Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sẽ “sống sót” cả khi căng thẳng leo thang

(Dân trí) - Bà Kelly Ann Shaw, người đại diện của Larry Kudlow tại Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ cho rằng, căng thẳng giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm.

Bình luận được đưa ra trong bối cảnh áp lực đối với bản hiệp định “non nớt” giữa hai nước ngày càng chồng chất, dự báo về “sự rút lui” của Tổng thống Trump.

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sẽ “sống sót” cả khi căng thẳng leo thang - 1
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng kí thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 tại Nhà Trắng hồi tháng 1 năm nay. Ảnh: DPA.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc có hiệu lực vào tháng 2, một tháng sau khi được ký kết tại Nhà Trắng. Những áp lực đặt lên thỏa thuận từ đó cũng không ngừng leo thang bởi các cuộc công kích với tần suất ngày càng nhiều hướng đến nội dung, tính khả thi và những mong muốn của cả Bắc Kinh và Washington.

Kelly Ann Shaw, một trong số những nhà đàm phán chính của thỏa thuận đã rời khỏi vị trí Phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời Larry Kudlow vào tháng 11. Kể từ đó, mối quan hệ giữa hai siêu cường ngày càng trở nên gay gắt. 

Trong một cuộc phỏng vấn được ghi lại và phát sóng bởi Fox News vào hôm 14/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa “cắt đứt” sợi dây liên hệ với Trung Quốc. Ông Trump cho biết, từng có mối quan hệ rất tốt với người đồng cấp Tập Cận Bình, nhưng “ngay lúc này tôi không muốn nói chuyện với ông ta.”

Ông nói thêm “Họ không nên để đại dịch xảy ra. Nếu vậy, cả 2 bên sẽ có một thỏa thuận thương mại tuyệt vời. Tôi rất thất vọng về Trung Quốc.”

Sự bất mãn với thỏa thuận đã gia tăng trong những tuần gần đây, đáp trả lại những lời nói chống đối Trung Quốc từ phía Washington, nơi các chính trị gia từ cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đang thúc ép Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho sự bùng phát ban đầu của dịch bệnh.

Trong khi Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh việc mua các sản phẩm của Mỹ, bao gồm đậu nành, thịt lợn, lúa mì, lúa mạch và ngô, các nhà kinh tế ước tính rằng mức mua này sẽ phải tăng gấp đôi để có thể đạt được mục tiêu nhập khẩu lên đến 200 tỷ USD vào năm 2021. Chỉ riêng với nông nghiệp, Trung Quốc dự kiến ​​sẽ mua thêm 12,5 tỷ USD các sản phẩm của Mỹ so với năm 2017. Điều này là thách thức vô cùng lớn với Trung Quốc do sự gián đoạn chuỗi cung ứng bởi dịch Covid-19.

Mặc dù căng thẳng Mỹ - Trung đang tồi tệ hơn bao giờ hết, bà Shaw vẫn lạc quan về tương lai của thỏa thuận và tin rằng nó sẽ không đi đến bờ vực sụp đổ. 

Bà Shaw trước đây từng là cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump về các chính sách thương mại và kinh tế trong chiến tranh thương mại. Đồng thời, bà cũng là nhà đàm phán hàng đầu của Mỹ tại các hội nghị thượng đỉnh G7 và G20.

“Tôi đã làm việc với vai trò của một nhà đàm phán thương mại trong 1 thập kỉ. Và với hầu hết mọi tình huống tôi có thể nghĩ đến, thỏa thuận vẫn sẽ được thực thi ở một mức độ thực tế nào đó và bản thân nó cũng sẽ có một điều khoản bất khả kháng.”

Cũng theo bà, “nếu cả hai bên đều nỗ lực hết sức để tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận, thì vẫn sẽ còn cả một chặng đường dài phía trước. Tuy nhiên, nó sẽ tùy thuộc vào những quyết định đến từ Tổng thống Trump.”

Mặc dù vậy, bà không đồng tình với quan điểm hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tách rời và cũng không tin có sự ủng hộ cho việc này đang lan rộng ở Nhà Trắng.

Hương Vũ

Theo SCMP