Thiếu khung pháp lý, gas lậu hoành hành

(Dân trí) - Báo chí đã nêu quá nhiều phức tạp của thị trường gas khi gas lậu hoành hành và hậu quả là người tiêu dùng lãnh đủ. Vấn đề đặt ra là kinh doanh gas hiện rất cần khung pháp lý chặt chẽ cộng với chế tài xử phạt nghiêm khắc.

Vỏ bình gas không ai quản lý

Theo một chuyên gia trong ngành gas, 2 “điều kiện” cơ bản để các cơ sở kinh doanh gas trái phép thực hiện được hành vi sang chiết gas lậu và cho vào lưu thông là sở hữu một số lượng lớn bình gas và có gas để nạp vào bình.

Trong bối cảnh những quy định quản lý thị trường gas còn lỏng lẻo, việc chiếm dụng bình gas từ các công ty khác và điều kiện nhập khẩu gas khá dễ dàng thì nhiều cơ sở kinh doanh gas lậu có cơ hội…mọc lên.

Theo ông Trần Trung Chính, Phó Tổng Giám đốc Công ty liên doanh khí hóa lỏng VN (VT Gas): “Vỏ bình gas là tài sản lớn nhất của công ty, chiếm 80% tổng giá trị tài sản. Đầu tư vào vỏ bình khá tốn kém khoảng 450.000 - 480.000 đồng/vỏ bình. Doanh nghiệp phải mất nhiều năm bán gas mới khấu hao được vỏ”.

Có một nghịch lý là rất nhiều cơ quan nhà nước tham gia quản lý vỏ bình gas như Bộ Tài chính thu thuế vỏ bình, Bộ Công an và Cục Phòng cháy chữa cháy quản lý an toàn cháy nổ, Cục Sở hữu trí tuệ quản lý đăng ký nhãn hiệu, Bộ Công Thương quản lý kinh doanh… nhưng chẳng cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý chính.

 

Thái Lan chỉ có 4 doanh nghiệp kinh doanh gas cung ứng cho nhu cầu thị trường khoảng 2,6 - 2,7 triệu tấn gas/năm. Còn ở Việt Nam, với nhu cầu khoảng 800.000 - 900.000 tấn gas/năm thì có trên 70 công ty kinh doanh gas hoạt động.

Nhưng bản thân doanh nghiệp cũng không thể tự bảo vệ được vỏ bình của mình. Do chưa có hệ thống phân phối và đại lý độc quyền nên một đại lý thường kinh doanh rất nhiều loại gas. Khi đi thu gom vỏ gas theo định kỳ, nhiều hãng gas đã thu gom cả bình gas của hãng khác cho đủ số lượng.

Nhưng vì cạnh tranh thiếu lành mạnh, các doanh nghiệp không bắt tay nhau đổi vỏ mà giữ lại. Sau đó phần lớn số vỏ trên được bán ra thị trường tự do như bán phế liệu. Thêm nữa, đại lý cũng có thể bán vỏ gas vì chẳng có khung pháp lý nào ràng buộc họ.

Chị Trang, chủ một đại lý gas tại quận Bình Thạnh (TPHCM), lý giải: “Do cạnh tranh, nhiều công ty đã cho đại lý mượn vỏ không cần thế chấp. Đây lại là nguyên nhân khiến một đại lý có nhiều loại vỏ bình khác nhau vì thế thị trường thêm lộn xộn, doanh nghiệp không thể kiểm soát được bình gas của đơn vị mình.

Bát nháo “cá bé cắn cá lớn”

Khâu yếu nhất đối với hoạt động kinh doanh gas hiện nay là mối quan hệ giữa doanh nghiệp - nhà phân phối - đại lý - người tiêu dùng rất lỏng lẻo. Các công ty gas bán hàng thông qua đại lý bằng hình thức “mua đứt bán đoạn”. Đại lý chỉ ăn giá chênh lệch chứ không được hưởng hoa hồng của công ty.

Vì thế, giữa doanh nghiệp với đại lý chưa có tiếng nói chung. Đại lý không thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách của công ty và có thể “nhảy” sang bán hàng của hãng khác bất cứ lúc nào nếu thấy lợi hơn. Hơn nữa, nhiều chủ đại lý gas cũng thừa nhận, nếu làm ăn chân chính thì rất vất vả với gas lậu vì khoản siêu lợi nhuận 30.000 - 40.000 đồng/bình.

Theo ông Đỗ Trung Thành, Phó phòng Kinh doanh gas Saigon Petro, những biện pháp xử lý hành chính đối tượng kinh doanh gas trái phép chưa đủ sức răn đe để hạn chế tình trạng sang chiết gas lậu. Sang chiết gas trái phép chỉ bị xử phạt vài triệu đồng là quá nhẹ.

Ông Trần Minh Loan, Tổng Giám đốc Công ty An Pha SG, bức xúc: “Do không quản lý được nạn sang chiết, kinh doanh gas lậu nên diễn ra tình trạng “cá bé cắn cá lớn”. Các cơ sở kinh doanh gas trái phép sẵn sàng bỏ qua khâu phân phối, đỡ tốn chi phí trung gian, khiến hàng “chính hãng” rất khó cạnh tranh vì giá”.

Có một thực tế là không doanh nghiệp nào muốn xây dựng hệ thống phân phối độc quyền trong điều kiện hiện nay. Do môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh, kinh doanh theo kiểu chụp giật nên nay người này mạnh nhưng mai kẻ khác lại mạnh hơn trong hệ thống phân phối.

“Để quản lý thị trường gas, nhà nước phải có khung pháp lý quy định điều kiện nhập khẩu, sang chiết gas đối với những cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh gas. Thứ hai là quản lý lại hệ thống phân phối. Nên thu gom thống nhất các công ty gas về một mối để thực hiện nhất quán chiến lược tăng thị phần, chăm sóc khách hàng” - ông Loan cho biết.

Nguyên Tuấn