Thiếu tiền, Mỹ cho tư nhân thuê hạ tầng giao thông

(Dân trí) - Do tình trạng thâm hụt ngân sách, chính phủ và người dân Mỹ đang phải gạt bỏ thái độ dè chừng, để cân nhắc khả năng cho các tổ chức tài chính tư nhân nhảy vào quản lý hạ tầng giao thông, như đường sá, cầu phà và thậm chí là cả sân bay.

Trước lời cảnh báo của các chính trị gia Mỹ, như thống đốc Arnold Schwarzenegger của tiểu bang California, về nguy cơ xuống cấp của cơ sở hạ tầng quốc gia, người dân Mỹ có thể sẽ giảm dần thái độ phản đối việc giao các công trình công cộng cho tư nhân quản lý và kinh doanh.

 

Ông Norman Y. Mineta, cựu Bộ trưởng Giao thông Mỹ, cho biết tình trạng thâm hụt ngân sách đang thúc đẩy các nhà cầm quyền đi đến quyết định bắt tay với tư nhân trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Mới đây, ông Mineta  đã được tập đoàn tài chính Credit Suisse của Thuỵ Sĩ thuê làm cố vấn cao cấp trong các dự án đầu tư loại này.

 

Thiếu tiền, Mỹ cho tư nhân thuê hạ tầng giao thông  - 1
Mùa thu năm nay, nhiều khả năng sân bay Midway ở Chicago sẽ trở thành sân bay lớn đầu tiên của Mỹ được chuyển giao vào tay các nhà đầu tư tư nhân. Hợp đồng này dự kiến đem về cho ngân sách hơn 2 tỷ USD.

 

Hồi cuối tháng 8, chính quyền tiểu bang Florida cũng đã bật đèn xanh cho 6 tập đoàn, trong đó có JPMorgan, Lehman Brothers và Carlyle Group, bỏ thầu giành quyền thuê Xa lộ Alligator trong 50-75 năm, tuyến đường thu phí có chiều dài hơn 125km dẫn tới Nam Florida.

 

Mãi cho tới gần đây, người Mỹ vẫn giữ thái độ thận trọng đối với những nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, vì sợ những con đường và cây cầu vốn là niềm tự hào của họ bị tư nhân hoặc nước ngoài kiểm soát và thôn tính. Đa số người dân Mỹ không muốn bất cứ ai ngoài chính phủ sở hữu các công trình loại này.

 

Ngược lại với Mỹ, nhiều công trình giao thông công cộng ở Anh, trong đó có sân bay và đường sắt, đã được tư hữu hoá.

 

Ấn tượng rằng các nhà đầu tư sẽ thu phí cao sau khi nắm quyền quản lý cầu phà, đường sá, như trường hợp Pennsylvania Turnpike, đã tạo thái độ lo lắng và phản ứng của người dân Mỹ - những người phải trả thuế để xây dựng công trình công cộng.

 

Thêm vào đó, các chính trị gia Mỹ lâu nay vẫn thường ủng hộ quan điểm này của người dân. Đầu năm 2007, ông James L. Oberstar, đến từ tiểu bang Minnesota, Chủ tịch Uỷ ban Giao thông và Cơ sở hạ tầng của quốc hội Mỹ, đã cảnh báo rằng uỷ ban này sẽ làm mọi cách để vô hiệu hoá bất cứ thoả thuận hợp tác nhà nước-tư nhân nào đi ngược lại việc bảo vệ quyền lợi công cộng.

 

Các nghiệp đoàn lao động cũng cùng chung quan điểm cho rằng tư nhân sẽ chỉ tranh thủ trục lợi từ các công trình công cộng.

 

Tuy nhiên, trong một thế giới mà các chính phủ coi cơ sở hạ tầng như một cách để quản lý sự tăng trưởng và gia tăng hiệu suất kinh tế thông qua sự lưu thông hiệu quả của hàng hoá và con người, thì một nền kinh tế bên bờ vực sẽ khiến các chính trị gia thay đổi quan điểm.

 

Thiếu tiền, Mỹ cho tư nhân thuê hạ tầng giao thông  - 2
Chicago là thành phố đi đầu trong chiến lược cho tư nhân quản lý và bảo trì các công trình hạ tầng giao thông. Ngoài sân bay Midway chuẩn bị giao cho tư nhân quản lý, chính quyền thành phố đã cho các công ty ở Tây Ban Nha và Úc quản lý đường hàng không Chicago

 

Thông thường, chính phủ liên bang Mỹ giữ vai trò chính trong việc phát triển “xương sống” giao thông quốc gia. Tổng thống Thomas Jefferson đã chỉ đạo và giám sát việc xây dựng các kênh đào và đường sá lớn của Mỹ vào những năm 1800. Tổng thống Theodore Roosevelt mở rộng hệ thống nhà máy phát điện vào đầu những năm 1900. Và vào thập niên 50 của thế kỷ trước, Dwight Eisenhower giám sát việc xây dựng hệ thống đường cao tốc nối giữa các bang của nước Mỹ.

 

Tuy nhiên, từ đầu thập niên 90 đến nay, Mỹ không có dự án xây dựng hạ tầng giao thông lớn nào, và trách nhiệm quản lý và điều hành hệ thống cơ sở hạ tầng được phó mặc cho các tiểu bang, chính quyền thành phố. Kết quả là đa số các công trình bị bỏ bê - cầu đường xuống cấp, an ninh năng lượng bị đe doạ và những lo ngại về vấn đề môi trường.

 

Hội kỹ sư xây dựng Mỹ (ASCE) ước tính nước Mỹ cần đầu tư tối thiểu 1,6 nghìn tỷ USD trong vòng 5 năm tới để bảo trì và mở rộng cơ sở hạ tầng. Năm ngoái, Cơ quan quản lý đường cao tốc liên bang (FHA) đã tiến hành khảo sát và cho biết 72.000 cây cầu, tương đương hơn 12% tổng số cầu trên toàn nước Mỹ, đã xuống cấp. Trong khi đó, chính phủ lại thiếu ngân sách cần thiết để sửa chữa nâng cấp cầu đường. Tính đến cuối năm nay, dự kiến Quỹ duy tu đường cao tốc Mỹ (Highway Trust Fund) sẽ thâm hụt nhiều tỷ USD.

 

Thị trưởng thành phố New York, ông Michael R. Bloomberg, đã phát biểu trước quốc hội rằng nước Mỹ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng cơ sở hạ tầng, đe doạ đến hình ảnh cường quốc kinh tế của đất nước, và đe doạ sức khoẻ, tính mạng của người dân.

 

Hồi tháng 1/2008, ông cùng với thống đống Schwarzenegger của tiểu bang California và thống đốc Edward G. Rendell của tiểu bang Pennsylvania thành lập một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động với mục đích nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.

 

Thiếu tiền, Mỹ cho tư nhân thuê hạ tầng giao thông  - 3
Tuyến đường Indiana Toll Road đã được chuyển giao cho tư nhân quản lý và bảo trì từ năm 2006. Thời hạn hợp đồng kéo dài 75 năm, trị giá 3,8 tỷ USD

 

Công việc làm vệ sinh và bảo trì đường sá có thể không phải là một danh mục đầu tư hấp dẫn, nhưng có vẻ như những ngân hàng và tổ chức tài chính sẵn tiền đang nghĩ khác. Từ khi cuộc khủng hoảng tín dụng xảy ra tại Mỹ, hàng loạt ngân hàng và tập đoàn tài chính, như Kohlberg Kravis Roberts, Carlyle Group, Goldman Sachs, Morgan Stanley và Credit Suisse, bị cuốn vào những hình thức đầu tư khá mới mẻ và lạ lẫm, trong đó có các dự án liên quan đến lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại Mỹ và nước ngoài.

 

Một số tổ chức tài chính nước ngoài sớm mạo hiểm đã bắt đầu hái “quả ngọt” từ lĩnh vực đầu tư vốn được coi là “khó nhằn” này. Quỹ lương hưu thành phố Ontario (Canađa) đã thu về 12,4% trên tổng số tiền đầu tư 5 tỷ USD cho một dự án hạ tầng giao thông.

 

“10 đến 20 năm nữa, cơ sở hạ tầng có thể trở thành hạng mục đầu tư hấp dẫn và lợi nhuận hơn cả bất động sản,” ông Mark Weisdorf, phụ trách lĩnh vực đầu tư hạ tầng của JPMorgan nói.

 

Tuy nhiên, với nhiều chính trị gia Mỹ, ủng hộ tư hữu hoá hạ tầng cơ sở công cộng là một quyết định khó khăn và đôi khi phải trả giá bằng sự nghiệp. Ông Mitch Daniels, thống đốc tiểu bang Indiana đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội của người dân khi quyết định cho tư nhân quản lý đường Indiana trong 75 năm để thu về cho bang 3,8 tỷ USD vào năm 2006.

 

Đặng Lê

Theo NYT