1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Nếu để chăn nuôi lợn khủng hoảng sẽ rất khó lấy lại thăng bằng"

(Dân trí) - Giá lợn hơi trong nước đang lao dốc, lại khó khăn trong xuất khẩu khiến người nuôi lợn đang gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ vỡ nợ rất cao. Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Nếu để chăn nuôi lợn khủng hoảng sẽ rất khó lấy lại thăng bằng cho cả ngành chăn nuôi”.

Thời gian gần đây giá lợn hơi trong nước đang xuống thấp, lại khó khăn trong khâu xuất khẩu ra các thị trường ngoài nước nên người nuôi lợn đang gặp nhiều khó khăn, nguy cơ vỡ nợ rất cao. Liên quan đến nội dung này, phóng viên Dân trí đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) để hiểu rõ hơn câu chuyện này.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng cục Chăn nuôi (Ảnh: Nguyễn Dương).
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng cục Chăn nuôi (Ảnh: Nguyễn Dương).

Giá lợn hơi trong nước thời gian này đang xuống rất thấp, khiến người nuôi lợn gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ phá sản rất cao, theo ông đâu là nguyên nhân?

- Năng suất chăn nuôi của chúng ta tăng cao là con giống tốt hơn, chuồng trại tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, kỹ thuật chăn nuôi cũng tốt hơn. Con lợn chỉ cần nuôi trong thời gian 3 tháng là có thể đạt trọng lượng 1 tạ, ngày xưa phải mất 7 tháng đến 1 năm. Sức sản xuất cao như vậy, nhưng thị trường không phát triển theo kịp. Mặt khác, do nền kinh tế nước ta, trước kia GDP tăng bao nhiêu, thì ngành chăn nuôi tăng bấy nhiêu. Nhưng hiện tại, chăn nuôi tăng trưởng cao, nhưng các ngành khác của chúng ta tăng trưởng cũng không hoàn toàn tương ứng, nên sức mua trong nước cũng hạn chế.

Một nguyên nhân nữa là do chúng ta chưa mở rộng được thị trường ngoài nước để xuất khẩu lợn. Con lợn chiếm tới 70% cơ cấu chăn nuôi, thịt lợn chiếm 70% cơ cấu tiêu dùng thực phẩm hàng ngày của người dân. Đầu tư cho con lợn rất cao, ví dụ con lợn nái bình quân là từ 15-30 triệu đồng/con, thời gian khai thác tới 3 năm. Do vậy, chu kỳ sản phẩm của con lợn rất dài, nếu để khủng hoảng chăn nuôi lợn thì chúng ta rất khó lấy lại được thăng bằng trong ngành chăn nuôi và chúng ta có thể thiếu thực phẩm trong tương lai. Vì khi người chăn nuôi lợn dừng chăn nuôi thì phải 2 năm sau chúng ta mới khôi phục được được đàn lợn, với gia cầm chỉ cần 1 tháng hoặc 3 tháng là chúng ta có thể khôi phục lại được.

Trước thực trạng như vậy, Bộ NN&PTNT đã có những giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?

- Mới đây, Bộ NN&PTNT đã có công văn kiến nghị Thủ tướng 9 giải pháp để cứu ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn, trong đó có 5 giải pháp trước mắt và 4 giải pháp lâu dài.

Ngày 24/4 tới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường sẽ làm việc với các doanh nghiệp lớn về thức ăn chăn nuôi và sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT và trong Bộ Tài chính có liên quan tăng cường kiểm soát cơ cấu giá thành, làm sao mà giảm giá thành và giảm giá bán cho người chăn nuôi. Những doanh nghiệp sản xuất thức ăn có thể chấp nhận lãi ít, hoặc lỗ nhẹ để giúp người chăn nuôi.

Một vấn đề nữa là cần tăng cường dự trữ cấp đông, việc này không dễ nhưng theo tôi vẫn phải làm. Nếu chúng ta vẫn sử dụng thịt lợn theo hình thức rang, luộc, giò, chả thì chưa ổn, mà phải đa dạng hơn nữa để cung cấp hàng hóa sinh động cho người dân trong nước.

Việc tiếp theo là kiến nghị các ngân hàng, các tổ chức tín dụng cần giãn nợ, khoanh nợ cho người kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và người chăn nuôi. Nếu không khoanh nợ, giãn nợ những đối tượng này sẽ có nguy cơ phá sản.

Giải pháp lâu dài mà Bộ NN&PTNT đang kiến nghị các địa phương là cần kiểm soát tốt vấn đề tăng đàn. Bởi hiện tại chúng ta đã có 4,2 triệu con lợn nái là quá nhiều, cần phải giảm xuống còn dưới 3 triệu con vào năm 2019. Ngoài ra, chúng ta phải thay đổi cơ cấu chất lượng giống, phải là giống cao sản và giống đặc sản. Chúng ta không chỉ khuyến khích chăn nuôi công nghiệp mà cần khuyến khích chăn nuôi truyền thống gắn với chất hữu cơ. Chăn nuôi hữu cơ là đặc thù của chăn nuôi nông hộ và có phân khúc rất tốt, bởi thịt chăn nuôi hữu cơ ở Việt Nam sẽ kiểm soát tốt được kháng sinh, chất cấm, thức ăn chăn nuôi có hóa chất công nghiệp.

Một giải pháp rất căn cơ nữa là tổ chức chăn nuôi theo chuỗi liên kết, đứng đầu chăn nuôi là phải các doanh nghiệp, sau đó mới đến các hộ trang trại hoặc thông qua các hợp tác xã đến các hộ nhỏ, tạo thành một chuỗi liên kết như vậy sẽ vừa kiểm soát được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm khi truy xuất. Làm như vậy sẽ chia sẻ được lợi nhuận và cân đối được cung - cầu.

Còn tiếp thị ở tầm vĩ mô, khai thông thị trường thì Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương và cả Bộ Ngoại giao phải cùng tham gia để chúng ta đàm phán, khai thông thị trường. Chỉ có thể làm như vậy thì chúng ta mới có một nền chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn phát triển bền vững.

Vậy trước khi các giải pháp mà ông nói trên được triển khai, ông nhận định như nào về giá lợn hơi trong nước trong thời gian tới?

- Giá lợn hơi đang xuống ở mức trung bình là 25.000 - 27.000 đồng/kg, và chúng tôi cho rằng chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhất là những tháng mùa hè sắp tới, do nắng nóng người dân sẽ chuyển sang ăn các thực phẩm khác như tôm, cá…, thì sức tiêu thụ thịt càng thấp, nguy cơ thừa thịt lợn còn xảy ra và giá có thể xuống. Tôi lo ngại rằng, giá xuống như vậy thì người chăn nuôi không biết còn trụ được bao lâu.

Cảm ơn ông!

Nguyễn Dương (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm