Thu nhập của nông dân Việt chỉ bằng 1/13 Hà Lan

(Dân trí) - Thu nhập của người nông dân trên 1ha gieo trồng ở nước ta hiện nay chỉ đạt 3.100 USD, tương đương khoảng hơn 60 triệu đồng. Trong khi các nước khác như Đài Loan là 12.000 USD/ha hay Hà Lan là khoảng 40.000 USD/ha.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Mặc dù ngành nông nghiệp tăng trưởng 3,31% trong năm 2014 nhưng thu nhập trong khu vực nông nghiệp còn rất thấp. Theo tính toán, thu nhập trên 1ha gieo trồng ở nước ta hiện nay chỉ đạt 3.100 USD, tương đương khoảng hơn 60 triệu đồng. Tính riêng ra thì khu vực trồng trọt có thu nhập là 82 triệu đồng/ha và khu vực thủy sản là 168 triệu đồng/ha, đều tăng cao hơn so với các năm trước.

“Thu nhập này còn rất thấp so với các nước khác như Đài Loan là 12.000 USD/ha hay Hà Lan là khoảng 40.000 USD/ha. Có những mô hình nông nghiệp ở nước ngoài có nguồn thu 2 triệu euro/ha,” Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định tại Hội nghị Tổng kết của ngành nông nghiệp phát triển nông thôn năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 khai mạc sáng nay 25/12 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: T. Nguyên)
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: T. Nguyên)

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, thu nhập của người nông dân Việt Nam cũng còn rất hạn chế. Với 47 triệu lao động là nông dân, thì mức thu nhập bình quân là khoảng 25-26 triệu đồng/người/năm và mức này là rất thấp.

Công tác ứng dụng khoa học công nghệ cũng chưa đạt hiệu quả và chưa thực sự là động lực vì kết nối giữa người dân, nhà khoa học, các viện nghiên cứu và doanh nghiệp còn khá lỏng lẻo.

Công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập và việc lấy năm 2015 là năm an toàn thực phẩm để đề ra những cơ chế chính sách nâng cao chất lượng vệ sinh ATTP với nông sản là rất cần thiết vì với bất kỳ sản phẩm nào cũng sẽ phải cạnh tranh ngay trên sân nhà.

“Nếu chúng ta không quan tâm đến chất lượng vệ sinh ATTP chúng ta sẽ thất bại ngay trên sân nhà,” Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: T. Nguyên)
Vướng mắc trong tổ chức sản xuất là rào cản đối với phát triển nông nghiệp ở Việt Nam (Ảnh minh họa)

Hiện nay chúng ta xuất khẩu tới hơn 80% sản phẩm ra nước ngoài và điều này chứng tỏ thị trường trong nước vẫn còn bị bỏ ngỏ. Với dân số hơn 90 triệu người thì tiềm năng thị trường vẫn còn rất phong phú và hiện nay chúng ta vẫn chưa khai thác hết.

“Ngành nông nghiệp năm 2014 xuất khẩu 30 tỷ USD nhưng vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Năng lực sản xuất của chúng ta còn lớn hơn nhiều,” Phó Thủ tướng nói.

Dấu hiệu gần đây cho thấy lòng tin của người tiêu dùng đã tăng trở lại, tăng lên mức 63% so với các năm trước. Trong bối cảnh hội nhập, chúng ta đi sau các nước, nên nếu chúng ta không nỗ lực sáng tạo thì khả năng thành công không cao.

Trong khi đó ông Nguyễn Xuân Cừờng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng: Ngành nông nghiệp trong 2014 đạt kết quả cao đồng bộ và có nhiều dấu ấn. Mức tăng trưởng 3,31% GDP trong nông nghiệp là mức cao nhất trong những năm gần đây.

Cũng trong năm 2014, có sự chuyển biến nhận thức cơ bản của 63 tỉnh thành trong công tác xây dựng nông thôn mới. Chính quyền địa phương đã coi đây là nhiệm thường xuyên, xuyên suốt, và có nhiều sức sáng tạo. Tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng NTM đạt 160.000 tỷ trong năm qua.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một sô “nút thắt” cản trở sự phát triển của ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn bao gồm: khó khăn trong khâu tổ chức sản xuất nhất là mô hình HTX vì quy mô sản xuất hiện nay quá nhỏ và manh mún; đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp còn hạn chế; tiềm năng của ngành lâm nghiệp còn rất lớn nhưng chưa khơi dậy hết được do cơ chế chính sách chưa hợp lý…

“Trong năm 2015 cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và cần coi đây là một nhiệm vụ quan trọng. Chúng ta còn một tư duy sót lại từ hồi bao cấp đó là tư duy giá rẻ, cái gì cũng muốn rẻ. Chúng ta đang xây dựng cá tra thành sản phẩm quốc gia nhưng hình ảnh cá tra của ta trên thế giới là hình ảnh cá rẻ. Cái gì cũng muốn rẻ, điện cũng muốn giá rẻ, gạo cũng muốn giá rẻ, rẻ thì lấy đâu chất lượng và không thể cạnh tranh được. Vấn đề là phải đi từ Z đến A: Thị trường muốn gì thì ta làm ra sản phẩm ấy. Nhận thức đó phải thay đổi, không chỉ riêng gì ngành nông nghiệp…” Phó Thủ tướng nêu rõ.

Nguyên An
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”