1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Thời điểm tăng giá các mặt hàng được tính toán kỹ”

(Dân trí) - CPI đã tăng gần 1/2 chỉ tiêu kiềm chế lạm phát cả năm, chưa kể tới tác động từ việc xăng tăng thêm 590 đồng/lít, điện dự kiến thêm 6,8% kể từ ngày 1/3… Đại diện Cục Quản lý giá khẳng định, thời điểm tăng giá các mặt hàng đã được tính toán kỹ lưỡng.

“Thời điểm tăng giá các mặt hàng được tính toán kỹ” - 1
Tiêu dùng trong dịp Tết đã đẩy CPI tăng mạnh (ảnh: Hoài Lương).
 
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của cả nước đã tăng tới 1,96% so với tháng trước. So với tháng 12/2009, CPI cả nước tăng 3,35%.
 
Nhu cầu tiêu dùng tháng Tết tăng cao đột biến, chủ yếu là nhu cầu lương thực, thực phẩm, mua sắm hàng hóa gia đình, nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại tăng mạnh là nguyên nhân đẩy chỉ số giá tiêu dùng lên cao.
 
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 3 có nhiều yếu tố để tiếp tục tăng mạnh. Yếu tố đầu tiên phải kể đến là giá xăng được các doanh nghiệp đầu mối điều chỉnh tăng thêm 590 đồng/lít kể từ ngày 21/2. Yếu tố thứ hai là giá thóc gạo đang có xu hướng tăng, trước việc các doanh nghiệp ở phía Nam tích cực thu mua lúa gạo để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết. Và điểm đặc biệt, theo dự kiến, giá điện tăng thêm khoảng 6,8% kể từ 1/3 tới cũng sẽ là yếu tố khiến giá cả nhiều mặt hàng tăng.
 
Với các yếu tố này, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 dự kiến tăng cao từ 0,7 - 0,8%; trong khi 5 năm lại đây, CPI tháng 3 thường là không tăng hoặc tăng rất thấp.
 
Nói về những tác động tăng giá các mặt hàng tính chỉ số giá cả hàng tháng, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Giá xăng tăng 590 đồng/lít sẽ làm CPI tăng 0,01%. Nếu tính đầy đủ giá điện tăng 6,8% thì tác động trực tiếp vòng một tới CPI là 0,16%, vòng 2 sẽ có tác động gấp đôi, tức là khoảng 0,3%. Với mức giá điện tăng 0,68% thì tác động đến giá thành các ngành sử dụng nhiều điện khoảng từ 0,09% - 2,28%.
 
“Tuy nhiên, không phải cứ chi phí đầu vào tăng là giá thành sản phẩm và giá bán hàng hoá dịch vụ tăng. Giá hàng còn phụ thuộc vào sức mua, phụ thuộc vào thị trường và mặt bằng giá chung, phụ thuộc vào các biện pháp kiểm soát, quản lý giá cả, quản lý thị trường của Nhà nước.
 
Giá thành sản phẩm còn phụ thuộc vào khả năng quản lý, tiết giảm chi phí của doanh nghiệp để giảm giá thành sản phẩm và không hẳn, cứ chi phí đầu vào tăng là làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hoá, của doanh nghiệp”, ông Thỏa nhấn mạnh.
 
Khẳng định thời điểm điều chỉnh các mặt hàng là hợp lý, ông Thỏa nói: “Những điều chỉnh đó đã được Chính phủ cân nhắc, các cơ quan chức năng tính toán kỹ. Tháng 1, tháng 2 do là những tháng đầu năm và do có tết nguyên đán, nên các doanh nghiệp chưa sản xuất mạnh và chưa thực sự bắt đầu chu kỳ sản xuất mới. Tiến độ sản xuất sẽ tăng trở lại từ tháng 3.
 
Với quyết định thực hiện tăng giá điện từ tháng 3 và thông tin được đưa ra sớm, sẽ giúp các doanh nghiệp hoạch định chiến lược kinh doanh cả năm, sớm tính toán được chi phí đầu vào để chủ động có các biện pháp quản lý, tiết giảm chi phí hợp lý cũng như có chiến lược tăng sức cạnh tranh của sản phẩm của doanh nghiệp.
 
Nếu thời điểm tăng giá chậm lại, sẽ khiến các doanh nghiệp bị động, làm xáo trộn mọi phương án, mọi tính toán của họ. Khi các Bộ trình phương án tăng giá đều đã tính toán các yếu tố đầu vào sẽ là bao nhiêu, tác động đến giá cả đến lạm phát thế nào”.
 
Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm