1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thời trang giá “xả hàng” vẫn vắng vẻ

(Dân trí) - Cũng như mọi năm, ra tết là các cửa hàng, shop thời trang tại Hà Nội lại đồng loạt khuyến mãi, giảm giá hàng đông xuân để thu hồi vốn. Tuy nhiên, khác với mọi năm, năm nay dù giá có giảm nhưng thị trường vẫn vắng vẻ.

Thời trang giá “xả hàng” vẫn vắng vẻ - 1
Giảm giá vẫn... đìu hiu.

Tiền ít vẫn mua được… “hàng hiệu”

Cơ hội sở hữu sản phẩm với giá từ 15 - 99.000 đồng là một chiêu thức được rất nhiều shop thời trang áp dụng trong mùa giảm giá hàng đông xuân năm nay. Hiện dọc các tuyến đường Chùa Bộc, Tôn Đức Thắng… nhiều cửa hàng đang treo biển “đại hạ giá”, “thanh lý hàng tồn kho”, “sale off 30 - 70%”.

Các shop, các cửa hiệu đều tìm cho mình một phương thức tốt nhất để thu hút khách, từ các hãng thời trang nổi tiếng như NinoMax, Blue Exchange… đến những cửa hàng nhỏ, lẻ đều dành một khoảng trống dễ nhìn nhất để treo những tấm biển hàng giảm giá.

Mùa giảm giá cũng là cơ hội mua sắm của những người có thu nhập trung bình và sinh viên. Vì với số tiền vài chục nghìn đồng “thượng đế” đã có thể tậu được một sản phẩm “made in Italia” hoặc “made in Viet Nam” mà trước kia phải mất tiền tới mấy trăm.

Trang (Học viện Ngân Hàng) rất vui khi chỉ phải bỏ ra 150.000 đồng mà cô đã mua được một chiếc áo khoác hàng hiệu. “Đây là cơ hội mua được những sản phẩm tốt giá rẻ, tụi mình nên tận dụng” - Trang cho biết.

Không chỉ tại các shop lớn nhộn nhịp giảm giá mà cả những sản phẩm vỉa hè, ngoài chợ cũng đua nhau giảm giá nhưng chất lượng không được như trong cửa hàng.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý là một số cửa hàng dùng hình thức thanh lý, đại hạ giá để kích cầu nhưng hàng bán ra không hoàn toàn như vậy. Vào một shop thời trang ở đường Tôn Đức Thắng với tấm băng rôn lớn treo ở cửa “Thanh lý hàng hiệu” nhưng những sản phẩm thanh lý rất ít và chủ yếu là hàng đã lỗi mốt.

Giảm vẫn không lại với… suy thoái

Mặc dù đã dùng mọi cách để kích cầu nhưng mùa giảm giá năm nay vẫn đìu hiu hơn mọi năm. Không khí chung trên các ngả đường thời trang không còn nhộn nhịp. Kinh tế suy thoái nên người tiêu dùng cũng không còn dành cho shopping sự ưu ái như trước.

Chị Liễu một nhân viên bán hàng trên đường Chùa Bộc cho biết: “Cửa hàng đã treo biển giảm giá nhưng vẫn ế ẩm. Doanh thu giảm tới 50% so với năm trước. Mặc dù hàng nhập về đã có sự lựa chọn kỹ nhưng khách hàng vẫn còn kén chọn và băn khoăn về giá cả”.

Chị Trâm chủ cửa hàng chuyên bán đồ hiệu quốc tế trên đường Hàng Bài lại phàn nàn: “Khách vào cửa hàng như mọi năm thì không băn khoăn khi mua 2, 3 sản phẩm liền với giá tiền có khi lên đến hàng triệu, nhưng năm nay khách chọn lựa sản phẩm rất kỹ và đắn đo khi mua một sản phẩm với giá khoảng vài trăm”.

Những cảnh chen chúc tìm đồ giảm giá tại các chợ sinh viên cũng không còn như những năm trước. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng hàng thời trang nhập về và bán ra trong 2 tháng đầu năm đã giảm đi rất nhiều, khoảng từ 30 - 50%. Sự khủng hoảng của nền kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam và đời sống của người dân.

Sự đắn đo khi mua của khách đang trở thành nỗi lo của các chủ cửa hàng thời trang. “Không biết khủng hoảng đến bao giờ chứ tình hình này mà kéo dài thì năm nay không làm ăn gì được” - tâm sự của chị Thanh, chủ một cửa hiệu thời trang Cầu Giấy.

Phương Thuý - Lữ Hoa