1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thông qua chi 5.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành

(Dân trí) - Với việc thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Quốc hội đã chính thức đồng ý bố trí 5.000 tỷ đồng đầu tư giải phóng mặt bằng Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành và 80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia.

Giai đoạn 1 của dự án Cảng HKQT Long Thành chậm nhất phải hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025
Giai đoạn 1 của dự án Cảng HKQT Long Thành chậm nhất phải hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025

Chuẩn bị lập dự án đường sắt tốc độ cao

Với 88,87% phiếu tán thành, sáng nay (10/11), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 tối đa là 2 triệu tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 1,12 triệu tỷ đồng, vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng, vốn trong nước 820.000 tỷ đồng.

Dự kiến phát hành 260.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ (bao gồm 60.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014-2016 chuyển sang) và tiền bán vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp là 250.000 tỷ đồng. Vốn cân đối ngân sách địa phương là 880.000 tỷ đồng.

Trong kế hoạch ngân sách, có 72.817 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 được bố trí để thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó: Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới là 43.119 tỷ đồng và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững là 29.698 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thông qua việc quy định bố trí 5.000 tỷ đồng đầu tư giải phóng mặt bằng Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; Bố trí 80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia. Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và mức vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 cụ thể cho từng dự án quan trọng quốc gia sau khi Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án này theo quy định của Luật Đầu tư công.

Trước đó, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đã đề nghị các dự án quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội xem xét, thông qua; sử dụng nguồn lực khác để đầu tư Dự án đường cao tốc Bắc - Nam và dành nguồn lực này đầu tư cho các dự án dở dang thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, các tuyến vùng biên giới. Một số ý kiến ĐBQH đề nghị dành một phần vốn để bảo đảm an toàn đường sắt, chuẩn bị dự án nâng cấp đường sắt tốc độ cao.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự án đường cao tốc Bắc - Nam là một trong các dự án quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao, tăng tính kết nối giữa các địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế chung của đất nước. Trong bối cảnh huy động các nguồn lực khác gặp nhiều khó khăn, việc cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho Dự án đường cao tốc Bắc - Nam là cần thiết.

Đồng thời đánh giá, việc bảo đảm an toàn đường sắt là cần thiết và Chính phủ đang chuẩn bị các điều kiện để lập dự án đường sắt tốc độ cao vào thời gian thích hợp.

Chính phủ đang chuẩn bị các điều kiện để lập dự án đường sắt tốc độ cao vào thời gian thích hợp (ảnh mang tính minh họa)
Chính phủ đang chuẩn bị các điều kiện để lập dự án đường sắt tốc độ cao vào thời gian thích hợp (ảnh mang tính minh họa)

Người đứng đầu chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định chủ trương đầu tư

"Người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc quyết định chủ trương đầu tư", Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ về giải pháp để thực hiện kế hoạch nói trên.

Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cũng được giao phải bảo đảm chất lượng lập báo cáo đề xuất, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án để khắc phục triệt để tình trạng chuẩn bị dự án sơ sài, không bảo đảm quy định của pháp luật, quyết định chủ trương đầu tư dàn trải, không hiệu quả, phê duyệt tổng mức đầu tư thiếu chính xác.

"Chỉ quyết định chủ trương đầu tư những dự án thật sự cần thiết khi đã thẩm định, làm rõ hiệu quả của dự án, nguồn vốn, khả năng cân đối, bố trí vốn cho từng chương trình, dự án, bảo đảm dự án được phê duyệt có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện", Nghị quyết nêu.

Quốc hội cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; xử lý nghiêm cá nhân, tập thể vi phạm pháp luật về đầu tư công đã được Quốc hội, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền quyết định. Kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm công khai, minh bạch trong việc huy động, quản lý, sử dụng vốn vay

Trong giai đoạn này, nguồn vốn đầu tư sẽ được tập trung bố trí để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, cần thiết, cấp bách làm cơ sở đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền; khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác.

Đồng thời, sẽ không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư.

Một trong những ưu tiên vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước là các nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống, khắc phục tình trạng hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung. Đối với tiền bán vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp, ưu tiên đầu tư cho các dự án quan trọng, mang lại hiệu quả kinh tế.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm