuối năm 2012. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 9,48%. Tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế ước đạt 4,91%.

Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng khá cao, nhập khẩu máy móc thiết bị và vật tư phục vụ cho sản xuất cải thiện đáng kể. Tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế đến tháng 7/2013 ước đạt 381,72 nghìn tỷ đồng, đạt 46,8% dự toán năm. Tổng chi ngân sách nhà nước lũy kế đến 15/7/2013 ước đạt 483,63 nghìn tỷ đồng, đạt 49,5% dự toán năm. Giải ngân vốn FDI và ODA tiếp tục đạt khá. Sản xuất công nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực, tồn kho giảm dần. Phát triển doanh nghiệp bước đầu có những dấu hiệu tích cực. An sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt.

Sau khi dành gần 4 giờ đồng hồ lắng nghe các chuyên gia kinh tế báo cáo tình hình kinh tế 7 tháng đầu năm và tư vấn về các giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, mặc dù tăng trưởng trong nửa đầu năm quý sau cao hơn quý trước, nhưng mức tăng vẫn thấp và còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, hai khó khăn lớn là ngành nông nghiệp đang có dấu hiệu chững lại, và việc tái cơ cấu nền kinh tế còn nhiều vướng mắc. 

Vì vậy, theo Thủ tướng, thời gian tới cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô nhưng không quá cực đoan mà cần linh hoạt và có tính toán, bởi “không ổn định thì không giữ được lòng tin”. Đồng thời, nền kinh tế phải tái cơ cấu theo hướng tăng cường thị trường hóa và cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp, bao gồm cả các ngành như hàng không và viễn thông. Đặc biệt, cần tái cơ cấu ngành nông nghiệp dựa trên bối cảnh mới khi thế giới đã trở thành một thị trường chung, trong đó khoa học - công nghệ, lực lượng sản xuất đã thay đổi.

Trước đó, phát biểu trong phần tư vấn, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) khuyến nghị chính phủ “cần mạnh dạn đưa ra những giải pháp có tính kích thích tăng trưởng”. Trong đó, quan trọng nhất là đẩy mạnh đầu tư công, vừa kích thích đầu tư cho công nghiệp vừa tạo thêm công ăn việc làm cho hàng vạn người đang khó khăn. Vì vậy, TS Nghĩa đề nghị giải pháp là Ngân hàng Nhà nước cho ngân sách vay tiền bằng cách mua trái phiếu chính phủ.

TS. Nghĩa cũng cho biết, ngành nông nghiệp đang cùng lúc gặp hai vấn đề là: khủng hoảng chu kỳ 5 năm một lần và xu thế đi xuống của nông nghiệp 11-12 năm một lần, khiến ngành này điêu đứng trong 2 năm gần đây, mà ngành nông nghiệp lại tiêu dùng hàng công nghiệp mạnh nhất.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác nêu ý kiến có phần thận trọng hơn so với TS. Lê Xuân nghĩa. TS.Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, không nên đặt vấn đề kích cầu mà cần nhìn xem dư địa phía cung phía cầu để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,3% trong năm nay là bao nhiêu, để từ đó phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ với các chính sách khác để đạt mục tiêu này. 

Tương tự, TS. Nguyễn Đình Cung - Phó Viện trưởng CIEM đưa ra ý kiến, trước khi bỏ thêm tiền phải thiết kế lại cơ cấu bởi theo ông, “thực trạng hiện nay là chi tiền chưa hiệu quả, còn lãng phí nhiều, vì thế chưa nên chi thêm tiền ở quy mô lớn”. TS. Cung nói tiếp: “Cũng cần hỏi thêm rằng tiền ở đâu để chi tiêu? Theo tôi, không nên lấy thêm tiền từ ngân sách nhà nước mà cần cơ cấu lại tài sản nhà nước”.

Tiếp tục phiên thảo luận, Thủ tướng đã chia sẻ và đồng tình với đề xuất của các chuyên gia về một số mục tiêu quan trọng như, tăng trưởng trong 3 năm tới (2014-2016) đạt mức cao dần từ 5,5% lên khoảng 6%; lạm phát trong 3 năm tới duy trì ổn định quanh mức 7%; chính sách kinh tế gắn chặt kế hoạch trước mắt với các mục tiêu trung, dài hạn…

Tuấn Anh