Thủ tục nhập khẩu 1 lô hàng gia vị tốn… 1,5 tháng
(Dân trí) - Nhập khẩu một lô hàng gia vị để chế biến thực phẩm đem đi xuất khẩu nhưng phải trải qua 1-1,5 tháng làm thủ tục. Có khi làm xong thủ tục nhập được rồi thì lô hàng gia vị đó không sử dụng được vì hết “đát”.
Dẫn chứng trên được ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) nêu ra tại Hội nghị Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các tháng cuối năm 2016 vừa diễn ra tại TPHCM để lý giải nguyên nhân của việc kim ngạch xuất khẩu (XK) của một số ngành giảm mạnh.
Bơm chích tạp chất vào tôm thì sao mà xuất khẩu?
Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 82,13 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, bên cạnh những nhóm ngành có mức tăng không đáng kể thì vẫn còn nhiều nhóm ngành sụt giảm nghiêm trọng. Đáng chú ý nhất là một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng bị cuốn vào “vòng xoáy” suy thoái đó. Điển hình như ngành gạo chỉ xuất khẩu được 2,66 triệu tấn, đạt 1,19 tỷ USD, giảm 11% về lượng và 6,9% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Lý giải nguyên nhân thị trường XK mở rộng nhưng kim ngạch XK không đạt kỳ vọng, Bộ Công Thương nhận định, do doanh nghiệp (DN) ở nước ta vẫn phải đối mặt với các rào cản phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật gia tăng. Điều đáng nói, khi thị trường quốc tế có nhiều biến động về giá cả, kinh tế bấp bênh thì bản thân ngành sản xuất trong nước hiển nhiên sẽ chưa thể phát triển bền vững được.
Tuy nhiên, các hiệp hội, ngành nghề, doanh nhân trực tiếp ngày đêm “chiến đấu” trên thương trường thì lại có cái nhìn khá cụ thể về nguyên nhân xuất khẩu tăng chậm.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), nhiều quy định hiện tại còn cứng nhắc, chưa hỗ trợ cho DN hoạt động thúc đẩy sản xuất, XK. Vị Tổng thư ký này cho rằng, Nghị định 18 của Chính phủ tạo cho DN nhiều điểm ách tắc. Bởi lẽ theo Nghị định, các lô hàng nhập khẩu (NK) để chế biến XK (liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm) phải có thủ tục hợp quy… tạo ra 1 quy trình thủ tục dài, tốn kém cho DN, gây mất thời gian.
Ông Hoè dẫn chứng, có lô hàng gia vị chỉ nhập 1 lần, không nhập thường xuyên, số lượng không nhiều để chế biến cho 1 lô hàng XK, không lưu thông trong thị trường nội địa nhưng vẫn làm đầy đủ các thủ tục với thời gian từ 1-1,5 tháng. Với quy trình ấy, có DN phản ánh, nhiều khi làm xong thủ tục thì lô hàng cũng không thể sử dụng, vì hạn sử dụng của một số loại gia vị rất ngắn, chỉ 3 tháng.
“Vấn đề tôm sạch là một nhân tố quan trọng góp phần rất lớn vào việc xây dựng thương hiệu và phát triển XK. Thế nhưng, một số nơi quản lý không tốt, để xảy ra chuyện bơm chích tạp chất vào tôm. Hành vi này làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN XK ghê gớm”, ông Hoè nói.
Riêng về ngành gạo, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng không ngần ngại bộc bạch những bức bách, lo lắng trong việc mở rộng thị trường. Bởi lẽ, ngành sản xuất lúa gạo trong nước gặp khó khăn về vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó rất khó để xuất khẩu gạo vào những thị trường khó tính. Chính vì thế, nếu không có những giải pháp quyết liệt và hợp lý thì rất khó để cải thiện và phát triển trong việc xuất khẩu gạo.
Tháo gỡ khó khăn, “cởi trói” cho xuất khẩu
Tiếp nhận những phản ánh và kiến nghị của nhiều DN, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cho rằng, các DN vẫn còn rất mù mờ về các thông tin thị trường quế tế, nhất là các quy định của các thị trường. Việc không rõ về các quy định FTA rất nguy hiểm.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cũng cho biết thêm, các DN XK thép hiện nay rất lo ngại về phòng vệ thương mại và chống bán phá giá ở các thị trường. Sản phẩm tôn mạ đang vấp phải chống bán phá giá tại một số thị trường ở Châu Á và kim ngạch XK đang sụt giảm mạnh. Không chỉ vậy, ngay tại thị trường Mỹ, nhiều nguy cơ sản phẩm tôn thép Việt Nam cũng sẽ bị khởi kiện chống bán phá giá trong 2 năm 2018 – 2019 tới đây. Vì lẽ đó, các DN cần thay đổi tư duy hoạt động, chiến lược kinh doanh để có thể hòa nhập vào thị trường quốc tế năng động nhưng rất khó tính này.
Ngoài ra, các DN kiến nghị Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ các DN, các giải pháp cần rốt ráo, giải quyết triệt để cốt lõi của vấn đề.
Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành để tháo gỡ khó khăn cho các DN. Tuy nhiên, các hiệp hội và DN cần năng động, chủ động trong chiến lược kinh doanh của đơn vị và ngành.
“Chúng tôi luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị các tiếng nói của cộng đồng DN. Hiện tại, Bộ cũng đã lập đường dây nóng hỗ trợ cho các DN xuất nhập khẩu. Cục Xuất nhập khẩu của Bộ, cụ thể là Cục trưởng sẽ chịu trách nhiệm điều hành đường dây nóng. Để tháo gỡ và tình ra định hướng, giải pháp tháo gỡ khó cho DN, trong quý 3, Bộ sẽ làm việc cụ thể với các hiệp hội ngành hàng để tìm ra những giải pháp cụ thể phát triển ngành hàng, cũng như công tác xúc tiến thương mại hiệu quả”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Riêng về Nghị định 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương, Bộ trưởng cho biết, điều này mâu thuẫn giữa yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính và bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, vì vậy Bộ đang cân nhắc tìm hướng giải quyết hài hòa.
Công Quang