Thời thanh lọc, ngân hàng thay máu lãnh đạo
Chưa năm nào các ngân hàng (NH) Việt lại chứng kiến sự xáo trộn dàn lãnh đạo cao cấp lớn như 2013. Các ngân hàng đã mạnh tay thay lãnh đạo để tái cấu trúc, phục vụ cho chiến lược mới.
Tháng 9/2013, HDBank đã hoàn tất việc sáp nhập DaiABank (DAB) vào HDBank. Để phục vụ cho quá trình này, hồi cuối tháng 6, DaiABank đã thay đổi các lãnh đạo cao cấp nhất, trong đó có chủ tịch HĐQT và TGĐ với nhân sự mới đều đến từ hoặc có liên quan tới HDBank.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Cụ thể, ông Chu Việt Cường được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch DAB thay ông Quách Văn Đức, còn ông Nguyễn Minh Đức vào vị trí thay cho ông Lê Huy Dũng. Cả hai lãnh đạo mới đều là người của nhóm cổ đông đến từ HDBank tham gia vào DaiA Bank trong lộ trình sáp nhập.
Cuối tháng 5/2013, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam ra mắt một cách đầy bất ngờ cũng gắn liền với những thay đổi ban lãnh cao cấp. HĐQT cũ của TrustBank được thay hoàn toàn bằng HĐQT mới, trong đó, TGĐ của NH mới là Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam (Vnrea) - ông Phan Thành Mai.
Phần lớn các thành viên HĐQT khác đều đến từ Tập đoàn Thiên Thanh - đơn vị được cho là "giải cứu" NH bị liệt vào nhóm yếu kém phải tái cấu trúc TrustBank, bao gồm cả chủ tịch Phạm Công Danh.
HĐQT cũ của TrustBank gồm ông Hoàng Văn Toàn (chủ tịch), ông Nguyễn Vĩnh Mậu (phó chủ tịch) và 5 thành viên gồm ông Hứa Xương, ông Trần Sơn Nam, bà Lâm Hồng Trinh, bà Hoàng Thị Tâm và bà Ngô Kim Huệ đều bị thay thế.
Trước đó, vụ "đổi ngôi" kín tiếng tại TienPhongBank gắn với quá trình tái cơ cấu thông qua một số cổ đông lớn từ Tập đoàn Doji cũng gắn liền với những thay đổi trong HĐQT. Ông Đỗ Minh Phú Doji cùng em trai Đỗ Anh Tú nắm 2 vị trí cao nhất là chủ tịch và Phó chủ tịch HĐQT với tỷ lệ sở hữu áp đảo các thành viên sáng lập khác.
Sau hơn 4 tháng hợp nhất, HĐQT Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcombank) trong tuần thứ 2 của năm mới 2014 đã có quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Thiện Bảo giữ chức vụ TGĐ Pvcombank sau một thời gian nắm giữ vị trí quyền TGĐ NH này.
Thay tướng để đổi vận
Nhìn vào dàn lãnh đạo mới của PVcombank, có thể thấy, một bộ máy lãnh đạo mới đã được hình thành để thực hiện chiến lược phát triển của một ngân hàng mới sau khi tái cơ cấu hai tổ chức tài chính PVFC và Westernbank.
Trong trường hợp HDBank - DaiABank hay Vietnam Construction Bank, giới đầu tư cũng khá kỳ vọng vào các ông chủ mới, dàn lãnh đạo mới, ít nhất là nhờ vào mục đích tái cơ cấu các NH vốn hoạt động chưa thực sự tốt trước đó.
Với TienPhongBank (nay là TPBank), cùng với những sự thay đổi về sở hữu và lãnh đạo, NH này cuối 2013 đã được Thủ tường ghi nhận về thành tích xuất sắc trong công tác tái cơ cấu, thay vì tình trạng "phải xử lý" trước đó. Đơn vị này được coi là điển hình trong hoạt động tự tái cơ cấu, vượt qua khó khăn để ổn định phát triển. Chỉ sau khoảng một năm rưỡi, NH đã giảm tỷ lệ nợ xấu hơn 4 điểm phần trăm nợ xấu, xuống ngưỡng an toàn. Tài sản, tín dụng, huy động đều tăng gấp đôi... Thành tích của các nhân lãnh đạo NH cũng được chính phủ ghi nhận.
Những quyết định thay đổi lãnh đạo còn diễn ra ở nhiều NH khác và cũng đang ghi nhận rất nhiều biến động mạnh trong hoạt động.
Tháng 9/2013, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) cũng thay đổi một loạt nhân sự cấp cao. Ông Đặng Khắc Vỹ đảm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT thay ông Hàn Ngọc Vũ sau 5 năm ở vị trí này; ông Vũ trở lại trực tiếp điều hành trực tiếp NH thay cho bà Đàm Bích Thủy đã từ nhiệm và chuyển công tác mới. Cũng với quyết nghị kể trên, VIB đã bổ nhiệm ông Đặng Văn Sơn vào vị trí phó chủ tịch HĐQT.
Với VIB, ông Vỹ trước khi trở thành chủ tịch đã là thành viên HĐQT và có 17 năm song hành cùng NH này. Và trên thực tế, vị lãnh đạo này là người đồng hành cùng với sự phát triển của VIB từ những ngày đầu thành lập. Quyết định trở thành chủ tịch cùng với hàng loạt các thay đổi trong ban lãnh đạo có lẽ nằm trong chiến lược phát triển mới của DN, sau một giai đoạn khá khó khăn vừa qua.
Những tín hiệu tái cấu trúc của khối các NH thương mại thông qua một trong những biện pháp muôn thuở là "trảm tướng", thay tướng, nhiều khi là cả dàn lãnh đạo được thay thế... đang được kỳ vọng sẽ đem lại một bức tranh tươi sáng hơn cho khối NH, và qua đó là cho nền kinh tế.
Thực tế cho thấy, nhiều NH sau tái cấu trúc, dưới sự lèo lái của một ban lãnh đạo mới đang có nhiều giải pháp đa dạng nằm kích cầu nền kinh tế. Tuy vậy, tình trạng nợ xấu, tình trạng lũng đoạn NH, sở hữu chéo lằng ngoằng... vẫn còn là các vấn đề chưa được giải quyết thấu đáo. Nhưng dẫu sao, nỗ lực tái cấu trúc gắn liền với hàng loạt các quyết định thay thế những người lãnh đạo cũng đã mang đến nhiều điểm sáng tích cực cho khối này.
Hoạt động tái cấu trúc NH trong đó có việc thay thế lãnh đạo được dự báo tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong 2014 bởi gần đây NHNN gần đây cũng đã xác định thêm các tổ chức tín dụng yếu kém đưa vào danh sách tái cấu trúc.
Theo Mạnh Hà