Thống đốc: "Bí kênh đầu tư, người dân sẽ chọn chứng khoán"

(Dân trí) - Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, khi các hướng đầu tư vào ngoại tệ, vàng và bất động sản gặp khó, người dân sẽ đầu tư vào thị trường vốn - thị trường trái phiếu, cổ phiếu và đó là cũng là định hướng mà NHNN đang thực hiện.

Thống đốc: "Bí kênh đầu tư, người dân sẽ chọn chứng khoán" - 1
Để cải thiện thị trường chứng khoán, ngân hàng có thể sử dụng một lượng vốn nhất định trong tỷ lệ cho phép để cho vay chứng khoán (ảnh: Bích Diệp).

Trong phiên đối thoại trực tuyến với nhân dân của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình sáng nay (12/1), nhiều độc giả đã thể hiện mối quan ngại về thị trường thời gian tới với các “cánh cửa” đầu tư như đang càng thu hẹp lại.

Đáp lại băn khoăn này, Thống đốc đã “bóc tách” và phân tích về tình hình lưu chuyển tài sản trên thị trường vốn và thị trường tiền tệ hiện nay vẫn còn nhiều điểm nhầm lẫn và sai lệch về bản chất.

Theo đó, bản chất thị trường tiền tệ không phải là một kênh đầu tư vốn mà chỉ thu hút tiền tạm thời nhàn rỗi với một mức lãi suất nhất định.

Nếu lãi suất không hấp dẫn, người dân sẽ tìm sang kênh đầu tư khác, ví dụ như ngoại tệ. Tuy nhiên, với kênh đầu tư này, Thống đốc lưu ý: “Hiện chúng tôi đang điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nâng cao giá trị đồng Việt Nam, nên như thực tế năm 2011, nếu đầu tư vào ngoại tệ thì không có lợi bằng đầu tư vào nội tệ, tức là ngoại tệ không còn hấp dẫn”.

Kênh đầu tư thứ hai có thể là vàng. Song, lựa chọn này cũng không phải là lựa chọn “sáng suốt”, bởi chính sách về quản lý thị trường vàng trong thời gian tới sẽ làm cho thị trường này không còn hấp dẫn nữa, Thống đốc nhấn mạnh.

Còn bất động sản, chính sách của Chính phủ đang thực hiện cũng khiến thị trường này không còn “nóng”, “sốt” hay có biến động lớn.

Như vậy, với lập luận đó, Thống đốc cho rằng, người dân sẽ đầu tư vào thị trường vốn, thị trường trái phiếu, cổ phiếu và đó là cũng là định hướng mà NHNN đang thực hiện.

Cứu chứng khoán thế nào?

Tuy nhiên, một bài toán khác lại nảy sinh là thị trường chứng khoán sẽ “hồi sinh” thế nào? Thống đốc khẳng định, về bản chất, không thể dùng vốn ngắn hạn của ngân hàng để cho vay trên thị trường chứng khoán là thị trường vốn trung và dài hạn, mà ngân hàng chỉ có thể cho vay một tỷ lệ nhất định.

“Việc ngân hàng bơm vốn để cải thiện thị trường chứng khoán là biện pháp sai về bản chất” – ông nhấn mạnh.

Trước đây, do ngân hàng vẫn cho vay để đầu tư cho chứng khoán, nên khi NHNN thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, các ngân hàng thương mại vẫn hút vốn, thì thị trường chứng khoán rất “xanh xao”, khi nào chính sách được nới lỏng thì tỷ lệ cho vay chứng khoán cao lên, thị trường chứng khoán lại “hồng hào”.

Vì vậy, thời gian tới, để cải thiện thị trường chứng khoán, ngân hàng có thể sử dụng một lượng vốn nhất định trong tỷ lệ cho phép để cho vay chứng khoán. Tuy nhiên, Thống đốc cũng cảnh báo, nếu ngân hàng sử dụng quá tỷ lệ này, thì vừa ảnh hưởng đến  ngân hàng, vừa ảnh hưởng thị trường chứng khoán.

Và về căn cơ, NHNN sẽ vẫn phải lập lại trật tự trên 2 thị trường này, đưa thị trường tiền tệ phải trở lại với vai trò của của mình, thì thị trường vốn mới phát triển được.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm