Thời ngân hàng thay tướng, giảm quân

Sức ép từ các cổ đông nhằm tái cơ cấu, tìm kiếm lợi nhuận trong bối cảnh kinh doanh thời khó khăn đã buộc nhiều ngân hàng thay đổi lãnh đạo và sa thải nhân viên.

Thời ngân hàng lương cao, ồ ạt tuyển người đã qua. Ảnh: Ngọc Châu.
Thời ngân hàng lương cao, ồ ạt tuyển người đã qua. Ảnh: Ngọc Châu.

 

Dồn dập thay tổng giám đốc

 

Mới đây, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) thông báo, sau gần 2 năm nắm quyền điều hành cao nhất, vị CEO ngoại Simon Morris đã chính thức rời chiếc ghế nóng với lý do cá nhân. Việc Techcombank thay tướng được nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá là bình thường trong bối cảnh nhiều ngân hàng đã thực hiện việc thay đổi lãnh đạo cấp cao nhằm tìm kiếm hướng đi mới.

 

Trước sức ép tái cơ cấu, nhiều “tiểu gia” khác cũng quyết định thay tướng giữa dòng, thậm chí một số ngân hàng nhỏ còn mạnh tay “thay máu” toàn bộ ban lãnh đạo. Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (được đổi tên từ TrustBank) đã thay đổi toàn bộ HĐQT. Tân Chủ tịch HĐQT của nhà băng này, ông Phạm Công Danh kiêm Tổng GĐ của Tập đoàn Thiên Thanh, cổ đông nắm quyền chi phối gần 10%.

 

Còn DaiA Bank sau đại hội cổ đông thông qua phương pháp sáp nhập với HDBank, người được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT thay cho ông Quách Văn Đức là ông Chu Việt Cường, đại diện cổ đông Cty Cổ phần Sovico. Ghế nóng của nguyên Tổng GĐ Lê Huy Dũng được trao cho ông Nguyễn Minh Đức, đại diện của HDBank.

 

Lần lượt tới Navibank quyết định bổ nhiệm ông Đặng Quang Minh làm tổng giám đốc thay cho vị CEO từng 9 năm giữ ghế nóng của ngân hàng này, ông Lê Quang Trí. Tại đại hội cổ đông vừa qua, Ngân hàng Phát triển Mekong (MDB) thực hiện chuyển giao chức vụ Chủ tịch HĐQT của bà Trần Thị Thanh Thanh cho lãnh đạo mới là ông Nguyên Mạnh Quân.

 

Dù ít được nhắc, Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) mới đây thay đổi nhân sự cao cấp bằng việc bổ nhiệm tổng giám đốc mới. Nam Á Bank cũng vừa có tân tổng giám đốc.

 

Trao đổi với PV, CEO của một ngân hàng có thế mạnh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cho biết, sức ép đối với lãnh đạo ngân hàng thời gian qua rất lớn. Việc các ngân hàng thay tướng được dự báo sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.

 

Đồng loạt cắt lương, giảm quân

 

Báo cáo tài chính quý II và 6 tháng đầu năm 2013 nhiều ngân hàng cho thấy, bên cạnh việc kinh doanh không mấy khả quan, nhiều đơn vị đã mạnh tay thanh lọc, cắt giảm nhân sự ở nhiều vị trí khác nhau. Dù lý giải thanh lọc là với nhân viên không đạt chất lượng, nhưng nhiều lãnh đạo ngân hàng thừa nhận nhằm tiết giảm chi phí.

Nợ xấu không được giải quyết tận gốc, tín dụng không đẩy ra được, lợi nhuận không đạt được như kế hoạch, việc giảm lương, thưởng sẽ còn tiếp diễn - Chuyên gia ngân hàng-TS

Nguyễn Trí Hiếu

Tại ngân hàng ACB, toàn hệ thống đã chính thức kết thúc hợp đồng với 568 người trong 6 tháng qua. Trong đó, riêng đại bản doanh của ngân hàng này đã nói lời chia tay 550 nhân viên ở nhiều bộ phận.

 

Cùng với giảm lao động, lương và phụ cấp, ngân hàng cũng giảm 272,8 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Tính bình quân, lương và phụ cấp của nhân viên ACB trong 6 tháng qua đạt 64,4 triệu đồng/người, tương đương 10,73 triệu đồng/người/tháng, tức là giảm tới 5 triệu đồng (khoảng 26%) so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Cũng thực hiện cắt giảm nhân sự “khủng” là VietinBank với 79 người quý I và 110 người trong quý II. Thông tin từ ngân hàng BIDV, 4 tháng đầu năm 2013 đã giảm 285 nhân viên. Ngân hàng Eximbank thông tin đã giảm 29 vị trí trong quý I và giảm thêm 36 người trong quý II. Cùng với đó, quỹ lương và phụ cấp dành cho nhân viên giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước, xuống gần 319 tỷ đồng. Tính bình quân đầu người, mỗi nhân viên Eximbank có thể nhận 9 triệu đồng tiền lương/tháng, giảm 1 triệu đồng so với cùng kỳ.

 

Được xếp đầu tiên trong danh sách những ngân hàng có mức thu nhập bình quân cao nhất trong ngành với 20 triệu đồng/tháng, Ngân hàng Quân đội (MBBank) đã cắt giảm gần hết nhân sự trong tổng số 225 người mà ngân hàng này đã tuyển dụng trong quý I.

 

Không công bố cụ thể số lao động giảm, MaritimeBank tại đại hội cổ đông mới đây cho biết, trong năm 2013, ngân hàng dự kiến sẽ giảm nhẹ quỹ lương so với 2012, xuống còn 731 tỷ đồng. Tổng số lao động được dự báo sẽ cắt giảm thêm 679 người, tương ứng giảm 13,9%.

 

Thành viên HĐQT một ngân hàng TMCP có trụ sở ở phía Nam cho biết, không thực hiện thay lãnh đạo cấp cao thời gian qua, nhưng đề ra những chỉ tiêu rất cao với ban điều hành. “Lương của các vị trí chủ chốt trong ban lãnh đạo giờ chỉ còn khoảng 10.000 USD/tháng. Nếu vượt qua các chỉ tiêu đề ra hằng tháng, hằng quý, ban lãnh đạo sẽ được thưởng hoặc bổ sung những khoản “bồi dưỡng” tương ứng. Tuy nhiên, tình hình đang rất khó khăn”, vị này tiết lộ.

 

Theo Phạm Tuyên

Tiền Phong