Thu mua tạm trữ: Lúa giảm giá vì kênh, mương cạn kiệt?
(Dân trí) - “Thu hoạch đồng loạt, nhiều doanh nghiệp thiếu phương tiện vận chuyển đã để lúa nông dân thu hoạch “treo” ngoài đồng từ 7-10 ngày lúa khô khốc. Nhưng nông dân phải bán với giá lúa tươi cho doanh nghiệp” – một lãnh đạo huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ phàn nàn ngày 6/4.
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết: Việc phát triển mô hình sản xuất cánh đồng lớn có liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp ở Cần Thơ sẽ được siết chặt theo hướng làm ăn chắc, hiệu quả, không chạy theo số lượng, tránh gây phiền phức.
“Các doanh nghiệp đã mua được 882.500 tấn quy gạo tạm trữ, đạt 88,25% chỉ tiêu Chính phủ giao mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo”, ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch điều hành Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết ngày 6/4.
Theo VFA, việc thu mua tạm trữ năm nay diễn ra khá suôn sẻ. Dự kiến các doanh nghiệp sẽ hoàn thành chỉ tiêu mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ theo hạn chót ngày 15/4. Thị trường xuất khẩu gạo hiện nay đối diện nhiều khó khăn, ít nhiều lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo phản ánh của một số địa phương ở ĐBSCL, do khô hạn nhiều tuyến kênh, mương cạn kiệt khiến các phương tiện giao thông thủy không lưu thông vào được cũng làm giá lúa giảm mạnh ở những vùng sâu. Ông Huỳnh Thế Năng cũng kiến nghị: Bộ NN-PTNT cần đầu tư thích đáng cho hệ thống thủy lợi ĐBSCL, vừa giải quyết nguồn nước tưới tiêu, vừa tạo lưu thông đường thủy để thương lái đến vùng sâu mua lúa của nông dân.
Phạm Tâm – Vĩnh Tường