Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế

(Dân trí) - Nguồn nước đang chịu ảnh hưởng nhiều bởi biến đổi khí hậu. Nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của nước và môi trường, Chính phủ Việt Nam cam kết không đánh đổi để tăng trưởng kinh tế làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.

Đó là ý kiến của ông Bùi Phạm Khánh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng tại Triển lãm Quốc tế ngành nước Vietwater 2018.

Ông Cao Lại Quang, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, ngành nước Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Hệ thống cấp nước hiện nay của Việt Nam còn thiếu đồng bộ, chưa theo kịp được tốc độ đô thị hóa. Tỷ lệ thất thoát nước còn cao và năng lực quản lý còn rất thấp.

Ông Bùi Phạm Khánh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại Triển lãm Quốc tế ngành nước Vietwater 2018 với hơn 500 đơn vị tham gia.
Ông Bùi Phạm Khánh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại Triển lãm Quốc tế ngành nước Vietwater 2018 với hơn 500 đơn vị tham gia.

“Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song ngành nước Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập. Đặc biệt là ngành nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như: gia tăng dân số đô thị, ngân sách hạn hẹp, năng lực quản lý vận hành yếu, ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, ngành nước cũng chịu những ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu như: hạn hán, lũ lụt, úng ngập, xâm nhập mặn”, ông Quang nói.

Theo Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam thì chính vì những hạn chế, khó khăn và thách thức nêu trên mà ngành nước đang tập trung ưu tiên hơn cho việc đổi mới chính sách, thu hút các nguồn lực cho đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn lực, đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các công nghệ mới. Một số doanh nghiệp “đầu đàn” của ngành nước cũng đã áp dụng nhiều giải pháp quản lý nước thông minh hướng tới cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Các doanh nghiệp tham gia triển lãm ngành nước với nhiều sản phẩm có công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Các doanh nghiệp tham gia triển lãm ngành nước với nhiều sản phẩm có công nghệ tiên tiến, hiện đại.

“Để nhân rộng và giúp các doanh nghiệp cấp thoát nước Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ cấp thoát nước thì việc đẩy mạnh áp dụng các giải pháp quản lý nước thông minh hướng tới phát triển bền vững là xu thế tất yếu và hết sức cần thiết”, ông Quang nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia thuộc Bộ Xây dựng, cả nước hiện có hơn 500 hệ thống cấp nước đô thị với tổng công suất 8,7 triệu m3/ngày đêm. Hiện có 85,5 dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung, 70% hệ thống cấp nước đô thị đảm bảo cấp nước 24/24h và 30% còn lại chỉ cấp nước từ 8-20h/ngày đêm. Đáng chú ý là tỉ lệ thất thoát nước sạch tại Việt Nam còn rất cao, tỉ lệ thất thoát nước sạch bình quân lên tới 22,5%.

Cũng theo các chuyên gia, quản lý nước bền vững là một phần của sự phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng phát triển của các thế hệ tương lai. Để đạt được quản lý nước bền vững thì cần phải có một cách tiếp cận đa ngành và toàn diện.

Một thiết bị phục vụ trong ngành nước tham gia triển lãm.
Một thiết bị phục vụ trong ngành nước tham gia triển lãm.

Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh khẳng định, triển lãm quốc tế ngành nước có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành cấp thoát nước, tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo. Sự kiện này sẽ góp phần đổi mới, tăng cường mối quan hệ hợp tác và thu hút nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển cấp thoát nước và năng lượng tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp.

"Các nhà quản lý, nhà khoa học cũng như các tổ chức, doanh nghiệp có thể giao lưu trao đổi, cập nhật thông tin khoa học và chuyển giao công nghệ mới, tìm hiểu thị trường và ký kết các hợp đồng kinh tế trong hợp tác kinh doanh. Từ đó, thúc đẩy ngành nước và năng lượng của Việt Nam ngày càng phát triển. Chính phủ Việt Nam cam kết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững”, thứ trưởng Bùi Phạm Khánh nói.

Đại Việt

Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế - 4