1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thông tin trốn thuế: Bộ Công thương và Petrolimex "phản bác" Hải quan

(Dân trí) - Trước thông tin của Tổng cục Hải quan về con số nợ thuế của doanh nghiệp xăng dầu cũng như những tồn tại quanh việc tạm nhập tái xuất, Bộ Công Thương và Petrolimex đã chính thức lên tiếng. Hai đơn vị này cho rằng, không có chuyện doanh nghiệp xăng dầu trốn thuế.

Số liệu Tổng cục Hải quan cho biết:
Số liệu Tổng cục Hải quan cho biết: Petrolimex là đơn vị dẫn đầu nợ thuế quá hạn với tổng nợ trên 130 tỷ đồng. 
 
Petrolimex khẳng định không nợ thuế

Chiều ngày 5/9, Tổng cục Hải quan đã thông báo về tình hình nợ thuế quá hạn của các doanh nghiệp xây dựng đầu mối. Theo đó, Petrolimex là đơn vị dẫn đầu nợ thuế quá hạn với tổng nợ trên 130 tỷ đồng, chiếm gần 44,2% tổng nợ thuế của doanh nghiệp xăng dầu. Cụ thể, Petrolimex nợ hơn 82,63 tỷ đồng thuế xăng dầu tạm nhập tái xuất và trên 49,36 tỷ đồng thuế xăng dầu nhập để kinh doanh.

Trước thông tin này, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã có công văn gửi Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính cũng như các báo. Công văn cho hay, trong tổng số hơn 130 tỷ đồng nợ thuế của Petrolimex được Tổng cục Hải quan công bố thì Tập đoàn đã nộp 96,85 tỷ đồng, trong đó nộp từ tháng 6/2012 là 46,52 tỷ đồng và tháng 8/2012 nộp 50,32 tỷ đồng.

“Số tiền còn lại hơn 35,15 tỷ đồng liên quan đến lượng xăng dầu Petrolimex đã tái xuất và đang trong thời hạn thanh khoản tờ khai”, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc, người phát ngôn của Petrolimex cho hay.

Theo lý giải của Petrolimex, quy định của Bộ Tài chính về xử lý thuế đối với hàng hóa thuộc đối tượng hoàn thuế trong thời gian chờ thanh khoản, sau khi Petrolimex nộp đầy đủ hồ sơ chứng minh lượng hàng đã thực tái xuất trong thời hạn quy định cho cơ quan hải quan kiểm tra và ra quyết định không thu thuế, thì số thuế này không nằm trong diện nợ thuế.

Do đó, “mặc dù Petrolimex đã hoàn thành các nghĩa vụ về thuế nhưng thông tin của Tổng cục Hải quan chưa được cập nhập một cách kịp thời trên hệ thống. Ngoài ra, theo quy định của hải quan trong trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu phát sinh nợ quá hạn sẽ bị cưỡng chế (nộp thuế trước khi thông quan) và phạt nếu nộp chậm. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động, gần như mỗi ngày Petrolimex đều có một chuyến tàu nhập khẩu và được thông quan bình thường, do đó, nếu Petrolimex có nợ thuế quá hạn thì đương nhiên Petrolimex đã bị cưỡng chế”, ông Năm nhấn mạnh.

Dừng tạm nhập tái xuất xăng dầu qua đường biển

Trao đổi với báo giới về những thông tin doanh nghiệp vi phạm tạm nhập tái xuất, cũng như khả năng “lách luật” để buôn lậu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, có thể có trường hợp doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của chính sách về hàng tạm nhập tái xuất để kiếm lợi nhưng không thể có chuyện trốn thuế thông qua số liệu công bố nợ thuế của Tổng cục Hải quan.

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp muốn chuyển xăng dầu tạm nhập tái xuất sang tiêu thụ nội địa thì phải nộp các loại thuế như nhập khẩu kinh doanh bình thường. Ngoài ra, hàng tạm nhập tái xuất được tạm nhập và hoãn thuế 180 ngày, cộng với 15 ngày gia hạn tối đa, tổng cộng 195 ngày. Nếu doanh nghiệp chuyển hình thức như vậy, phải nộp thêm tiền phạt chậm nộp thuế.

Số liệu mà Bộ Công Thương công bố, lượng xăng dầu chưa tái xuất khá chênh lệch so với số liệu của Bộ Tài chính. Cụ thể, năm 2011, lượng xăng dầu tạm nhập để tái xuất là 2,8 triệu tấn và lượng xăng dầu tái xuất là 2,7 triệu tấn. Như vậy, có khoảng 100.000 tấn được các doanh nghiệp chuyển hình thức kinh doanh nội địa

Đến hết tháng 6/2012, lượng xăng dầu tái xuất là 1,74 triệu tấn. Mức chênh lệch giữa hàng tạm nhập và tái xuất là khoảng 310.000 tấn. Nhưng trong số này, có một lượng lớn là hàng đang trong giai đoạn chờ tái xuất nên không phải toàn bộ số lượng vênh nhau giữa tạm nhập tái xuất là chuyển bán nội địa.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay: Theo thông tin từ Bộ Tài chính, năm 2010, kim ngạch hàng tạm nhập là 5 tỷ USD, rốt cục tái xuất chỉ có 4 tỷ USD. Năm 2007, hàng hóa tạm nhập vào Việt Nam là 1,755 tỷ USD nhưng xuất ra lại chỉ có 120 triệu USD.

Hiện tại, Bộ Công Thương đã tạm ngừng tạm nhập tái xuất xăng dầu qua đường biển. Các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đang tiếp tục xem xét lại các cơ chế chính sách để doanh nghiệp không thể lợi dụng hình thức trên, tiêu thụ trong nước để kiếm lợi.

Trước đó, tại cuộc họp báo chiều 5/9, số liệu Tổng cục Hải quan đưa ra cho thấy, sản lượng xăng dầu tạm nhập nhưng không tái xuất năm sau đều cao hơn năm trước. Số lượng xăng dầu tạm nhập nhưng không tái xuất của 13 doanh nghiệp đầu mối trong năm 2011 là 580.000 tấn, của 6 tháng đầu năm 2012 là 544.900 tấn.

An Hạ