Thọ Phát và hồ sơ "ông hoàng bánh bao" khuynh đảo thị trường TPHCM

Kim Ngọc

(Dân trí) - Hãng bánh bao 36 năm tuổi có trên 4.000 điểm bán với công suất sản xuất mỗi năm lên tới 10.000 tấn sản phẩm. "Ông hoàng" ngành bánh bao này có hồ sơ ra sao?

Tập đoàn Kido, tên gọi cũ là Kinh Đô, gắn liền với các thương hiệu một thời về bánh kẹo, bánh Trung thu, vừa thông qua chủ trương đầu tư để nắm quyền chi phối công ty sở hữu thương hiệu bánh bao Thọ Phát.

Theo kế hoạch, giai đoạn 1, Kido sở hữu 25% vốn công ty trên. Giai đoạn 2, tập đoàn này sẽ gia tăng tỷ lệ lên 51-70%. Phía Kido cho biết việc đầu tư nắm quyền chi phối thương hiệu Thọ Phát nằm trong chiến lược mở rộng danh mục thực phẩm. Thông qua đó, đơn vị này đặt kế hoạch doanh thu cho Thọ Phát cùng với mảng bánh của mình dự kiến sẽ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận 200 tỷ đồng trong năm nay.

Thương hiệu 36 năm với chiến lược phủ khắp hang cùng ngõ hẻm

Ở TPHCM, dù đi trên bất kỳ tuyến phố, con hẻm nào hay vào bất kỳ siêu thị nào dù lớn dù nhỏ, bạn đều có thể nhìn thấy các loại bánh bao mang thương hiệu Thọ Phát.

Không chỉ làm một loại bánh bao đơn thuần, thương hiệu này còn có đầy đủ các loại bánh chay, không nhân, mặn, ngọt, tạo hình. Ngoài bánh bao, thương hiệu còn có 49 sản phẩm đa dạng khác như há cảo, bánh nướng, hamburger, bánh giò, xôi, bánh chiên....

Với bề dày hơn 3 thập kỷ (1987 đến nay), "ông hoàng" bánh bao trên được giới thiệu là có hơn 1.000 điểm bán lẻ tại TPHCM và khoảng 4.000 điểm bán lẻ khắp cả nước. Công ty còn được giới thiệu là có một nhà máy sản xuất diện tích hơn 22.000m2 với vốn đầu tư 100 tỷ đồng, cho ra đời 10.000 tấn sản phẩm mỗi năm.

Người sáng lập ra thương hiệu này từ những ngày đầu là ông Vũ Phước Thọ, sinh năm 1962. Vào năm 1987, ông Thọ cho ra đời lò bánh bao đầu tiên có tên bán bao Ông Thọ, trong một căn nhà nhỏ, chuyên gia công bánh bao theo phương pháp thủ công. Khi đó, ông tập trung vào thị trường bán sỉ, bỏ mối và chỉ có 6 khách hàng. Một chiếc xe máy cũ kỹ là phương tiện chính làm nhiệm vụ chở bánh đi khắp nơi. 

Thọ Phát và hồ sơ ông hoàng bánh bao khuynh đảo thị trường TPHCM - 1

Hình ảnh ông chủ Thọ Phát được chụp năm 1987 (Ảnh tư liệu từ website doanh nghiệp).

Mãi đến năm 1995, chiếc bánh bao nhân trứng muối đầu tiên được hãng giới thiệu tới tay người tiêu dùng. Số lượng khách hàng đông hơn, hãng bắt buộc mở rộng quy mô, mở cửa hàng trực tiếp để bán tại quận 5, TPHCM. 

Thương hiệu này hướng đến chiến lược bán lẻ và mở rộng quy mô, độ nhận diện thương hiệu bằng chiến lược cho mượn tủ hấp bánh miễn phí. Tức với mỗi điểm bán, hãng sẽ tài trợ luôn tủ hấp cho các đại lý. Chủ đại lý không phải đầu tư tiền mua tủ. Ngoài ra, các đại lý còn được hỗ trợ quảng bá, miễn phí giao hàng. Với mô hình kinh doanh này, đại lý bán lẻ không cần vốn đầu tư hay kinh nghiệm làm bánh mà vẫn có sản phẩm kinh doanh có thương hiệu để bán, rủi ro thấp mà lợi nhuận có thật.

Điều này thực sự trở thành một hiện tượng vào năm 2000, cũng như thúc đẩy được sự hiện diện của thương hiệu bánh bao kể trên ở mọi hang cùng ngõ hẻm ở thành phố hoa lệ. Từ con số 0, sau 8 năm, thương hiệu bánh bao này đã có hơn 1.000 điểm bán lẻ tại TPHCM.

Ngoài mở rộng các điểm bán, thương hiệu còn len lỏi vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi như WinMart, Circle K, Family Mart, Bách Hóa Xanh, tự xây dựng chuỗi cửa hàng tiện lợi, cung cấp các sản phẩm độc quyền thương hiệu mình... Theo cập nhật, chuỗi có 36 cửa hàng tại TPHCM và các tỉnh lân cận, có áp dụng mô hình nhượng quyền. 

Không chỉ phủ khắp các tỉnh thành ở Việt Nam, bánh bao Thọ Phát còn vươn ra Campuchia, Mỹ.

Giấc mơ của Kido với bánh bao vì mức sinh lời 40-50% 

Sau khi bán mảng bánh kẹo gắn liền với thương hiệu bánh Trung thu Kinh Đô lừng lẫy một thời, từ năm 2016, Tập đoàn Kido đã tập trung vào các sản phẩm dầu ăn, kem và không ngại tiết lộ tham vọng lấn sân vào mảng kinh doanh bánh bao.

Vào thời điểm đó, lãnh đạo công ty từng nhận định bánh bao là mảng kinh doanh khá tiềm năng khi có mức sinh lời khoảng 40-50% trên tổng doanh thu. Dù chỉ mới kinh doanh từ năm 2015 nhưng tới nửa cuối năm 2016 mảng này đã đem lại lợi nhuận.

Vào thời điểm đó, tập đoàn đã bán khoảng 160.000 chiếc bánh bao ra thị trường và tự khẳng định "cung không đủ cầu". Công ty đặt mục tiêu mỗi ngày bán ra 600.000 chiếc bánh bao, bán tại 60.000 tủ kem trên cả nước của Kido.

Thọ Phát và hồ sơ ông hoàng bánh bao khuynh đảo thị trường TPHCM - 2

Bánh bao Thọ Phát với độ phủ khắp hang cùng ngõ hẻm TPHCM (Ảnh: TP).

Hệ thống phân phối rộng khắp chính là ưu điểm để doanh nghiệp này tự tin vào kế hoạch mở rộng sản phẩm. Bánh bao của hãng được cấp đông, có thể được bán tại các điểm bán hàng cũng như phân phối trong các siêu thị. Điều này khá trùng hợp với cách thức mà Thọ Phát đang làm.

Tính đến nay, Kido đã có 120.000 điểm bán nhưng chiến lược bán bánh bao có vẻ chưa thực sự rõ nét. Tập đoàn đang tập trung mũi nhọn vào các sản phẩm bánh tươi. Kido cũng có nhà máy sản xuất các loại bánh... Tổng công suất cung cấp ra thị trường khoảng 15.000 tấn bánh bao, bánh hấp một năm.

Có vẻ như Kido có sẵn tiềm lực để mở rộng mảng bánh bao, nhưng thiếu sự đa dạng sản phẩm như Thọ Phát và giá trị thương hiệu của hãng này. Vì vậy, cái bắt tay giữa tập đoàn này và thương hiệu bánh bao hơn 3 thập kỷ được kỳ vọng mở ra sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của các sản phẩm bánh bao trong thời gian tới. Tuy nhiên, thương vụ có thành công hay không thì lại phải chờ thời gian trả lời.