Thống đốc Lê Minh Hưng báo cáo gì với Quốc hội về nợ xấu?

(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước vừa có Báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Tỷ trọng khách hàng chủ động trả nợ xấu tăng mạnh

Theo báo cáo, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2016-2020 đã được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3% và liên tục giảm qua các năm (tính đến thời điểm 31/5/2020 là 1,86%).

Tính từ cuối năm 2018 đến 31/5/2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 361,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó, nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lý là 307,96 nghìn tỷ đồng (chiếm 85,26%); nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng và nợ xấu bán cho tổ chức, cá nhân khác là 4,72 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,3%).

Bên cạnh kết quả trong xử lý nợ xấu nói chung, xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 từ khi Nghị quyết có hiệu lực đến 31/5/2020 cũng đạt được kết quả bước đầu quan trọng; các hình thức xử lý nợ xấu được các tổ chức tín dụng vận dụng, áp dụng đa dạng, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Cụ thể, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/5/2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 293,88 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.

Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2020 đạt trung bình khoảng 7,15 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,63 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012 - 2017 của hệ thống các tổ chức tín dụng trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng).

Thống đốc Lê Minh Hưng báo cáo gì với Quốc hội về nợ xấu? - 1

Thống đốc Lê Minh Hưng vừa có Báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trước khi có Nghị quyết số 42, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm và khách hàng trả nợ còn chưa cao.

Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, từ 15/8/2017 đến 31/5/2020, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 121,4 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 40,1% tổng nợ xấu nội bảng theo Nghị quyết số 42 đã xử lý), cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý trung bình năm từ 2012-2017 là khoảng 22,8%.

Kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 bằng hình thức khách hàng trả nợ tăng mạnh, phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện. Khách hàng chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ tổ chức tín dụng, hạn chế tình trạng chủ tài sản cố ý chây ỳ, chống đối nhằm kéo dài thời gian xử lý.

Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết số 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

11 khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý Nghị quyết 42

Tuy vậy, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng chỉ ra 11 khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý Nghị quyết 42 cần phải tháo gỡ trong thời gian tới.

Điển hình như khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương hay như phương thức bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường, phát triển thị trường mua bán nợ. Theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 42, tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ. Nhưng việc phát triển thị trường mua, bán nợ hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình xử lý nợ xấu.

Hay như cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng tài sản bảo đảm, hiện Tòa án, cơ quan THADS không có hệ thống dữ liệu cho phép các tổ chức tín dụng trích xuất, tra cứu thông tin tài sản có liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết. Đồng thời, cũng chưa có hướng dẫn về cơ chế xác định sớm hữu hiệu trong quá trình thẩm định để xác định tài sản nào đang tranh chấp, tài sản nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn khi áp dụng các biện pháp xử lý tài sản theo Nghị quyết số 42.

Về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, mặc dù Bộ Công an đã có văn bản hướng dẫn về việc hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình thu giữ. Nhưng trên thực tế, việc thu giữ TSBĐ hiện nay vẫn phụ thuộc khá nhiều vào thiện chí của bên vay (đặc biệt trong trường hợp khách hàng không hợp tác, cố ý chây ỳ trong việc bàn giao tài sản...

Cũng theo tổng tư lệnh ngành ngân hàng, số lượng các vụ việc xử lý nợ xấu thông qua thủ tục rút gọn tại Tòa án còn rất hạn chế, điều này phần nào ảnh hưởng đến kết quả xử lý nợ xấu nói chung, cũng như hiệu quả của biện pháp quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 42 nói riêng.

Theo số liệu báo cáo, một số tổ chức tín dụng đã áp dụng hình thức rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm và đang được Tòa án các cấp xem xét giải quyết. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có trường hợp nào được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Agribank đã có 10 hồ sơ xin áp dụng thủ tục rút gọn đang chờ được Tòa án xem xét thụ lý; BIDV có 19 hồ sơ xin áp dụng thủ tục rút gọn đã được Tòa án thụ lý, trong đó có 6 hồ sơ đang giải quyết, 6 hồ sơ đã giải quyết nhưng được chuyển sang xét xử theo thủ tục thông thường, 7 hồ sơ chưa được giải quyết. ACB, VPBank, VIB và Nam Á Bank, mỗi ngân hàng có 1 hồ sơ xin áp dụng thủ tục rút gọn nhưng chưa nhận được văn bản Tòa án có chấp nhận thụ lý vụ án hay không.

Đến nay ngành ngân hàng mới ghi nhận 2 hồ sơ được Tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo thủ tục rút gọn là Ngân hàng OCB (Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau) và Ngân hàng SCB (Tòa án nhân dân Quận 8, TP.HCM)...