1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Thu nhập cao từ nuôi trồng “hàng độc”: Sống khỏe với con đặc sản

Chăn nuôi lợn, gà công nghiệp hay trồng lúa, rau màu… thường bấp bênh, rủi ro cao, lợi nhuận thấp. Do đó, thời gian gần đây, một bộ phận nông dân đã chuyển hướng sang đầu tư chăn nuôi các loại con đặc sản, nhờ đó luôn giữ được giá bán cao, thu nhập ổn định.

Đáng chú ý, việc chăn nuôi con đặc sản đã thu hút một số doanh nghiệp tham gia, biến những vật nuôi đặc sản trở thành hàng hóa có giá trị cao.

Trong lúc ngành chăn nuôi lợn công nghiệp đang rơi vào “tâm bão” giảm giá, nhiều người bị thua lỗ nặng thì những người nuôi lợn Mông, lợn rừng, hay nuôi gà đặc sản như gà Hồ, gà Đông Tảo… vẫn sống khoẻ.

Nhu cầu cao, nguồn cung còn ít

Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhờ phát triển những giống gà đặc sản mà nhiều vùng chăn nuôi đã khởi sắc nhanh chóng về kinh tế, điển hình như tại huyện Khoái Châu (Hưng Yên) có phong trào nuôi gà Đông Tảo; thị trấn Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) với việc bảo tồn và phát triển giống gà Hồ; xã Tiên Phong (Duy Tiên, Hà Nam) với con gà Móng; hay giống gà mía ở xã Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội)… Những con gà đặc sản có giá trị lên tới vài triệu đồng đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người chăn nuôi.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, trong số những vật nuôi truyền thống, bản địa của Việt Nam thì thành công nhất chính là con gà lông màu. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, hiện tổng đàn gia cầm của cả nước khoảng 300 triệu con, trong đó chiếm 20 - 25% là gà công nghiệp lông trắng; 15 - 20% là gà đẻ trứng, còn lại chiếm khoảng 50 - 60% là gà lông màu mang gen bản địa.


Anh Nguyễn Văn Trường cho đàn gà Hồ ăn tại trang trại của gia đình ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). ảnh: Trần Quang

Anh Nguyễn Văn Trường cho đàn gà Hồ ăn tại trang trại của gia đình ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). ảnh: Trần Quang

Các giống gà lông màu đang thống trị thị trường Việt Nam đều có nguồn gốc từ giống gà bản địa của nước ta như: Gà mía, gà ri, gà chọi, gà Đông Tảo, gà Hồ, gà tre… trên cơ sở kết hợp ưu thế lai với giống gà mái nền Lương Phượng nhập ngoại.

Ông Nguyễn Quý Khiêm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) chia sẻ, đa phần các giống gà bản địa của Việt Nam đẻ kém, tốc độ sinh trưởng chậm, dài ngày nên giá thành cao, nhưng đổi lại khả năng chống chịu, thích nghi với thời tiết tốt, thịt thơm ngon hợp khẩu vị người Việt. Do đó, để phát huy tối đa lợi thế của các giống gà bản địa, chúng ta phải tận dụng thế mạnh của ưu thế lai.

TS Võ Văn Sự - Chi hội động vật quý hiếm (Hội Chăn nuôi Việt Nam) cũng nhận định, do dễ nuôi và ít vốn hơn để nuôi so với các loài vật nuôi khác, nên việc chăn nuôi gà đặc sản trong giai đoạn vừa qua khá phát triển. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ của gà đặc sản hiện nay vẫn khá hạn hẹp, phần lớn chỉ tiêu thụ trong các dịp lễ, tết hoặc chỉ bán được cho các nhà hàng, khách sạn; người tiêu dùng bình thường rất ít mua cho bữa ăn hàng ngày do giá bán còn tương đối cao. Đó là lý do khiến các mô hình nuôi gà Hồ, gà Đông Tảo… còn quá ít và nhỏ bé, không thấm thía so với nhu cầu ăn ngon của người tiêu dùng hiện nay.

Cần doanh nghiệp khai phá

Để phát huy tốt tiềm năng vật nuôi đặc sản nói chung, cũng như những giống gà bản địa nói riêng, các chuyên gia ngành chăn nuôi đều cho rằng người nuôi cần chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách nuôi theo quy trình VietGAP; quay trở lại nuôi theo kiểu truyền thống (tức không kháng sinh, không cám tăng trọng, cho ăn nhiều rau xanh, lúa ngô…). Đặc biệt là cần phát triển với quy mô lớn hơn nhằm đảm bảo sự đồng đều, nhiều mẫu mã, nhất là giảm giá thành sản phẩm và tăng cường các mặt hàng chế biến.

Ông Nguyễn Đăng Chung - Giám đốc HTX Chăn nuôi gà Hồ, thị trấn Lạc Thổ (Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết ông rất tin tưởng vào tương lai sáng của con gà Hồ. Sau thời gian vất vả giữ gìn giống gà Hồ quý khỏi nguy cơ tuyệt chủng, hiện trên địa bàn đã có khoảng 100 hộ nuôi gà Hồ, với tổng đàn gà gần 3.000 con.

Cũng gắn bó với vật nuôi đặc sản, từ nhiều năm nay chị Lê Thị Thúy Dung (Công ty Nông lâm ngư Quảng Ninh, đơn vị sở hữu trang trại lợn Móng Cái lớn nhất Quảng Ninh) đã nhận thấy tiềm năng kinh tế rất lớn từ giống lợn Móng Cái so với các giống lợn ngoại. Sau 5 năm gây dựng, hiện trang trại của chị Dung sở hữu trên 500 con lợn Móng Cái bố mẹ thuần chủng, mỗi năm cung cấp cho người dân khoảng 8.000 con lợn giống.

Chị Dung cho biết, ngoài những ưu điểm nổi trội, lợn Móng Cái có hai nhược điểm liên quan tới khả năng sinh sản và thịt hơi mỡ. Để khắc phục hạn chế này, chị Dung đã sàng lọc, tuyển chọn được những con nái Móng Cái có thể đẻ tới 15 - 18 con/lứa, còn lại đại đa số bình quân 12 - 14 con/lứa. Để giảm tỷ lệ mỡ, trang trại của chị sử dụng 100% thức ăn tự phối trộn từ ngô, sắn, cám gạo, rau xanh… và tuyệt đối không sử dụng thức ăn công nghiệp, nhờ đó tỷ lệ nạc của con lợn tăng lên đáng kể, phù hợp với đa số đối tượng người tiêu dùng. Nhờ kết hợp với xây dựng thương hiệu, tích cực quảng bá nên sản phẩm tại trang trại của chị Dung hiện tiêu thụ rất thuận lợi, giá bán ổn định.

Nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, hiện các công ty cung cấp giống gia cầm lớn cũng chủ yếu tập trung vào giống gà lông màu có sử dụng nguồn gen từ giống gà đặc sản bản địa trên cơ sở kết hợp ưu thế lai với giống gà mái nền Lương Phượng nhập ngoại.

Điển hình như Công ty Giống gia cầm Lượng Huệ mỗi năm sản xuất gần 20 triệu gà giống với tỷ lệ thuần chủng khoảng 70%. Còn Công ty Dabaco (Bắc Ninh) từ năm 2008 đến nay đã tập trung phát triển các giống gà lông màu, và gần đây còn nghiên cứu, phát triển giống gà 9 cựa đặc biệt quý hiếm, có giá trị kinh tế cao để tung ra thị trường. /.

Theo Thu Hằng
Dân Việt