1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thịt lợn ế ẩm dịp Tết: Dấu hiệu báo động của kinh tế Trung Quốc

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Sự ảm đạm ở thị trường thịt lợn tại Trung Quốc là dấu hiệu rõ nét nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang bị tổn thương.

Nhiều tháng qua, thị trường thịt lợn tại Trung Quốc ảm đạm do nhu cầu thấp, nhưng điều đáng nói là tình trạng này tiếp tục kéo dài khi Tết Nguyên đán đã cận kề...

Theo truyền thống của các gia đình Trung Quốc, thịt lợn là thực phẩm không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán. Loại thịt này tượng trưng cho sự thịnh vượng, đủ đầy và được dùng trong vô số món ăn.

Tại khu chợ Xinmin ở Bắc Kinh, dù đã được giảm giá khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lượng thịt lợn bán ra chỉ bằng 70%.

"Năm nay rất khó tăng giá bán dù đã cận kề Tết Nguyên đán", bà Wu, người đã bán thịt lợn tại chợ Xinmin 20 năm, chia sẻ với Bloomberg.

Ông Gong Cheng, chủ một sạp thịt lợn, cũng đang lo lắng. Ông nói trước đây, mỗi hộ gia đình thường chi khoảng 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,4 triệu đồng) để mua thịt lợn và làm xúc xích vào dịp Tết. Năm nay, họ chỉ chi 300 nhân dân tệ (khoảng 1 triệu đồng) hoặc thậm chí không chi đồng nào cho loại thực phẩm này.

Nhiều cơ sở chăn nuôi lợn cũng rơi vào cảnh khốn đốn. "Đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp chăn nuôi tôi chứng kiến thua lỗ lớn như vậy", ông Dan Lu, một chuyên gia về chăn nuôi lợn ở miền Nam Trung Quốc, chia sẻ. Cứ 10 hộ chăn nuôi nhỏ trong khu vực mà ông phụ trách thì có một hộ phải đóng cửa trang trại.

Cơ sở chăn nuôi lợn Fujian Aonong Biological Technology Group tuần trước cho biết có thể sẽ hủy niêm yết trên sàn chứng khoán trong vài năm tới do liên tiếp thua lỗ vì giá lợn thấp. Một số công ty chăn nuôi lợn khác, hoặc bị thâu tóm hoặc phải bán tài sản để huy động tiền.

Thịt lợn ế ẩm dịp Tết: Dấu hiệu báo động của kinh tế Trung Quốc - 1

Người dân mua thịt lợn tại một chợ ở Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: Bloomberg).

Nhiều tháng qua, thị trường thịt lợn tại Trung Quốc ảm đạm do nhu cầu thấp. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài khi thị trường bước vào mùa cao điểm.

Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ thịt lợn còn yếu nhưng nguồn cung lại dư thừa tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bên cạnh đó, mức lương giảm cũng khiến các hộ gia đình phải thắt chặt chi tiêu.

"Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn không tăng lên cùng với nguồn cung kể từ sau đại dịch Covid-19, dù số lượng người đi ăn hàng đã tăng trở lại", ông Duncan Wrigley, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại công ty tư vấn Pantheon Macroeconomics (Anh), nhận định.

Trung Quốc hiện chiếm gần 50% tổng lượng tiêu thụ và sản xuất thịt lợn toàn cầu. Mỗi năm, người dân nước này tiêu thụ lượng thịt lợn nhiều gấp hơn 5 lần so với ở Mỹ.

Trong năm ngoái, lượng tiêu thụ thực phẩm này tại đất nước tỷ dân đã giảm 1 triệu tấn, xuống còn gần 54 triệu tấn. Trái lại, sản lượng thịt lợn năm 2023 của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất 9 năm qua.

Từ thị trường thịt lợn, có thể nhìn thấy bức tranh giảm phát đáng lo ngại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Thực phẩm chiếm khoảng 20% chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc, trong đó thịt lợn chiếm tỷ trọng đáng kể. Trong tháng 12 năm ngoái, CPI của Trung Quốc giảm tháng thứ ba liên tiếp và xu hướng này được dự báo sẽ kéo dài sang năm nay.

Ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng ANZ, nhận định việc xử lý tình trạng giảm phát nên được coi là một ưu tiên cao hơn so với việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế dự kiến được Chính phủ Trung Quốc đưa ra ở mức khoảng 5% trong năm nay.

"Các công ty phải cắt giảm giá bán sản phẩm khiến lương công nhân viên theo đó cũng bị giảm. Điều này do người tiêu dùng không mua hàng. Đó là một vòng lặp nguy hiểm", ông Yeung nhận định.

Theo Bloomberg, Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm