Thủ tướng: Cạnh tranh lành mạnh, "chặn" chuyển giá, "né" thuế của nhà đầu tư nước ngoài
(Dân trí) - "Chúng tôi mong nhận được sự hợp tác của APEC về tăng cường năng lực hệ thống thuế nhằm khuyến khích sản xuất kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Đồng thời, ngăn chặn vấn nạn về chuyển giá, “tránh” nộp thuế… của một số nhà đầu tư nước ngoài", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Sáng 15/9, tại TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC Việt Nam 2017 (SMEMM).
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chào mừng Bộ trưởng và quý vị khách quý đã tham dự Hội nghị các Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 24 (SMEMM 24) và các sự kiện quan trọng có liên quan tại TPHCM - trung tâm kinh tế thương mại năng động hàng đầu của Việt Nam.
Chí làm giàu của mỗi người dân là khởi nguồn sự sáng tạo
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngày nay, APEC có 21 nền kinh tế thành viên, chiếm khoảng 59% dân số thế giới, 57% GDP và gần 50% thương mại toàn cầu. Sức mạnh của mỗi nền kinh tế APEC có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm khoảng 97% số doanh nghiệp và tạo ra 60% việc làm. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp này chính là nguồn động lực cho tăng trưởng, đổi mới và sáng tạo tại các nền kinh tế APEC.
"Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số là một trong 4 lĩnh vực ưu tiên của chủ đề năm quốc gia APEC 2017. Mong muốn của Việt Nam là được hợp tác cùng các đối tác thành viên nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của khu vực có cơ hội sáng tạo, tiếp cận mạng thông tin, thị trường toàn cầu để vươn lên trong kỷ nguyên số", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết, khát vọng vươn lên hùng cường của mỗi quốc gia, ý chí vươn lên làm giàu của mỗi người dân chính là khởi nguồn cho sự sáng tạo không giới hạn, sức mạnh phát triển to lớn của nhân loại trong kỷ nguyên số.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự ra đời của các công nghệ mới như: internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), rô bốt cao cấp, công nghệ nano, công nghệ in 3D... đang làm thay đổi cách nghĩ, cách làm ra của cải vật chất và thay đổi cuộc sống của người dân trên thế giới.
Trong xu thế đó, theo Thủ tướng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa với trình độ công nghệ, năng lực tài chính, quản trị còn hạn chế sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nhưng chính họ cũng là nhóm đối tượng năng động và dễ thích nghi nhất. Vì vậy, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của khối doanh nghiệp này mở rộng quy mô, đẩy nhanh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, đống góp quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội.
Việt Nam nói "không" với chuyển giá, tránh thuế
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong 30 năm đổi mới, từ một đất nước nghèo, đến năm 2010 Việt Nam đã trở thành quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình. "Con đường phát triển của Việt Nam là một minh chứng sống động cho vai trò và tầm quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, như một động lực chủ yếu để tạo ra nhiều việc làm cho người dân, vừa góp phần duy trì tăng trưởng, ổn định kinh tế, xã hội vừa tạo điều kiện cho người dân vươn lên thoát nghèo, sáng tạo và làm giàu", ông nói.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, tác động của công nghệ số đang lan tỏa đến từng doanh nghiệp, người dân, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chính phủ Việt Nam trên tinh thần kiến tạo phát triển và hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân đã có nhiều quyết sách quan trọng nhằm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh...
"Từ thực tiễn Việt Nam, chúng tôi mong nhận được sự hợp tác của APEC về tăng cường năng lực hệ thống thuế nhằm khuyến khích sản xuất kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, công bằng, đồng thời ngăn chặn vấn nạn về chuyển giá, “tránh” nộp thuế,… của một số nhà đầu tư nước ngoài. Tôi cũng đề nghị các chuyên gia cấp làm việc (SOM) nghiên cứu việc thành lập một Quỹ hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng cường kết nối với các tập đoàn công ty đa quốc gia, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Để thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên APEC cần hợp tác thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu, thuận lợi hóa môi trường kinh doanh thông qua tiếp cận thuận lợi công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến và hỗ trợ nâng cao năng lực thông qua đào tạo, tư vấn và kết nối kinh doanh.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong cộng đồng APEC cần đẩy mạnh tinh thần kinh doanh trong kỷ nguyên số như thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp và tăng cường đạo đức kinh doanh; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững và thân thiện...
"Mọi kế hoạch hợp tác với những mục tiêu tốt đẹp trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ chỉ trở thành hiện thực nếu chúng ta có lòng tin, sự quyết tâm hợp tác cùng nhau để gìn giữ môi trường hòa bình, bảo đảm an ninh, an toàn cho sự tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, dòng vốn đầu tư…", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Công Quang