Thu phí ATM: Bài toán chi phí giữa đầu tư và lợi nhuận
(Dân trí) - Theo Phó Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô lớn tại Hà Nội, với chi phí phát sinh (gồm chi phí đầu tư, chi phí vận hành và chi phí liên quan khác) cho một giao dịch rút tiền qua ATM khoảng 7.000 đồng - 10.000 đồng (tùy theo từng ngân hàng) thì mức thu phí rút tiền như hiện nay ngân hàng đang bị lỗ nặng.
Chủ thẻ đang phải chịu những loại phí gì?
Trong vài năm trở lại đây, thị trường thẻ Việt Nam được đánh giá là đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, cả nước hiện có 53 tổ chức phát hành và thanh toán thẻ với tổng số lượng phát hành vượt 100 triệu thẻ. Mạng lưới ATM của các ngân hàng cũng được mở rộng toàn quốc với số lượng trên 17.000 máy ATM.
Cùng với việc liên tục cải thiện và mang tới nhiều tính năng, câu chuyện thu phí ATM đối với khách hàng sử dụng cũng thường xuyên nhận được sự quan tâm của khách hàng cũng như giới chuyên gia.
Hiện các ngân hàng thương mại đang tiến hành thu phí giao dịch thẻ ghi nợ nội địa (thẻ ATM) theo quy định tại thông tư 35/2012 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đó phí dịch vụ đối với thẻ này bao gồm 6 loại phí cơ bản gồm: phí phát hành thẻ, phí thường niên, phí rút tiền mặt, phí chuyển khoản, phí vấn tin tài khoản, phí in sao kê và các ngân hàng phải công khai biểu phí dịch vụ nói chung, phí thẻ ATM nói riêng. Ngoài ra NHNN còn yêu cầu khi có thay đổi biểu phí, các ngân hàng phải thông báo cho chủ thẻ biết tối thiểu 7 ngày trước khi áp dụng.
Theo các quy định hiện tại thì phí rút tiền mặt nội mạng (rút tiền tai ATM của cùng ngân hàng) hay ngoại mạng (tại ATM của ngân hàng khác) tối đa 3.000 đồng/giao dịch. Theo thống kê của NHNN, hiện nay các ngân hàng đang áp dụng mức phí rút tiền nội mạng dao động từ 500 đồng - 3.000 đồng tùy từng ngân hàng. Trong đó, chỉ có 1 ngân hàng đang áp dụng mức phí rút tiền tối đa là 3.000 đồng/lần; 12 ngân hàng áp dụng dưới mức phí tối đa; các ngân hàng còn lại đều đang miễn phí rút tiền nội mạng. Đặc biệt, một vài ngân hàng còn đang thực hiện miễn phí hoàn toàn khi rút tiền cả nội mạng lẫn ngoại mạng như TPBank, VIB…
Liên tục đổi mới công nghệ
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu giao dịch, thanh toán ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp, các ngân hàng đã tăng cường đầu tư, đổi mới và ứng dụng công nghệ mới, đẩy mạnh cung ứng các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, đa dạng, tiện lợi (như rút tiền, vấn tin qua ATM, thanh toán thẻ tại nhà hàng, siêu thị hay sử dụng thẻ mua hàng trực tuyến, thông báo số dư qua SMS…) gắn với việc không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ông Thắng cho hay: “Tương ứng với mỗi loại sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho khách hàng, ngân hàng đã phải tính toán, xác định loại, mức phí phù hợp trên cơ sở cân đối với chi phí và phân khúc thị trường, đối tượng khách hàng”.
Theo lý thuyết, nếu đầu tư vào công nghệ, ngân hàng sẽ thu được nhiều phí dịch vụ hơn, giảm được chi phí giao dịch, gia tăng cơ hội tiếp cận các khách hàng tiềm năng và qua đó tăng được số lượng khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ của ngân hàng đó, gián tiếp nâng cao hiệu quả hoạt động cho ngân hàng. Tuy nhiên trên thực tế, chi phí đầu tư thường rất lớn, trong khi mức phí thu được vẫn rất thấp, chưa đủ bù đắp chi phí vận hành chứ chưa nói đến việc tái tạo nguồn vốn đầu tư, nâng cấp các công nghệ mới.
Ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Chiến lược Ngân hàng - NHNN, một trong những thách thức đối với đầu tư cho khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng là đầu tư phát triển nhiều nhưng doanh thu từ các dịch vụ, sản phẩm này còn thấp, không đủ bù đắp chi phí đầu tư.
Ông Hòe cho hay: “Khi tôi còn làm ngân hàng thương mại, có người hỏi tôi tại sao sử dụng thẻ ATM lại mất phí, tôi giải thích: Đi chợ gửi xe, bảo vệ trông xe cho bạn cũng thu 2.000 đồng - 5.000 đồng, vậy mà khi sử dụng dịch vụ thẻ ATM với nhiều tính năng ưu việt như vậy, muốn rút tiền bất cứ lúc nào cũng được, chỉ phải trả 1.000 đồng - 2.000 đồng/giao dịch mà lại kêu tốn kém thì liệu có công bằng, hợp lý không? Phải chia sẻ với các ngân hàng thì họ mới có tiền tái đầu tư phát triển và duy trì dịch vụ cho mình chứ”.
Ngân hàng đang lỗ?
Theo Phó Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô lớn tại Hà Nội, với chi phí phát sinh (gồm chi phí đầu tư, chi phí vận hành và chi phí liên quan khác) cho một giao dịch rút tiền qua ATM khoảng 7.000 đồng - 10.000 đồng (tùy theo từng ngân hàng) thì mức thu phí rút tiền như hiện nay ngân hàng đang bị lỗ nặng; chưa kể nếu gửi tin nhắn biến động số dư cho khách hàng thì ngân hàng còn phải trả mức cước phí cho nhà mạng rất cao (700 - 800 đồng/tin nhắn), gấp 2-3 lần so với mức cước của thuê bao cá nhân (200-300 đồng/tin nhắn), trong khi không có lựa chọn khác.
Với số lượng tin nhắn gửi ra tới hàng chục, hàng trăm triệu tin mỗi tháng thì số tiền mà mỗi ngân hàng phải chi trả quả là không nhỏ. Ngoài ra, khoản phí rút tiền từ ATM, ngân hàng chỉ thực nhận được 50%, phần còn lại phải trả cho đơn vị trung gian thanh toán nên phần thu về lại càng thấp, không đủ bù đắp chi phí cho ngân hàng để đầu tư và vận hành hệ thống ATM.
Trên thực tế, nhiều ngân hàng cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự khi đầu tư rất nhiều vào công nghệ nhưng chưa thể tính tới việc thu lợi nhuận từ những việc dịch vụ này.
Đại diện TPBank cho biết, không kể chi phí đầu tư hệ thống ATM ban đầu, hiện mỗi năm ngân hàng này vẫn “rót” hàng trăm tỷ đồng cho hạ tầng công nghệ, bao gồm các hệ thống dự phòng, chi phí bảo trì, duy trì và phát triển, nâng cấp hệ thống, cũng như đầu tư mới cho các công nghệ hiện đại…
Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ mới, điển hình như hệ thống giao dịch tự động LiveBank 24/7, điểm giao dịch không cần nhân viên, cho phép khách hàng thực hiện được hầu hết các dịch vụ ngân hàng truyền thống trên máy không kể ngày đêm, có tư vấn viên hướng dẫn từ xa qua truyền hình trực tuyến. Trong khi đó, ngân hàng này lại mạnh tay miễn giảm phần lớn các loại phí dịch vụ khi giao dịch trên ATM hay hệ thống LiveBank.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết: “Chúng tôi hướng đến việc thúc đẩy khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng các phương tiện điện tử, công nghệ mới trong các giao dịch ngân hàng. Khách hàng nên sử dụng thẻ và các ứng dụng ngân hàng điện tử để thanh toán mua hàng hóa dịch vụ và chuyển khoản, hơn là chỉ để rút tiền mặt. Hơn nữa, nếu khách hàng dùng thẻ để thanh toán thì sẽ được miễn phí hoàn toàn”.
Hiện nay, hầu hết giao dịch thẻ thông qua các máy thanh toán POS/mPOS tại các điểm bán hàng, thanh toán mua hàng trực tuyến… đều miễn phí mà không cần rút tiền mặt.
An Hạ - Thu Anh