Thôn tính thị trường ô tô Việt: Tham vọng từ bên ngoài
Tham vọng của Indonesia không dừng lại ở kim ngạch xuất khẩu ô tô sang Việt Nam đạt 600 triệu USD năm 2019 mà dự báo là trên 1 tỷ USD/năm. Việt Nam đang trở thành thị trường tiêu thụ béo bở cho ô tô nước bạn.
Sự bứt phá của công nghiệp ô tô Indonesia
Tại Hội thảo “Triển vọng hợp tác Indonesia - Việt Nam về công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô, xe máy” mới đây tại Hà Nội, Đại sứ Indonesia, ông Ibnu Hadi cho biết: Năm 2018, Indonesia đã xuất khẩu ô tô sang Việt Nam, đạt giá trị kim ngạch hơn 200 triệu USD. Indonesia tự tin hy vọng sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu ô tô sang Việt Nam đạt 600 triệu USD trong năm 2019.
Con số này tuy cao gấp gần 3 lần so với năm ngoái, nhưng có lẽ, tuyên bố này nằm trong tầm tay của Indonesia.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm nay, Indonesia đã xuất khẩu sang Việt Nam 19.477 xe, trị giá 276 triệu USD, tăng 2-3 lần so với năm ngoái. Với đà này, ước tính cả năm 2019, ô tô Indonesia có thể đổ bộ sang Việt Nam tới 40.000 chiếc, chiếm 1/5 sản lượng xuất khẩu ô tô ra ngoài của nước này.
Cho đến nay, Việt Nam đã trở thành thị trường xuất khẩu ô tô lớn thứ 5 của Indonesia, sau Philippines, Arab Saudi, Nepal và Mexico.
Thông tin từ Hiệp hội Công nghiệp ô tô Indonesia cho thấy, năm 2018 Indonesia sản xuất 1.343.000 xe, nhập khẩu 95.000 xe, tiêu thụ trong nước 1.151.000 xe và xuất khẩu 250.000.
Hiện tại công suất sản xuất ô tô của Indonesia đạt 2,2 triệu xe/năm. Năm 2019 Indonesia dự kiến sản xuất khoảng 1,4 triệu xe/năm vừa đáp ứng nhu cầu trong nước vừa xuất khẩu. Mục tiêu năm 2020, sản lượng ô tô của Indonesia sẽ đạt 2 triệu chiếc/năm, trong đó xuất khẩu khoảng 600.000 chiếc.
Với sự tăng trưởng đó, Indonesia ngày nay đã trở thành trung tâm sản xuất xe giá rẻ hàng đầu tại Đông Nam Á. Lợi thế cạnh tranh này được xây dựng trên nền tảng chính sách hấp dẫn trong 15 năm qua.
Từ năm 2007, nước này đã đặt kế hoạch phát triển xe chiến lược giá rẻ và tiết kiệm nhiên liệu. Chính phủ đất nước “vạn đảo” đã quy định, ô tô nằm trong diện ưu đãi có động cơ dung tích xi lanh dưới 1.2L, giá dưới 10.000 USD và tiêu thụ nhiên liệu dưới 5 lít cho 100 km với tỷ lệ nội địa hóa trên 60%. Nhờ đó, DN Indonesia tạo ra dòng xe nhỏ thân thiện với môi trường và chi phí thấp.
Trước đó, từ năm 1993, Indonesia đã áp dụng chính sách khuyến khích sản xuất linh kiện trong nước, bằng cách áp giá tính thuế nhập khẩu bộ linh kiện, dựa trên giá trị hóa đơn nhập khẩu. Tức là cùng một mức thuế nhập khẩu linh kiện như nhau, nhưng nếu nhập cả bộ linh kiện về lắp ráp thì số tiền nộp thuế sẽ cao hơn so với chỉ nhập 50% bộ linh kiện và mua trong nước 50%.
Chính vì vậy, Indonesia đã thúc đẩy nội địa hóa thành công, với hàng trăm DN đầu tư vào sản xuất linh kiện ô tô.
Từ năm 2013, các hãng xe đã giới thiệu đến người dùng Indonesia những mẫu xe giá rẻ, đáp ứng hầu hết nhu cầu của người tiêu dùng bình dân. Giá phổ biến trong nước chỉ 10.000-15.000 USD, tương đương với khoảng 220-300 triệu đồng, một mức giá bằng một nửa giá xe tại Việt Nam.
Giá ô tô Indonesia rẻ nhất thị trường, ô tô Việt lép vế
Các chuyên gia kinh tế nhận định, ô tô Indonesia có xuất phát điểm giá hấp dẫn, cộng hưởng với chính sách giảm thuế theo các cam kết hội nhập và sự thất bại trong nội địa hóa ô tô ở Việt Nam đã khiến ô tô nước này có lợi thế cạnh tranh vượt trội khi đổ bộ sang Việt Nam.
Cụ thể, thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về Việt Nam đã giảm xuống 0%, thuế tiêu thụ đặc biệt cho những xe có dung tích xi lanh dưới 1.5 L giảm còn 35% vào năm 2018 nên xe nhỏ Indonesia vào Việt Nam được hưởng lợi lớn.
Thôn tính thị trường ô tô Việt: Tham vọng từ bên ngoài
Hiện nay, theo Tổng cục Hải quan, xe Indonesia nhập về có giá trung bình 350 triệu đồng/chiếc, rẻ nhất trong số các nước Việt Nam nhập khẩu ô tô. Nhiều mẫu xe giá rẻ của Indonesia đang trở thành hàng “hot” tại Việt Nam và chiếm lĩnh hoàn toàn phân khúc.
Chẳng hạn như tại Việt Nam, xe lai SUV và MPV giờ đây đang bị thống trị bởi Mitsubishi Xpander và Toyota Rush, sắp tới là Honda BR-V. Xe cỡ nhỏ, phân khúc hạng A có sự góp mặt của Toyota Wigo và Honda Brio đang thách thức sự thống trị của xe sản xuất lắp ráp trong nước như Hyundai i10 và Kia Morning.
Thị trường ô tô Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng, nhu cầu luôn cao và quy mô thị trường dự kiến sẽ đạt con số 500.000 xe/năm sau năm 2020 và 1 triệu xe/năm vào thời kỳ 2030. Doanh số ô tô Việt Nam có thể đạt hơn 12 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, miếng bánh thị trường ô tô Việt có thể sẽ rơi vào các doanh nghiệp Indonesia khi mà ngành công nghiệp ô tô trong nước không đáp ứng được nhu cầu và không có lợi thế cạnh tranh.
Hiện tại, các nghiên cứu từ Bộ Công Thương đưa ra đều nhìn nhận, chi phí sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam cao hơn khu vực tới 20%. Một trong những lý do khiến giá thành xe cao, khó cạnh tranh là bởi tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam kém xa các nước, hiện chỉ đạt bình quân khoảng 7-10% trong khi tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65-70%, Thái Lan đạt tới 80%.
Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho rằng, thời gian dài vừa qua, chính sách của chúng ta là tập trung khuyến khích các DN nhập khẩu linh kiện về lắp ráp ô tô, chứ không khuyến khích gia tăng sản xuất trong nước. Cụ thể đó là duy trì mức thuế suất thuế nhập khẩu rất cao với xe nguyên chiếc và thuế nhập linh kiện ở mức thấp. Điều này đã khiến các DN chỉ tập trung lắp ráp dẫn đến sản xuất trong nước không có động lực phát triển.
Hiện tại, công nghiệp ô tô Indonesia đã trở thành trụ cột, có đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc gia và nguy cơ thị trường Việt Nam sẽ bị thôn tính, trở thành thị trường tiêu thụ lớn cho nước bạn là điều nhãn tiền.
Theo Trần Thuỷ
VietnamNet