Thu tiền triệu đến tiền tỷ nhờ bán đồ chơi mới nổi – spinner
(Dân trí) - Spinner là một loại đồ chơi nhỏ để nghịch trên tay hiện đang trở thành trào lưu trong giới trẻ và những người “chịu chơi” có thú sưu tập spinner, mang lại thu nhập đáng kể cho người bán và nhà sản xuất.
Được biết, spinner du nhập vào Việt Nam từ cuối năm 2016, ban đầu rất thịnh hành trong giới trẻ, đặc biệt là những bạn trẻ hút vape rồi sau đó từ các bạn trẻ thế hệ 8x đến những học sinh cấp 1 cũng chơi và sưu tập.
Về cơ bản, một chiếc spinner chỉ gồm 3 bộ phận: cánh (wings), vòng bi (bearing) và nút. Tuy nhiên, tùy xem spinner được sản xuất đại trà hay thiết kế riêng, tùy vào chất liệu, kiểu dáng, màu sắc,… Từ đó, thị trường spinner tại Việt Nam cũng phong phú và đa dạng hơn về mặt chất lượng và giá cả.
Theo anh Tống Viết Tuấn, chủ một cửa hàng bán spinner trên phố Tạ Quang Bửu, Hà Nội, hiện nay, spinner bán tại Việt Nam chủ yếu là hàng nhập từ Trung Quốc, số spinner tự sản xuất trong nước rất ít và đắt hơn nhiều hàng nhập từ Trung Quốc.
“98% spinner bán tại Việt Nam là hàng nhập từ Trung Quốc, còn hàng tự sản xuất trong nước và nhập từ Mỹ thì rất hiếm và có giá rất cao, shop mình hướng tới đối tượng khách hàng là học sinh, sinh viên nên cũng chỉ bán loại rẻ để khách hàng có thể dễ dàng mua”, chủ cửa hàng này chia sẻ.
Do đó, theo ghi nhận của phóng viên, spinner tại cửa hàng này chỉ có giá từ 90.000 – 300.000 đồng/chiếc.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của chủ cửa hàng spinner này cũng như các cửa hàng bán spinner nhập từ Trung Quốc khác, thu nhập từ việc bán spinner này cũng đem lại từ 500.000 – 2.000.000 đồng/ngày khi đã trừ chi phí thuê nhân viên, mặt bằng hay quảng cáo trên mạng xã hội,…
Chủ một cửa hàng bán spinner khác cho biết: “Dù có ngày bán ít, có ngày bán nhiều nhưng trung bình mỗi ngày cửa hàng mình bán được khoảng trên dưới 50 chiếc vì spinner cũng đang là món đồ chơi hot và không kén người chơi”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, đó là spinner nhập từ Trung Quốc với số lượng lớn thì mới có nhiều hàng để bán, còn spinner được sản xuất tại Việt Nam do vì còn nhiều hạn chế nên mất nhiều thời gian sản xuất hơn và giá cũng cao hơn nhiều.
Anh Giang Nguyễn, chủ đơn vị đầu tiên tại Việt Nam có thể thiết kế và sản xuất hoàn toàn một dòng spinner cho biết anh có ý tưởng này từ tháng 9/2016 và bắt đầu sản xuất dòng spinner do anh tự thiết kế từ đầu năm 2017. Từ đó, anh cũng xuất khẩu dòng spinner này cho khách hàng ở Mỹ, châu Âu, Nga, Trung Đông, Đông Á, Đông Nam Á và rất được ưa chuộng.
“Phải mất 1 đến 2 tháng thì bên mình mới sản xuất được khoảng 100 – 200 chiếc và giá thành cũng cao hơn nhiều so với hàng Trung Quốc, rơi vào khoảng 1.800.000 – 2.200.000/ chiếc tùy từng dòng”, anh Giang cho biết.
Chủ đơn vị này cũng chia sẻ, từ lúc bắt đầu thiết kế và sản xuất, đơn vị của anh đã sản xuất và bán khoảng 500 chiếc spinner, tính ra cũng thu về khoảng 1 tỷ đồng, chưa trừ chi phí.
Tuy nhiên, thị trường spinner tại Việt Nam chủ yếu nhập hàng từ Trung Quốc về và bán lại, chủ yếu là những cửa hàng kinh doanh nhỏ đến rất nhỏ nên dù thu nhập khá như vậy nhưng cũng chưa để nói trước được những diễn biến trong tương lai về thị trường hiện đang rất bùng nổ này.
Trên thế giới, trào lưu spinner bùng nổ bắt nguồn từ một chiếc spinner có tên Torqbar được thiết kế, sản xuất vào khoảng đầu năm 2015 và nhanh chóng trở thành hiện tượng, khi người ta phải săn lùng rất khó khăn để có một chiếc Torqbar. Một chiếc torqbar sản xuất với giá 200 USD nhưng phải may mắn và chờ đợi để được mua lại nhanh chóng với giá từ 700-1.200 USD tùy phiên bản. Thậm chí FORBES còn gọi Torqbar là iPhone của đồ chơi bàn giấy (desk toy).
Theo nhiều nghiên cứu, chơi spinner có thể giúp bạn giảm thiểu những thói quen xấu như cắn móng tay, rung đùi hoặc hút thuốc. Thay vì quay bút, cắn móng tay, gõ tay xuống bàn, bạn có thể xoay spinner để thấy bình tĩnh hơn. Rất nhiều người đã có thể bỏ hẳn được thói quen xấu sau khi sử dụng spinner. Spinner cũng có thể giúp giảm stress và bồn chồn.
Hồng Vân