1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thiếu công nghệ để phát triển năng lượng tái tạo

(Dân trí) - Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), đặc biệt là tiềm năng từ năng lượng gió, khí sinh học, mặt trời… nhưng đến nay hiệu quả còn rất khiêm tốn mà nguyên nhân chính là chưa có công nghệ tiên tiến, phù hợp để sản xuất tốt NLTT.

Thiếu công nghệ để phát triển năng lượng tái tạo - 1
Việt Nam đã bước đầu sử dụng năng lượng mặt trời.
 
NLTT giúp giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, giảm thiểu biến động kinh tế khi giá dầu tăng, giảm ô nhiễm môi trường… Với hệ thống sông suối nhỏ dày đặc, hiện nay, nước ta có khoảng 120.000 trạm thuỷ điện, chủ yếu do tư nhân đầu tư, với tổng công suất ước tính khoảng 300MW, cung cấp điện hàng năm cho hàng vạn hộ gia đình ở các khu vực miền núi và vùng cao. Khí sinh học (bioga) ở khu vực châu thổ Sông Hồng và sông Cửu Long cũng đang được các hộ gia đình sử dụng để nấu nướng.
 
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam còn có nhiều tiềm năng phát triển NLTT khác. Điển hình là khoảng 200 nguồn suối nước nóng nhiệt độ từ 40 - 150 độ C tập trung ở khu vực miền Trung sẽ là nguồn địa nhiệt lý tưởng để xây dựng các trạm phát điện.
 
Hơn 100.000 nhà máy xay xát lúa gạo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có thể cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện chạy bằng vỏ trấu với tổng công suất 70MW…
 
Đặc biệt, nguồn năng lượng mặt trời ở nước ta khá dồi dào với mức độ bức xạ nhiệt từ 3 - 4,5kWh/m2/ngày (mùa đông), 4,5 - 6,5kWh/m2/ngày (mùa hè). Tiềm năng năng lượng gió ở Việt Nam cũng khá lớn trong việc cung cấp điện cho những khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi chưa có lưới điện quốc gia.
 
Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng đến nay việc phát triển NLTT ở Việt Nam rất khiêm tốn. Việc khai thác còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch tổng thể và một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do chúng ta chưa có được công nghệ phù hợp, tiên tiến để sản xuất hiệu quả NLTT.
 
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để hỗ trợ phát triển. Còn các giải pháp thực hiện vừa yếu, vừa thiếu, lại chưa đồng bộ nên chưa hấp dẫn được các nhà đầu tư.
 
Với mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2010 NLTT chiếm 3% tổng công suất điện thương mại và đạt 5% vào năm 2020, tiến tới cạnh tranh về giá so với năng lượng truyền thống, Bộ Khoa học Công nghệ đã phối hợp với tổ chức IMAG (Đức) tổ chức Triển lãm quốc tế về các giải pháp năng lượng tái tạo và phân tán năm 2010 từ 17 - 19/3 tại Hà Nội.
 
Đây thực sự là cơ hội tốt để giúp các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận những công nghệ, thiết bị tiên tiến của thế giới về NLTT, đẩy mạnh cơ hội khai thác tiềm năng dồi dào vốn có ở nước ta.
 
Lan Hương