Thời cơ để giảm lãi suất

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã chậm lại, lãi suất huy động cũng giảm mạnh nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao khiến nhiều doanh nghiệp (DN) đuối dần.

Trong khi đó các chuyên gia cho rằng đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng các công cụ tác động để giảm dần lãi suất.
 
Thời cơ để giảm lãi suất - 1
Lãi suất quá cao như hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

 

Nhiều doanh nghiệp “mất tích”

Ông Huỳnh Công Minh (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM)

 

Với tình trạng lãi suất như hiện nay, như dự báo của chúng tôi đã đưa ra trước đó, sẽ có rất nhiều DN phải ngưng sản xuất hoặc thu hẹp quy mô sản xuất.

 

Khảo sát các DN trong hiệp hội cho thấy các DN rất khó khăn trong tiếp cận vốn, nếu vay được vốn thì lãi suất trung bình trên 23%/năm. Với mặt bằng lãi suất cao như vậy, lợi nhuận làm ra không đủ trả lại.

 

Vừa qua Chính phủ đã có chỉ đạo các ngân hàng phải giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay nhưng đến nay mức giảm chưa thấm vào đâu.

 

Tôi biết hiện có không ít DN âm thầm bán DN, thậm chí “mất tích” khỏi thương trường vì không thể cầm cự nổi mặt bằng lãi suất quá cao như hiện tại. Thống kê chưa đầy đủ của hiệp hội ước tính hiện chỉ có 60% số DN còn hoạt động.

 

Sau lạm phát có thể là giảm phát

Ông Cao Tiến Vị (chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM)

 

Hiện nhiều DN đang cầm cự trong uể oải, mệt nhọc. Rất nhiều DN nói với tôi để cầm cự được hết năm 2011 là một điều cực khó nếu tình hình lãi suất không được cải thiện. Nếu thắt chặt tín dụng quá mức, lãi suất bị đẩy lên quá cao, DN thiếu vốn đầu tư nên đình trệ sản xuất, hàng hóa làm ra khó bán... thì coi chừng hết lạm phát lại đến giảm phát. Khi đó để phục hồi nền kinh tế sẽ mất không ít thời gian.

 

Giảm nhưng vẫn còn cao

Ông Nguyễn Văn Khánh (tổng thư ký Hội Da giày TP.HCM)

 

Dù lãi suất cho vay tại các ngân hàng có giảm, còn trung bình 19,5-20%/năm, nhưng mức giảm theo tôi vẫn rất thấp trong bối cảnh tất cả mọi nguyên liệu đầu vào vẫn đang trên đà tăng giá. DN mong muốn một mức lãi suất hợp lý hơn, khoảng 15-17%/năm.

 

Còn với lãi suất hiện tại, chúng tôi rất khó duy trì hoạt động trong quý 3 này vì nếu có vay được tiền thì giá vật tư, nguyên liệu lại “nhảy” lên giá khác rồi, làm sao trở tay kịp?

 

Còn dư địa để tăng tín dụng

TS Trần Du Lịch (phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM)

 

Sáu tháng đầu năm nay dư nợ tín dụng mới tăng hơn 7%, tổng phương tiện thanh toán cũng mới đạt 2,45% trong khi mức cho phép cả năm là 16%. Tôi cho rằng nếu tháng 7 CPI giảm dưới mức 1% là điều kiện để giảm dần mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên cũng khó kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm sâu do sáu tháng đầu năm CPI đã tăng 13,2%, cả năm 2011 CPI sẽ dao động từ 17-18%.

 

Như tôi đã nói ở trên, do trong sáu tháng đầu năm mức tăng tín dụng và phương tiện thanh toán thấp nên NHNN có dư địa thực hiện kế hoạch tăng khối cung, giảm áp lực khối cầu tín dụng, để giảm lãi suất. Tuy nhiên, cũng không thể chỉ trông chờ một phía NHNN, mà bản thân các ngân hàng thương mại phải tái cấu trúc nguồn tín dụng của mình, không làm tăng nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng đang tồn tại, ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống.

 

Lãi suất sẽ giảm từ từ

TS Lê Thẩm Dương (trưởng khoa quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP.HCM)

 

Lạm phát là giá thành của lãi suất, nhưng năm 2011 dự báo lạm phát khả quan nhất là 17%, phải cố gắng lắm mới giữ được mức 17-18%. Như vậy từ nay đến cuối năm, thậm chí đầu năm sau lãi suất khó giảm xuống dưới 18%/năm. Lãi suất cho vay đã giảm nhưng tốc độ giảm còn chậm do thời gian qua ngân hàng đã huy động lãi suất cao. Tới đây nếu kinh tế thế giới không xảy ra các diễn biến bất thường, các giải pháp của NHNN ngấm dần thì lãi suất cho vay sẽ giảm thêm.

 

Bên cạnh giải pháp giảm lãi suất, Chính phủ còn thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ DN như giãn giảm thuế, nắn dòng vốn từ phi sản xuất sang sản xuất... Tuy nhiên khó kỳ vọng trong thời gian ngắn lãi suất sẽ trở về mặt bằng như trước đây. Theo tôi, trong thời điểm khó khăn như hiện nay, giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, NHNN chỉ là một phần, bản thân các DN cũng phải có giải pháp để cứu mình như tăng khả năng quản trị DN, tiết giảm chi phí...chuẩn bị để nắm bắt cơ hội khi nền kinh tế phục hồi.

 

Theo Trần Vũ Nghi – Ánh Hồng
Tuổi trẻ