1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Từng là doanh nhân nên tôi hiểu…

Gần 30 năm làm việc tại doanh nghiệp, trải qua thời gian dài là một doanh nhân, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng: Dù là doanh nhân hay quản lý nhà nước đều phải làm trách nhiệm, hết mình...

Từng gần 30 năm làm việc tại DN, trải qua thời gian dài là một doanh nhân với chức vụ Tổng giám đốc TCty Vật liệu Xây dựng Số 1 Fico và Tổng giám đốc TCty Thủy tinh và Gốm Xây dựng Viglacera, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng: Dù là doanh nhân hay quản lý nhà nước đều phải làm trách nhiệm, hết mình...

 

Nhớ lại những ngày đầu làm Thứ trưởng sau khi là một doanh nhân, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam chia sẻ: Đặc thù công việc, môi trường công tác của một doanh nhân khác với công việc của một nhà quản lý ở nhiều điểm cho nên những ngày đầu tiên không tránh khỏi khó khăn.
 
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Từng là doanh nhân nên tôi hiểu… - 1

 

Sự khó khăn đó đến từ điểm khác biệt cơ bản nào, thưa Thứ trưởng?

 

Trước đây, ở DN, với tư cách là TGĐ, tôi chủ động tìm ra các ý tưởng, mục tiêu cho DN mình, rồi tổ chức thực hiện. Trong khi đó, công việc của một thứ trưởng có tính chất quản lý vĩ mô hơn, tác động đến toàn xã hội.

 

Tuy nhiên, phụ trách mảng nhà ở, thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng cũng là thế mạnh, sát với chuyên môn của tôi, hai công việc cũng đều có tính chất sáng tạo, linh hoạt, nhạy bén. Vì vậy những kinh nghiệm của những ngày làm ở DN giúp tôi thuận lợi hơn rất nhiều. Nói tóm lại, có hiểu được các DN thì mới có thể hoạch định các chính sách một cách chính xác, hợp lý, hợp tình.

 

Kinh nghiệm, thực tiễn của một nhà DN đã góp phần giúp Thứ trưởng trong việc hoạch định chính sách như thế nào, đặc biệt là những chính sách liên quan đến DN trong gian đoạn khó khăn vừa qua?

 

Đã từng là một doanh nhân, nên tôi hiểu và chia sẻ khó khăn mà các DN gặp phải, nhất là trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng. Mặt khác, việc tiếp cận với các DN của tôi cũng tiệm cận hơn. Nhiều DN khi khó khăn cũng hay tìm đến tôi để hỏi các vấn đề. Mà DN kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng… khó khăn thì nhiều lắm, nhất là về thủ tục hành chính, đất đai, vốn…

 

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2011 của 33/62 Cty cổ phần có liên quan trực tiếp đến kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán thì có 7 Cty báo lỗ, 14 Cty báo lãi nhưng tỉ lễ lãi thấp hơn nhiều so với quý III/2010, 12 Cty khác kinh doanh bình thường. Trong khi tại thời điểm quý III/2010 thì hầu hết các Cty nói trên đều báo lãi, chỉ có 2 Cty báo lỗ với số lỗ nhỏ. Điều đó chứng tỏ các DN kinh doanh BĐS, xây dựng phải đối mặt với khó khăn đến mức nào.

 

Và vì hiểu được những khó khăn đó, cộng với Đề án 30 của Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tôi cũng đã có nhiều đề xuất cùng Bộ rà soát và cắt giảm nhiều thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy phép xây dựng, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng đối với tổ chức và cá nhân… Đặc biệt, cái mới trong những năm vừa qua là chính sách nhà ở xã hội đã đi vào cuộc sống và thay đổi nhận thức của nhiều DN, người dân cũng như các cơ quan quản lý.

 

Ví dụ cụ thể, nếu như chưa từng là doanh nhân, thì Thứ trưởng khó lòng chia sẻ, cảm thông và đưa ra các quyết sách phù hợp ?

 

Ví dụ ngay về chính sách nhà ở xã hội. Dù đã được Chính phủ rất quan tâm với các hỗ trợ thiết thực và trực tiếp, đặc biệt trong các Quyết định 65, 66, 67 về hỗ trợ xây dựng nhà cho sinh viên, công nhân KCN, người thu nhập thấp về quỹ đất, thời gian cấp phép, vốn… Tuy nhiên, do giai đoạn kinh tế khủng hoảng, việc hỗ trợ vốn cho DN xây dựng nhà ở xã hội nói chung còn nhiều khó khăn.

 

Các chương trình nhà ở công nhân KCN và nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị thời gian qua đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các DN: Tổng số khoảng 300 dự án nhà ở thu nhập thấp và nhà ở công nhân KCN đã đăng ký thực hiện trong giai đoạn 2009-2015, với tổng mức đầu tư khoảng 55.000 tỉ đồng. Hiện nay đã có 27 dự án nhà ở cho công nhân KCN với tổng mức đầu tư trờn 3.000 tỉ đồng; 42 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp với tổng mức đầu tư 4.500 tỉ đồng đang được thực hiện. Ngoài ra, hiện có 94 dự án nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng với tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỉ đồng cũng đang được thực hiện đầu tư xây dựng.

 

Có được kết quả trên là nhờ chính sách đúng đắn của Nhà nước cũng như sự nhiệt tâm của DN. Công bằng mà nói, các dự án nhà ở công nhân KCN và nhà ở thu nhập thấp các DN có lợi nhuận rất nhỏ so với các dự án nhà ở thương mại, chỉ 10%. Vì vậy đối với DN, các ưu đãi của Chính phủ, trong đó được vay vốn ưu đãi để họ có thể thực hiện được dự án là rất quan trọng. Tuy nhiên, đây là chính sách mới nên trong quá trình thực hiện sẽ có rất nhiều khúc mắc mà nếu không có sự quyết tâm thì khó có thể vượt qua.

 

Điển hình là khúc mắc nào mà Thứ trưởng cùng các ban, ngành phải rất “dụng công” tháo gỡ cho DN ?

 

Điển hình là vướng mắc về giao dịch đảm bảo đối với các dự án mới có quyết định giao đất nhưng chưa/không được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vướng mắc này mà đến tháng 11/2010, Ngân hàng Phát triển VN vẫn chưa giải ngân được vốn vay ưu đãi cho dự án nào. Đứng trước nguy cơ đổ bể của chương trình, thấu hiểu được khó khăn của DN nếu không được vay vốn ưu đãi sẽ phải vay vốn thương mại, ngày 16/11/2010, Bộ Xây dựng – Cơ quan thường trực của BCĐ TƯ về CS Nhà ở và TT BĐS đã có buổi làm việc với NHPT VN VDB và về cơ bản giải quyết được vấn đề này. Kết quả là đến 31/12/2010, VDB đã giải ngân được 5 dự án với tổng số vốn 741 tỉ đồng, tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho DN.

 

Nếu không từng là doanh nhân thì tôi khó lòng hiểu được tường tận được vấn đề này để từ đó cùng VDB có phương án tháo gỡ. Hi vọng thời gian tới sẽ có nhiều DN tham gia vào xây dựng nhà ở CN KCN và nhà ở thu nhập thấp và các DN này sẽ nhận được sự hỗ trợ thiết thực hơn.

 

Hay việc xây nhà ở thu nhập thấp xong rồi, bán thế nào, qua các DN tôi hiểu được nhiều vướng mắc, nhất là từ phía địa phương. Từ đó, cùng Bộ đề xuất thang điểm cho đối tượng mua nhà, và trao quyền cho DN dựa trên các thang điểm đó. Điều này giúp DN chủ động trong việc tiêu thụ hàng, nhanh chóng thu hồi vốn.

 

Ở cương vị hiện nay, có khi nào Thứ trưởng tự nhủ rằng: giờ mới hiểu nỗi khổ của người làm quản lý nhà nước mà trước đây khi còn là DN Thứ trưởng khó có thể có sự đồng cảm?

 

Đấy là nói về hỗ trợ với DN, nhưng, công việc của cơ quan quản lý là đưa ra các chính sách quản lý không chỉ có lợi cho một đối tượng nào, nghĩa là phải hài hòa lợi ích của DN, người dân. Đây không phải việc đơn giản đối với bất kể bộ, ngành, lĩnh vực nào. Nhất là một lĩnh vực nhạy cảm, tác động lớn đến xã hội như lĩnh vực bất động sản.

 

“Có hiểu được các doanh nhân, DN thì mới có thể hoạch định các chính sách một cách chính xác, hợp lý, hợp tình...”.

Ví dụ, một trong những vấn đề mà DN BĐS quan tâm nhất chính là giải phóng mặt bằng (GPMB), nếu chính sách điều chỉnh có lợi cho DN, thì lại thiệt hại cho người dân. Và ngược lại. Tuy nhiên, thực tế trong GPMB khâu vốn lại không phải là khó khăn chính đối với các DN. Vì khi anh đã có một dự án là anh đã có phương án tài chính cụ thể. Vấn đề là sự đồng thuận của chính quyền và tất cả người dân là đối tượng trong khu vực GPMB đó. Vì vậy, ngay trong Dự thảo Nghị định thay Nghị định số 34 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, nhà tập thể và khu dân cư cũ để thực hiện chỉnh trang đô thị theo quy hoạch mà Bộ đưa ra mới đây cũng đã đưa ra các quy định hỗ trợ cho người dân “thị trường” hơn, như là tính đến hệ số đền bù theo vị trí tầng (tầng 1 so có lợi thế để kinh doanh nên mức đền bù cao hơn); đền bù bằng nhà hoặc bằng tiền hoặc vừa bằng tiền, vừa bằng nhà…

 

Như tôi nói ở trên, do đặc thù công việc quản lý nhà nước là phải đưa ra các chính sách phù hợp, không làm tổn thương đến đối tượng nào trong xã hội nhằm phát triển thị trường một cách lành mạnh và bền vững. Đó không phải là điều đơn giản. Những năm qua, Chính phủ với sự đề xuất của Bộ cũng đã ban hành Nghị định 71 và Thông tư 16 hướng dẫn thực hiện nghị định này đã có tác động tích cực đến thị trường BĐS, giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn.

 

Thưa Thứ trưởng, doanh nhân, nhà quản lý, nghề nào khổ hơn, và nghề nào dễ vinh quang hơn ? Và mong muốn của Thứ trưởng trong năm 2012 ?

 

Nghề nào cũng có cái khổ, cái sướng riêng. Nhưng theo tôi làm việc gì cũng phải làm trách nhiệm, hết mình. Vinh quang là cảm giác trong chính suy nghĩ của mình cảm thấy hài lòng vì đã đóng góp được một phần cho xã hội. Chứ làm thứ trưởng thì… chưa có giải thưởng nào tôn vinh. Nhưng khi làm được việc có ích, cống hiến cho xã hội, thì đó là điều quan trọng nhất.

 

Một mong muốn, và cũng là mong ước của tôi là cầu nhà ở ngày càng nhiều, với giá cả hợp lý để “cái ở” của người dân ngày càng tốt hơn. Muốn vậy, thị trường bất động sản phải phát triển lành mạnh. Và đặc biệt, quỹ tiết kiệm nhà ở xã hội sẽ đi vào cuộc sống và phát triển để giúp những người thu nhập thấp có nhà ở, chỗ ở…

 

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

 

Theo Phương Thảo

DĐDN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm