Thủ tục hành chính: Cải cách và phép trừ cân đối lợi ích

(Dân trí) - TS. Đào Minh Tú, Thành viên Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chia sẻ về kết quả thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC).

 
Ông Đào Minh Tú
Ông Đào Minh Tú

Kết quả của Đề án 30, lần đầu tiên kể từ khi thành lập nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng ta đã tập hợp, xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính (TTHC) công khai trên mạng internet, tạo điều kiện cho mọi cá nhân, tổ chức tiếp cận các thông tin, quy định về TTHC. Đặc biệt, Chính phủ đã thông qua 25 nghị quyết với yêu cầu đơn giản hóa gần 5.000 trên tổng số 5.700 TTHC của các cơ quan hành chính nhà nước. Đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành được gần 90% nhiệm vụ đơn giản hóa TTHC theo chỉ đạo của Chính phủ.

TS. Đào Minh Tú, Thành viên Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Phó Thống đốc NHNN  chia sẻ về kết quả thực hiện công tác cải cách TTHC.

Thưa ông, 90% nhiệm vụ đơn giản hóa TTHC theo chỉ đạo của Chính phủ đã được các bộ, ngành hoàn thành, vậy vì sao TTHC vẫn đang còn là vấn đề gây bức xúc cho DN, người dân?

Chúng ta có thể thấy, TTHC là một trong những việc mà DN, người dân thường xuyên phải tiến hành. Qua kết quả rà soát của các cơ quan chức năng cho thấy DN, người dân phải thực hiện khá nhiều TTHC rườm rà, chồng chéo, cứng nhắc, bất hợp lý. Ở đâu đó vẫn có xu hướng dành thuận lợi cho cơ quan hành chính, đẩy khó khăn cho DN, người dân. Đặc biệt, do thiếu sự công khai, minh bạch khi tiếp cận thông tin về TTHC đã gây không ít khó khăn cho DN trong việc thực hiện cũng như giám sát việc thực hiện TTHC của các cơ quan hành chính. Điều này không chỉ gây tốn kém, phiền hà mà còn dẫn đến bỏ lỡ cơ hội đầu tư, kinh doanh và cản trở sức sản xuất của các thành phần kinh tế trong xã hội.

Chính vì vậy trong các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, nhiệm vụ cải cách TTHC vẫn được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để đem lại lợi ích, sự hài lòng cho DN, người dân. Theo cá nhân tôi đẩy mạnh cải cách TTHC trong thời gian tới, không chỉ tập trung vào việc cải cách thể chế tạo dựng môi trường pháp lý để các DN yên tâm, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước. Mà cải cách TTHC còn phải gắn với việc sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng gọn nhẹ, hiện đại; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức theo hướng chuyên nghiệp hoá góp phần bài trừ tệ cửa quyền, hối lộ, làm trong sạch bộ máy nhà nước.

Như ông nói thì vẫn còn tư tưởng bao cấp, cục bộ của cơ quan quản lý khi xây dựng và ban hành TTHC. Vậy Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ sẽ quyết liệt chỉ đạo vấn đề này như thế nào khi cải cách TTHC sẽ có ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều nhóm người?

Cải cách TTHC luôn được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và đây là một trong sáu nội dung của chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 theo Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ.

Không chỉ là cắt giảm và nâng cao chất lượng TTHC liên quan tới người dân và DN, để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, giải phóng mọi nguồn lực của xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải cách lần này còn trọng tâm vào TTHC giữa các cơ quan hành chính nhà nước và trong nội bộ từng cơ quan hành chính, tăng cường sự phối hợp và trách nhiệm cùng tham gia những vấn đề của các bộ, ngành, các địa phương, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm xử lý.

Quyết tâm cải cách hành chính của Chính phủ được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 19/NQ-CP. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương công khai minh bạch và rà soát TTHC, đặc biệt là TTHC liên quan đến các chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh để sửa đổi hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi.

Trong phiên họp thứ nhất được tổ chức cuối tháng 5 vừa qua, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện các nhóm giải pháp cải cách TTHC theo Nghị quyết 19/NQ-CP và trong thời gian tới, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ sẽ tiếp tục họp bàn để có giải pháp cụ thể chỉ đạo đối với từng lĩnh vực của bộ, ngành và địa phương. Về phía NHNN cũng đã chủ động ban hành chỉ thị chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành với tinh thần quyết liệt để tăng cường thực hiện công tác cải cách hành chính, trong đó nhấn mạnh đến nhiệm vụ cải cách TTHC.

Đơn giản hóa, minh bạch, dễ hiểu… đó là những điều người dân, DN mong muốn ở TTHC… Vậy với ngành Ngân hàng đã thực hiện cải cách TTHC như thế nào? Ông có thể cho biết những bước đột phá trong các quy trình này?

Thời gian qua, công tác cải cách TTHC trong ngành Ngân hàng đã được tiến hành mạnh mẽ và đạt được những kết quả to lớn. Toàn bộ các TTHC trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã được công bố và rà soát để sửa đổi, bổ sung với mục tiêu tạo thuận lợi cho các TCTD, tổ chức và cá nhân trong các giao dịch hành chính với NHNN. NHNN đã báo cáo và được Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hoá toàn diện với tỷ lệ gần 80% trên tổng số TTHC hiện hành. Kết quả này cũng giúp NHNN nhận diện được những tồn tại trong các quy định về TTHC để có những khắc phục, sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Kết quả công tác cải cách TTHC theo Đề án 30, NHNN đã ban hành nhiều văn bản trong đó có 4 thông tư chuyên đề sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ gần 100 TTHC thuộc các lĩnh vực tiền tệ, ngoại hối, thành lập, hoạt động ngân hàng và lĩnh vực thanh toán. Thông qua kết quả chỉnh sửa tổng thể hệ thống các quy định về TTHC, đến nay hầu như không còn tình trạng quy định về hồ sơ, điều kiện thực hiện TTHC rườm rà hoặc chung chung, khó thực hiện.

Qua đánh giá của các cơ quan đầu mối về cải cách TTHC, và ý kiến của chuyên gia, công tác cải cách TTHC của NHNN đã dần đi vào thực chất, có ý nghĩa thiết thực đối với các TCTD, DN và người dân.

Cùng với việc ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP, năm 2014 Chính phủ đã chỉ đạo ngành Ngân hàng tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách TTHC, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện TTHC, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai minh bạch trong tiếp cận tín dụng theo cơ chế thị trường giữa các DN, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế. Quán triệt tinh thần đó, công tác cải cách TTHC tiếp tục được NHNN xác định là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra đối với toàn Ngành.

Hoạt động tiền tệ - tín dụng có đặc thù rủi ro cao, nên vấn đề giám sát thẩm định và các thủ tục quy trình cung cấp các dịch vụ cho khách hàng phải khá chặt chẽ, khách hàng sử dụng dịch vụ đã được ngân hàng thẩm định chặt chẽ sẽ ít gặp rủi ro. Vậy có là “mạo hiểm” khi tiết giảm các TTHC và làm thế nào đề hài hòa giữa hai mục tiêu này?

Nhiều người cho rằng có sự đối lập mục tiêu trái ngược nhau của hai đối tượng tham gia trong TTHC là cơ quan hành chính nhà nước và tổ chức, cá nhân. Trên một giác độ nào đấy cũng có thể đúng, vì khi đơn giản hóa TTHC sẽ đem lại lợi ích thuận tiện, đơn giản cho tổ chức, cá nhân nhưng sẽ gây khó khăn đối với cơ quan nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Nhưng thực tế hiện nay khi những khó khăn trong việc thực hiện TTHC đối với DN còn có phần chủ quan của một số cơ quan nhà nước, thì việc cải cách TTHC sẽ không phải là “mạo hiểm” mà sẽ tạo những cơ hội tốt hơn cho cơ quan đó tự đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc NHNN thực hiện cải cách TTHC phải đảm bảo các mục tiêu công khai, minh bạch, đơn giản hóa nhưng phải đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý nhà nước và giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra. Cải cách TTHC sẽ tạo thuận lợi cho các TCTD, nhưng cũng sẽ đặt ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý, tuy nhiên đây cũng là cơ hội cho công chức thuộc các đơn vị phấn đấu nâng cao năng lực công tác và tinh thần trách nhiệm.

Tôi cũng muốn nói rộng hơn, không chỉ cải cách TTHC trong hệ thống NHNN mà chúng tôi cũng đã chỉ đạo quyết liệt các NHTM tích cực cải cách, đơn giản các thủ tục quy định trong việc cung cấp các dịch vụ cho người dân, nhất là các thủ tục vay vốn, trả nợ; các thủ tục quy trình giao dịch tiền mặt, thanh toán…

Nói một cách tổng quan nhất để trả lời câu hỏi rất hay này của phóng viên Thời báo Ngân hàng đó là Luật NHNN và Luật Các TCTD năm 2010 đã tạo bước đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh, khắc phục những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong hoạt động của các TCTD. Các quy định tại Luật sẽ góp phần giảm đáng kể rủi ro trong hoạt động và rủi ro pháp lý cho hoạt động kinh doanh của TCTD, nâng cao quyền tự chủ và mức độ an toàn trong hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, các quy định tại Luật Các TCTD sẽ tạo điều kiện để giảm đáng kể chi phí, thời gian thực hiện các TTHC về thành lập và hoạt động, trong việc bổ nhiệm nhân sự, mở rộng mạng lưới hoạt động… Kết quả của Đề án 30 cũng đã mang lại lợi ích to lớn cho các TCTD khi hàng trăm TTHC thuộc các lĩnh vực tiền tệ, ngoại hối, thành lập và hoạt động ngân hàng được bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.San