Thông tin đáng chú ý về giao dịch thẻ từ ATM sau 31/12
(Dân trí) - Sau ngày 31/12, khách hàng vẫn có thể dùng thẻ từ ATM để giao dịch tại ATM, POS, kênh internet banking hay mobile banking... là một trong những thông tin tài chính đáng chú ý trong tuần qua.
Không được từ chối giao dịch thẻ từ ATM
Sau thông tin từ ngày 31/12, thẻ từ ATM không sử dụng được, ngày 30/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành văn bản số 8458/NHNN- TT về việc triển khai áp dụng tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.
Theo đó, NHNN quy định trách nhiệm các tổ chức thanh toán thẻ (TCTTT) trong thực hiện lộ trình chuyển đổi ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS) đang hoạt động tại Việt Nam tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. NHNN cho biết, không có quy định về việc từ chối chấp nhận giao dịch thẻ đối với thẻ từ nội địa đang lưu hành.
Do đó, NHNN yêu cầu, các tổ chức phát hành thẻ (TCPHT), TCTTT cần rà soát quy định pháp luật, hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa TCPHT với chủ thẻ về việc phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng. Các đơn vị trên phải đảm bảo các giao dịch thẻ của chủ thẻ diễn ra thông suốt, an toàn, không ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ thẻ và không đưa ra các chính sách, quy định trái với quy định pháp luật về hoạt động thẻ ngân hàng.
NHNN cũng yêu cầu triển khai các biện pháp truyền thông về việc khách hàng sau ngày 31/12 năm nay vẫn có thể sử dụng thẻ từ để thực hiện các giao dịch thẻ tại ATM, POS, kênh internet (internet banking), di động (mobile banking), quầy giao dịch theo đúng quy định pháp luật.
2 triệu tỷ đồng cho vay tiêu dùng
Dữ liệu do Ngân hàng Nhà (NHNN) nước công bố cho thấy, tính đến ngày 19/11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 10 triệu tỷ đồng, tăng 9,52% so với cuối năm 2020. Đáng chú ý, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, toàn hệ thống có 78 TCTD tham gia cho vay với dư nợ chiếm 19,6% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Theo NHNN, kết quả cho vay trực tiếp phục vụ đời sống đến nay khoảng 2 triệu tỷ đồng trên dư nợ 10 triệu tỷ đồng của nền kinh tế là con số không nhỏ, tỷ trọng khá lớn. Tuy nhiên, NHNN cho rằng, nhu cầu tín dụng phục vụ cho đời sống trực tiếp, thậm chí nhỏ lẻ đối với khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa và những người yếu thế vẫn cần tập trung hơn nữa.
Ngành ngân hàng sẽ phối kết hợp với Bộ Công an về việc sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để phục vụ trong việc xác định danh tính, định danh khách hàng chính xác, đánh giá nhân thân người vay, để các TCTD có thể đẩy mạnh, dễ dàng, chủ động hơn trong việc cho vay.
Năm 2022 là trọng tâm phục hồi và phát triển
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gồm 5 nhóm giải pháp chủ yếu về y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp, kích thích đầu tư công và giải pháp hành chính. Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhóm giải pháp này đủ mạnh để phục hồi và phát triển kinh tế.
Chương trình phục hồi được định hướng phát triển bền vững trong giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến báo cáo Chính phủ trình Quốc hội áp dụng trọng tâm trong 2 năm 2022-2023.
Tính khả thi của chương trình sẽ phụ thuộc vào 3 nội dung chính, bao gồm: Giải pháp đủ mạnh - Thời gian đủ dài - Quy mô đủ lớn. Các nội dung này có liên hệ chặt chẽ với nhau. Bởi, giải pháp mạnh sẽ tốn kém chi phí nhưng thời gian thực hiện nhanh. Song, nếu kinh phí có giới hạn thì thời gian phải kéo dài thêm.
Ngành nào vẫn "hốt bạc" trong đại dịch
Từ thống kê của bảng xếp hạng VNR500 năm nay cho thấy, hầu hết các ngành đều có sự sụt giảm về tổng doanh thu so với bảng xếp hạng năm ngoái.
Tình trạng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tính chung 11 tháng qua đang lan rộng với 106.500 doanh nghiệp, đồng nghĩa với bình quân mỗi tháng có gần 9.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tuy nhiên, suốt 2 năm đại dịch, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn là "bệ đỡ" vững chắc cho an ninh lương thực quốc gia khi có mức tăng 2,74%, bên cạnh đó là khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57% nhưng khu vực dịch vụ lại giảm 0,69%.
Bảng xếp hạng VNR500 năm nay cho thấy, tổng doanh thu của nhóm ngành nông lâm thủy sản có mức tăng đáng kể 25,7%, trong khi khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ tương ứng giảm 14,8% và 5,9% so với năm ngoái.
Bên cạnh nông nghiệp, các ngành bán lẻ, thép, tài chính và điện ghi nhận tổng doanh thu tăng trưởng dương trong bảng xếp hạng năm 2021 so với năm 2020.