1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Thủ tướng: “Bắt bệnh” vì sao miền Trung phát triển chưa xứng với tiềm năng

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các tỉnh miền Trung có đủ điều kiện phát triển nhanh, bền vững và tốc độ cao. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn chưa rõ đường hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển ngành, còn rời rạc, chưa phát huy tiềm năng rừng vàng, biển bạc…

Thủ tướng: “Bắt bệnh” vì sao miền Trung phát triển chưa xứng với tiềm năng - 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung diễn ra tại Bình Định ngày 20/8.

Ngày 20/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung diễn ra tại tỉnh Bình Định. Dự hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và hơn 700 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tín hiệu tích cực…

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung là địa bàn chiến lược về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Dân số toàn vùng khoảng 20 triệu người, chiếm 21% tổng dân số cả nước, diện tích tự nhiên chiếm gần 29% cả nước.

Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố với diện tích bằng 8,5% cả nước và dân số chiếm 7%. Thu nhập bình quân đầu người của vùng hiện khoảng gần 2.100 USD, thấp hơn mức bình quân 2.600USD của cả nước.

Thủ tướng: “Bắt bệnh” vì sao miền Trung phát triển chưa xứng với tiềm năng - 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng tại hội nghị.

Hiện nay, cơ cấu kinh tế và lao động chuyển dịch theo hướng tích cực từ khu vực; ngành truyền thống sang hiện đại, từ giá trị gia tăng thấp sang giá trị gia tăng cao hơn, từ thủ công sang hướng ngày càng áp dụng công nghệ.

Công nghiệp đang có nhiều bứt tốc với vai trò của một số khu kinh tế ven biển thì dịch vụ. Đặc biệt là du lịch đang dần trở thành một động lực quan trọng của nhiều tỉnh miền Trung. Trong khi đó, nông nghiệp và thủy sản vẫn đang đảm bảo cho thu nhập và sinh kế cho đại bộ phận người dân các tỉnh. Đời sống người dân và diện mạo đô thị, nông thôn được nâng lên một bước; giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường và các vấn đề xã hội được cải thiện.

Tuy nhiên, dù đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển, nhưng miền Trung chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.

Chia sẻ tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, nhiều người ví miền Trung như “chiếc đòn gánh” trên vai của con người, nếu hai đầu quá nặng, đòn gánh yếu thì đòn gánh sẽ gãy. Vì vậy, bàn về miền Trung, về phát triển miền Trung không phải là việc riêng của 14 tỉnh.

Thủ tướng: “Bắt bệnh” vì sao miền Trung phát triển chưa xứng với tiềm năng - 3
Hội nghị thu hút hơn 700 đại biểu tham gia.

Thủ tướng mong muốn các bộ, ngành phải thẳng thắn chỉ ra những nút thắt từ phía bộ ngành mình, các địa phương. Các chuyên gia cần chỉ ra những nút thắt và đề xuất những giải pháp phát triển. Qua đó, xác định những chính sách gì cần được ban hành hay tháo gỡ để giải phóng sức phát triển cho Vùng, gắn kết và cùng chia sẻ thịnh vượng giữa các địa phương và người dân trong Vùng cũng như cả nước.

…nhưng chưa bền vững

Thủ tướng cho rằng, động lực tăng trưởng nói chung, trong đó vai trò của công nghiệp còn yếu và thiếu bền vững là nguyên nhân miền Trung chưa phát triển. Một số tỉnh thành đã hình thành được một số dự án lớn mang tính động lực trong khi một số tỉnh vẫn chưa có động lực quan trọng nào.

Thủ tướng: “Bắt bệnh” vì sao miền Trung phát triển chưa xứng với tiềm năng - 4
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch vẫn còn chậm, thậm chí nhiều tỉnh vẫn chưa rõ đường hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển ngành. Các ngành công nghiệp vẫn chủ yếu thâm dụng tài nguyên, sử dụng lao động giản đơn, công nghệ chưa cao, các liên kết cụm ngành còn thiếu, khả năng lan tỏa hạn chế.

Nhiều tiềm năng “rừng vàng - biển bạc” vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Phát triển kinh tế biển nhưng nhiều địa phương vẫn chưa định nghĩa được ngành kinh tế biển dựa trên lợi thế so sánh của địa phương mình.

Các thể chế cho phát triển kinh tế các tỉnh miền Trung nói riêng cũng như cho sự phát triển toàn vùng nói chung đang dần được hình thành. Thế nhưng còn nhiều thiếu vắng và chưa đồng bộ, đặc biệt là thể chế phân cấp quản lý kinh tế, thể chế liên kết vùng.

"Mỗi một địa phương miền Trung như một “đốt sống” kinh tế nhưng lại rất rời rạc, lỏng lẻo tựa như đang mắc căn bệnh “thoát vị đĩa đệm”. Tình trạng phân mảnh về thể chế chính sách, cạnh tranh giành nguồn lực thay cho hợp tác và chia sẻ lợi ích đang làm cho nguồn lực khan hiếm bị lãng phí và không hiệu quả", Thủ tướng nói.

Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp và thường đi sau nhu cầu của thị trường (tỷ lệ qua đào tạo có cấp chứng chỉ mới đạt khoảng 22-23%, chưa kể chất lượng đào tạo cũng thường không đáp ứng được nhu cầu); đa phần người giỏi hay người giàu là người miền Trung thường rời quê ra đi và lập nghiệp ở nơi khác. Do vậy, nguy cơ thiếu hụt lao động (ngay cả lao động giản đơn) trong những năm tới là rất lớn do di cư và già hóa dân.

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tầu dẫn dắt kinh tế vùng. Tăng trưởng kinh tế vùng kinh tế trọng điểm thời kỳ 2016-2018 chỉ đạt 7,3%/năm, thấp hơn bình quân vùng là 7,62%. Quy mô kinh tế các tỉnh trọng điểm trong Vùng có xu hướng giảm từ 7,89% năm 2016 xuống còn 7,84% GDP cả nước…

Thủ tướng: “Bắt bệnh” vì sao miền Trung phát triển chưa xứng với tiềm năng - 5
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng trao tặng cờ trong Chương trình: "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển".

Thủ tướng cũng cho rằng, hiện nay, chất lượng môi trường kinh doanh chưa cao, năng lực quản trị nhà nước, năng lực của độ ngũ cán bộ công chức, viên chức ở nhiều địa phương còn yếu đã làm giảm tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo của nền kinh tế.

Ngoài ra, còn rất nhiều thách thức khác về ô nhiễm môi trường, giảm nghèo bền vững…

 “Cởi trói” để bứt phá nhanh

Là người con của miền Trung, luôn trăn trở về sự phát triển của vùng, TS. Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP HCM cho rằng, 20 năm qua, với nỗ lực của Trung ương, năng động của địa phương thì vùng bắt đầu “thay da, đổi thịt”.

Thủ tướng: “Bắt bệnh” vì sao miền Trung phát triển chưa xứng với tiềm năng - 6
TS. Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP HCM phát biểu tại hội nghị

Theo ông Lịch, trong vòng 10-15 năm tới vùng này có thể đột phá tăng trưởng nhanh, rút ngắn cách biệt giữa 2 đầu vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam. Đây là thời cơ để miền Trung thịnh vượng, không còn là đòn gánh yếu, luôn sợ gãy nữa. Bây giờ hay không bao giờ để vùng này thoát nghèo.

“Với tiềm năng, dư địa phát triển, đặc biệt khi thực hiện chiến lược kinh tế biển ở vùng này, bằng những chương trình cụ thể thì việc tăng trưởng 9-10%/năm trong 10-15 năm tới không phải là điều không làm được”, TS. Trần Du Lịch tin tưởng.

Trần Du Lịch cho rằng, cần phải có thể chế, cơ chế vượt trội nhằm “cởi trói” để bứt phá nhanh trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng này. “Phải tính xem có bao nhiêu dự án của vùng cần mang ra Trung ương, mất bao nhiêu ngày để làm thủ tục. Giải quyết nhanh 1 ngày thì miền Trung sẽ thoát nghèo nhanh hơn 1 năm. Cần gỡ vướng thể chế để vùng đi nhanh hơn mà không sợ ngã. ”, TS. Trần Du Lịch nói thêm.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo các địa phương cần khơi dậy khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn vùng và từng địa phương, doanh nghiệp, người dân. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường và liên kết, phối hợp chặt chẽ, xác định rõ các yếu tố bứt phá, tận dụng mọi cơ hội để phấn đấu vươn lên, phát triển nhanh, bền vững, đóng góp một cách thiết thực vào việc hiện thực hóa khát vọng phát triển của vùng và của cả nước.

“Miền Trung có đủ điều kiện phát triển nhanh, tốc độ cao và phát triển bền vững hơn. Chính vì thế, một tinh thần là ngay bây giờ hay không bao giờ như nhiều đại biểu đã nêu”, Thủ tướng nói.

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm