Thu ngân sách: Bội thu chứ không lạm thu
(Dân trí) - Kết quả thu ngân sách phản ánh xu thế chung, đó là trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, vào nền kinh tế Việt Nam vẫn rất tốt.
Ngân sách thu vượt dự toán trên 22.000 tỷ đồng
Một trong những nội dung quan trọng trong bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế là thu ngân sách. Hiện nay, một vấn đề mà theo dư luận là vừa phấn khởi vừa băn khoăn, đó là bội thu về ngân sách. Có ý kiến nêu doanh nghiệp vừa mới phục hồi, đang khó khăn mà thu ngân sách nhiều, liệu có lạm thu? Có làm khó doanh nghiệp không?
Lý giải vấn đề này tại tọa đàm với nội dung bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng chia sẻ, quan điểm của Chính phủ, Bộ Tài chính luôn luôn chỉ đạo trong công tác thu là bảo đảm tất cả các khoản thu phát sinh thuộc về ngân sách Nhà nước được thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Kết quả thu năm 2021 đến thời điểm này vượt 16,8% so với dự toán. Thu ngân sách Trung ương và các địa phương cơ bản đều đạt và vượt dự toán.
Theo ông Hưng, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Tổng kinh phí miễn, giảm, giãn về thuế, phí, lệ phí năm 2021 trên 123.000 tỷ đồng, trong đó miễn giảm là trên 100.000 tỷ đồng.
Ông Hưng cho rằng, nếu so với thực hiện của năm 2020 thì tổng thu ngân sách chỉ tăng khoảng 3,8%, phù hợp với tăng trưởng kinh tế có 2,8%, lạm phát trên 1,8%. Chúng ta xây dựng dự toán năm 2021 đúng vào thời điểm bùng phát dịch lần thứ 3 ở Việt Nam.
Nhìn ra xung quanh cả thế giới và nhiều nước trong khu vực kinh tế suy giảm rất nặng. Riêng Việt Nam, 9 tháng nước ta tăng trưởng 2,1%, thu khoảng 64%, mà nếu bình thường, 9 tháng nước ta phải thu 74-75%.
Trên cơ sở tình hình dịch bệnh lúc đó, chúng ta xây dựng dự toán 2021 có phần thận trọng, vì vậy đến tháng 9/2021, báo cáo Quốc hội, chúng ta dự báo thu ngân sách vẫn vượt dự toán. Thời điểm đó, Bộ Tài chính dự báo vượt khoảng hơn 20.000 tỷ đồng nhưng thực tế vượt trên 22.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo ông Hưng, về cơ cấu, thu của nước ta dần bền vững hơn. Thu nội địa, tức là thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước ngày càng chiếm vị trí chủ đạo. Kết quả thu cũng phản ánh xu thế chung, đó là trong điều kiện kinh tế khó khăn như vậy nhưng niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, vào nền kinh tế Việt Nam vẫn rất tốt. Thu hút FDI trong năm 2021 vẫn tăng tới 9% so với năm 2020 trong bối cảnh chúng ta khó khăn về dịch bệnh.
Đồng quan điểm với Thứ trưởng Bộ Tài chính, TS Nguyễn Sĩ Dũng nhận định vấn đề lạm thu rất khó xảy ra bởi phải có căn cứ pháp luật để thu, không phải muốn thu thế nào thì thu. Thêm vào đó, Bộ Tài chính đã áp dụng hóa đơn điện tử, số hóa nhiều hoạt động, rất minh bạch. Bởi vậy, nếu mình thu đúng, thu đủ thì số thu tăng. Có thể trước kia không minh bạch, giấu doanh thu, bây giờ đã số hóa, hóa đơn điện tử giúp Bộ quản lý nhanh hơn. Đây cũng là xu hướng lành mạnh, rất đáng ghi nhận.
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt phục hồi kinh tế
Cũng tại tọa đàm này, vấn đề đầu tư công được các vị khách mời cho rằng, đầu tư công được xem là "vốn mồi" để dẫn dắt nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công của 5 tháng đầu năm vào khoảng 22-23%, cao hơn một chút so với cùng kỳ của năm 2021, nhưng so với kế hoạch năm là thấp.
Các khách mời thống nhất cho rằng, nguyên nhân do công tác chuẩn bị đầu tư của các bộ, ngành, địa phương đối với các dự án còn yếu; vấn đề giải phóng mặt bằng; giá cả nguyên vật liệu tăng cao, nhiều chủ đầu tư thậm chí bỏ cọc để không bị lỗ thêm; khâu tổ chức thực hiện yếu.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đưa ra 2 cách nhìn để tổng hòa lại câu chuyện về giải ngân vốn đầu tư công. Thứ nhất là mặc dù đã có chủ trương đầu tư trung hạn, nhưng danh mục quy hoạch đầu tư cho trung hạn vẫn chưa thực sự được hoàn chỉnh. Thứ hai, dẫn câu danh ngôn "nếu cho tôi 6 giờ đốn củi, tôi phải dùng 4 giờ để mài rựa", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến vai trò cốt lõi của chuẩn bị dự án đầu tư và cho rằng cần nâng cao hơn nữa chất lượng của khâu quan trọng này.
Đề cập đến Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi, một chương trình với nhiều các dự án, tiểu dự án rất đồ sộ, với vốn đầu tư công từ nay đến năm 2025 là 50.000 tỷ đồng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, việc giải ngân còn chậm.
Bàn về giải pháp, nhiệm vụ để thúc đẩy hơn nữa vấn đề này, theo ông Hầu A Lềnh, cần ưu tiên tập trung cho việc hướng dẫn các địa phương, đặc biệt là cấp huyện, xã về hoàn thiện thủ tục đầu tư; huy động sức dân cùng tham gia, theo cơ chế giống như xây dựng nông thôn mới; huy động nguồn lực ngoài ngân sách của Trung ương, tức ngoài ngân sách Nhà nước…
Dự báo về kinh tế thời gian tới, các khách mời thống nhất nền kinh tế đang đi đúng hướng, chỉ tiêu mục tiêu Quốc hội đề ra có nhiều khả năng hoàn thành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhìn từ khía cạnh lạc quan, những tín hiệu mặc dù là nhỏ, nhưng có sức lan tỏa. Đối với những vấn đề còn trăn trở, cần nhìn tích cực, nỗ lực và kiên trì với đường lối và giải pháp đã đề ra.